Động lực cho sự phát triển lên tầm cao mới

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa rất quan trọng, cùng với chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cũng như động lực cho sự phát triển lên tầm cao mới của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

Quan hệ hợp tác không ngừng được củng cố, đi vào chiều sâu

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12 đến 13-12 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đến Việt Nam sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, đúng một năm sau chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10-2022).

Chuyến thăm Việt Nam từ ngày 12 đến 13-12-2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30-10 đến 1-11-2022 đưa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định. Sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước không ngừng được củng cố, đi vào chiều sâu.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nhiều điểm tương đồng: cùng chung biên giới, là 2 nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có quan hệ hữu nghị truyền thống, có lợi ích ngày càng gắn bó. Do đó, cả hai nước đều coi trọng quan hệ với nhau, đều xác định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Trung Quốc - Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của mỗi nước.

Kể từ khi hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (năm 2008) đến nay, quan hệ hai Đảng, hai nước đã phát triển ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước duy trì tiếp xúc mật thiết. Trong đó, ấn tượng sâu sắc nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào cuối năm 2022 (từ ngày 30-10 đến ngày 1-11-2022) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được lãnh đạo Trung Quốc mời thăm và tiếp đón chính thức ngay sau Đại hội. Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử và thành công tốt đẹp.

Từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt. Tổng Bí thư hai Đảng trao đổi thư chúc mừng nhân dịp Tết Quý Mão 2023. Lãnh đạo chủ chốt trao đổi điện mừng nhân kỷ niệm 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (ngày 18-1), kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Việt Nam (ngày 2-9), 74 năm Quốc khánh Trung Quốc (ngày 1-10)...

Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước đã được tích cực triển khai. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc (từ ngày 17 đến ngày 20-10). Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc (từ ngày 25 đến ngày 28-6); dự Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 tại Quảng Tây (từ ngày 16 đến ngày 19-9)…

Giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên. Khi tình hình được khôi phục trở lại sau đại dịch Covid-19, cơ chế gặp gỡ người đứng đầu Bộ Chính trị hai Đảng được khôi phục trở lại. Dự kiến sang năm 2024, hai bên sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lý luận và nối lại những cơ chế trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý đất nước. Các cấp, ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục trao đổi đoàn sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng dịch.

Các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương mở rộng và tăng cường hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Hợp tác về chính trị - ngoại giao không ngừng được tăng cường, củng cố. Hợp tác về quốc phòng - an ninh trở thành một trong những trụ cột của quan hệ song phương. Hợp tác trao đổi, giao lưu nhân dân diễn ra hết sức sôi động với nhiều hình thức.

Chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử

15 năm qua, kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu. Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc). Kim ngạch thương mại song phương tăng 9 lần từ mức 20 tỷ USD năm 2008 lên gần 180 tỷ USD năm 2022 (trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 58 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 120 tỷ USD).

Tính đến hết tháng 10-2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt gần 140 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt xấp xỉ 50 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022; chiếm 17% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Qua 15 năm, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần từ mức lũy kế 2 tỷ USD vào năm 2008 lên 25 tỷ USD hiện nay. Riêng năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ tư trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam: Tập đoàn Wingtech - nhà lắp ráp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục khảo sát và lựa chọn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ; tập đoàn Goertek Trung Quốc vừa đầu tư thêm dự án mới với số vốn 280 triệu USD và mở rộng dự án đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh; tập đoàn BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc đã đầu tư dự án về linh kiện ô tô tại tỉnh Phú Thọ với tổng vốn đầu tư 269 triệu USD.

Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam). Từ tháng 2-2020, do dịch Covid-19 bùng phát, hợp tác du lịch giữa hai nước tạm thời bị gián đoạn. Từ ngày 15-3 năm nay, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đi Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội - Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế đối với người nước ngoài đến Trung Quốc. Trong 10 tháng đầu năm, ta đã đón 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam (sau Hàn Quốc với 2,9 triệu lượt).

Việt Nam và Trung Quốc đạt nhiều thành quả trong việc xây dựng đường biên giới trên bộ hai nước hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hai bên cũng nỗ lực duy trì đàm phán, tăng cường hợp tác, nhằm cùng các bên liên quan kiểm soát bất đồng, quản lý khác biệt phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Trong bối cảnh đó, Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn nhấn mạnh: “Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình có ý nghĩa rất quan trọng, cùng với chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30-10 đến 1-11-2022), sẽ tạo điều kiện thuận lợi cũng như động lực cho sự phát triển lên tầm cao mới của quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước với những hợp tác hết sức thiết thực, hiệu quả và ngày càng thực chất hơn”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dong-luc-cho-su-phat-trien-len-tam-cao-moi-post560781.antd