Đồng hành vượt khó cùng người lao động

Tác động tiêu cực của dịch COVID-19, bất ổn chính trị trên thế giới... là những yếu tố bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình nói riêng. Từ đó đặt ra nhiều thách thức hơn cho các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Công ty May Đài Loan, Khu công nghiệp Gián Khẩu (Gia Viễn) đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Ảnh: Minh Quang

Đạt chỉ tiêu về giải quyết việc làm

Chị Bùi Thị Soan, một lao động ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư phấn khởi cho biết đã tìm được việc làm mới sau khi tham gia một phiên giao dịch việc làm được tổ chức vào tháng 12/2023. Chị Soan vốn là công nhân may mặc, làm cho một xưởng may nhoở̉ gần nhà. Sau nửa năm nghỉ ở nhà chăm sóc con nhỏ, giờ đi làm lại, chị Soan muốn tìm được việc làm ở công ty lớn hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp may mặc phải thu hẹp sản xuất vì thiếu đơn hàng thì tìm được việc làm không đơn giản. "Trước đây, lao động nghề may không khó để tìm việc, tuy nhiên trong năm 2023, để tìm được việc làm phù hợp với mình, tôi đã phải tới sàn giao dịch việc làm nhiều lần. Rất may mắn, trong phiên giao dịch cuối năm, tôi đã phỏng vấn thành công. Năm mới cũng cận kề, có việc làm là có thêm thu nhập, tôi sẽ có thêm điều kiện để chăm lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy hơn"- chị Soan chia sẻ. Chị Soan là một trong hàng nghìn lao động đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm thành công kể từ đầu năm 2023 tới nay.

Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để kết nối việc làm cho người lao động. Theo đó, Trung tâm đã tổ chức thu thập thông tin về chỗ làm trống, người tìm việc và các chương trình việc làm ngoài nước, đưa số liệu này lên trang web của đơn vị để chia sẻ thông tin trên phạm vi toàn quốc. Những dữ liệu này góp phần không nhỏ trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm khác, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động tự kết nối. Đồng thời thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Trung tâm đã thu thập thông tin, nhập dữ liệu về nhu cầu tìm kiếm việc làm của 7.000 người lao động và 1.500 phiếu nhu cầu tuyển dụng lao động của 750 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên trang web lưu trữ cơ sở dữ liệu việc làm của Cục Việc làm theo quy định.

Đến ngày 30/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 40 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 11 phiên giao dịch việc làm hàng tháng, 21 phiên giao dịch việc làm online, 6 phiên chuyên đề, 2 phiên việc làm lưu động tại huyện Hoa Lư và Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình, thu hút trên 1.300 lượt doanh nghiệp đăng kí chỉ tiêu tuyển dụng và trên 21.000 lao động tham gia giao dịch việc làm trực tiếp tại sàn. Thông qua các phiên giao dịch việc làm, đã tư vấn cho trên 35.000 lượt lao động, đạt 142,2% kế hoạch năm đề ra. Qua hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và hoạt động sàn giao dịch, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã giới thiệu việc làm cho trên 3.100 người, đạt 103,5% chỉ tiêu kế hoạch năm.

Đáng chú ý, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã khảo sát, lập danh sách những lao động thuộc diện bị cắt, giảm để tư vấn, hỗ trợ kết nối việc làm mới. Như vậy, về cơ bản, tình hình việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh khá ổn định. Cùng với nỗ lực khai thác thị trường lao động nội địa, các ngành, các địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai kết nối, giới thiệu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Với những nỗ lực đó, trong năm 2023, toàn tỉnh ước tính giải quyết việc làm cho 19.400 người, đạt 100% kế hoạch năm, trong đó, riêng xuất khẩu lao động đạt 2.036 người, vượt chỉ tiêu được giao.

Hướng về người lao động có hoàn cảnh khó khăn

Cùng với nỗ lực giải quyết, đảm bảo việc làm cho người lao động, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cũng đã thực hiện nhiều hoạt động chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động. Những chương trình giao lưu, đối thoại; những món quà thăm hỏi, động viên kịp thời; những mái ấm được trao tặng… đã giúp người lao động có thêm niềm tin, thêm gắn bó để cùng đồng hành vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Chị Đặng Thị Na, ở xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh là lao động có hoàn cảnh khó khăn của Công ty TNHH MCNEX VINA, Khu công nghiệp Phúc Sơn (thành phố Ninh Bình). Chị Na có 3 đứa con, trong đó con trai đầu lòng bị khuyết tật do di chứng xuất huyết não từ nhỏ. Hàng tháng, con trai chị phải đi thăm khám, dùng thuốc định kỳ. Khoản thu nhập hơn chục triệu đồng của cả hai vợ chồng trở nên eo hẹp khi có quá nhiều việc phải trang trải.

Chị Na chia sẻ: Dẫu cuộc sống có nhiều khó khăn, vất vả nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy mình đơn độc. Ở những thời điểm khó khăn nhất, tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của công đoàn các cấp. Công ty cũng tạo điều kiện cho tôi về sớm mỗi ngày để kịp chăm sóc con; tặng quà mỗi dịp lễ, Tết; cho con tôi được tham gia nhiều hoạt động tập thể… Những điều đó khiến tôi gắn bó với Công ty như ngôi nhà thứ hai của mình.

Công ty TNHH MCNEX VINA có gần 4.000 lao động. Trong đó có những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc gặp rủi ro, tai nạn đột xuất. Những năm qua, cùng với nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh để đảm bảo việc làm và mức lương ổn định cho người lao động, Công ty đặc biệt quan tâm tới việc chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động thông qua các hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở.

Chị Doãn Thị Thu Giang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MCNEX VINA cho biết: Công ty đã tổ chức và duy trì tốt các chương trình như: Hỗ trợ cùng em tới trường; tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức ngày hội gia đình. Đặc biệt, trong Tháng Công nhân hàng năm, ngoài hoạt động thăm hỏi, tặng quà, Công ty còn tổ chức nhiều hoạt động như: Thi Rung chuông vàng; bóng chuyền nữ, kéo co, dân vũ… để gắn kết người lao động.

Đồng hành cùng người lao động, nhất là lao động có hoàn cảnh khó khăn, trong năm qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức chương trình "Đối thoại tháng 5", diễn đàn "Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân", hoạt động "Cảm ơn người lao động"… để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vướng mắc phát sinh trong đội ngũ người lao động. Từ đó, các cấp công đoàn chủ động tham mưu cho doanh nghiệp điều chỉnh chính sách phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Các cấp công đoàn cũng đã phối hợp để thực hiện nhiều hoạt động thiết thực khác như: Tặng quà đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, gặp tai nạn, rủi ro đột xuất; hỗ trợ xây nhà "Mái ấm công đoàn" cho công đoàn viên khó khăn về nhà ở; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…, qua đó gắn kết người lao động với tổ chức công đoàn và xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa người lao động và doanh nghiệp...

Ông Đinh Thế Hùng, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh cho biết: Trong năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thu nhập của người lao động bị giảm. Vì vậy, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hướng về người lao động, đặc biệt là các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; hướng dẫn các Công đoàn cơ sở đưa nội dung bữa ăn ca của người lao động vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể; đề nghị các doanh nghiệp quan tâm có các chế độ nhằm đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động…

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dong-hanh-vuot-kho-cung-nguoi-lao-dong/d2023122908126537.htm