Đồng hành với sự phát triển bền vững

Ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Quyết định 216/CP về sinh đẻ có hướng dẫn, đánh dấu sự ra đời của chương trình Dân số Việt Nam. Trải qua 60 năm hình thành và phát triển (1961-2021), công tác dân số Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công, thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Cùng với cả nước, ngành Dân số tỉnh Phú Thọ đã từng bước xây dựng, trưởng thành, có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ một tỉnh có tỉ lệ phát triển dân số cao đứng đầu miền Bắc (tỉ suất sinh năm 1960 là 45,6%o, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,5 con tỉ lệ tăng tự nhiên dân số 3,41%), đến nay, tỉ lệ tăng dân số bình quân hàng năm giai đoạn 2009-2019 là 1,06% (Trung du miền núi phía Bắc: 1,26%, cả nước: 1,14%). Số con trung bình mỗi phụ nữ giảm và duy trì ở mức trên hai con trên phạm vi cả tỉnh. Thành công của công tác dân số đã làm thay đổi lớn cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số theo hướng có lợi cho sự phát triển. Cơ cấu dân số thay đổi tích cực, số lượng và tỉ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi giảm còn 25%; tỉ lệ người từ 15-64 tuổi duy trì ở mức trên 65% (Phú Thọ bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007). Cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực. Tỉ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ 20,1% lên 53,1%; lao động nông nghiệp giảm từ 79,9% xuống còn 46,9%. Chất lượng dân số được cải thiện, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức trung bình của cả nước. Tỉ lệ suy dinh dưỡng và tỉ suất tử vong trẻ em thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Đến nay, hơn 60% bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp sớm một số bệnh, tật. Tầm vóc thể lực của người dân trong tỉnh được cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng tương đương mức trung bình của cả nước. Phân bố dân số gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối lao động - việc làm. Tỉ lệ dân số đô thị tăng đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế-xã hội nhất là nhu cầu lao động ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.Công tác tuyên truyền, giáo dục và dịch vụ dân số được triển khai sâu rộng, thường xuyên ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức, cộng đồng, gia đình và từng cặp vợ chồng. Nội dung tuyên truyền thiết thực, sinh động, sản phẩm truyền thông đa dạng; các mô hình về dân số hoạt động hiệu quả; các phương tiện thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng cùng hàng vạn pano, áp phích, tờ rơi, các cuộc mít tinh, diễu hành... đã đưa thông điệp “mỗi cặp vợ chồng chỉ có một đến hai con” lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số được phát triển rộng khắp, gần dân; chất lượng ngày càng cao. Phương thức cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được thay đổi căn bản từ cơ sở y tế công tuyến huyện đến trạm y tế xã và cơ sở y tế tư nhân. Phú Thọ là tỉnh tiên phong trong các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc triển khai thành công công nghệ hỗ trợ sinh sản. Chỉ tính trong 30 năm kể từ năm 1991 đến 2021 nhờ giảm sinh và duy trì mức sinh thấp toàn tỉnh đã tránh sinh trên 150 ngàn người, lớn hơn dân số bình quân của một huyện trong tỉnh. Kết quả thực hiện các mục tiêu dân số đã trực tiếp góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội của địa phương. Trong giai đoạn 2001-2010, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) năm 2010 đã tăng 2,56 lần so với năm 2000, GDP bình quân đầu người tăng 2,66 lần. Giai đoạn 2011-2020, GDP năm 2020 tăng gần 2 lần (giá so sánh) và tăng gần 4 lần (giá hiện hành) so với năm 2011. Kết quả chương trình dân số trong 20 năm gần đây đã làm tăng khoảng 0,1 lần GDP bình quân đầu người, bình quân tăng trên 1% mỗi năm. Ngày nay, nhờ sinh ít con, phụ nữ có điều kiện để nâng cao sức khỏe, tham gia công tác xã hội; kết quả các kỳ tổng điều tra dân số cho thấy quy mô gia đình (số người bình quân của 1 hộ gia đình) ngày càng nhỏ hơn đã giúp các gia đình tiết kiệm chi phí, tăng tích lũy. Công tác dân số đã thực sự đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bền vững về môi trường; đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội.Bước vào thập kỷ mới, công tác dân số đứng trước nhiều cơ hội: Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc (SDG 2030), với quan điểm lấy con người làm trung tâm, các mục tiêu về dân số chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, gắn bó mật thiết với phát triển bền vững. Xu thế dân số và phát triển được khẳng định với yêu cầu chú trọng toàn diện các mặt dân số về quy mô, cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số, bảo đảm mọi người đều được bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển. Già hóa dân số và thích ứng với già hóa dân số đã trở thành vấn đề toàn cầu. Phú Thọ là tỉnh có quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số vàng sẽ tiếp tục duy trì trong vòng ít nhất 20 năm tới. Thời kỳ “dân số vàng” tạo cơ hội lý tưởng để sử dụng lực lượng lao động trẻ dồi dào phục vụ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là giai đoạn phát triển then chốt 2021-2030. Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 22/12/2017 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2516/KH-UBND, ngày 12/6/2020 về kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Phú Thọ thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ dân số-kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với thời cơ, thuận lợi, công tác dân số của tỉnh cũng có nhiều khó khăn thách thức: Phú Thọ là tỉnh có quy mô dân số lớn (đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố), mật độ dân số cao 414 người/km2 (cả nước: 290 người/km2), mức sinh vẫn còn cao. Số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ ở tỉnh tiếp tục tăng trong nhiều năm tới sẽ trực tiếp tác động, tạo áp lực lên mục tiêu giảm sinh của tỉnh. Tâm lý muốn có nhiều con, ưa thích con trai, định kiến giới vẫn còn sâu sắc. Tốc độ tăng nhanh dân số trong độ tuổi lao động sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế nếu được tận dụng tốt; ngược lại, sẽ trở thành gánh nặng, dễ sinh các tệ nạn xã hội nếu không tận dụng được. Dân số vàng của tỉnh ta mới chỉ đạt tiêu chí về số lượng; chất lượng nguồn nhân lực còn rất hạn chế; chưa có giải pháp đồng bộ để phát huy lợi thế dân số vàng. Tốc độ già hóa dân số nhanh trong khi các điều kiện kinh tế, xã hội chưa được chuẩn bị tốt để kịp thích ứng. Phần lớn người cao tuổi sống ở nông thôn, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa đáp ứng. Mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa phát triển. Mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lan rộng, cả thành thị và nông thôn; tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh tuy có giảm nhưng vẫn đang ở mức khá cao, nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt sẽ gây nhiều hệ lụy cho sự phát triển bền vững. Di dân tác động đến quy mô, cơ cấu dân số và gây khó khăn cho địa phương cả nơi đi và nơi đến. Hạ tầng, chính sách xã hội ở nhiều đô thị, khu công nghiệp chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng dân số cơ học. Tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư còn hạn chế. Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, cán bộ ngành Dân số Phú Thọ sẽ nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức quyết tâm thực hiện mục tiêu công tác dân số của tỉnh đã đặt ra: Tiếp tục nỗ lực giảm mức sinh, tiến tới đạt mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, đưa tỉ số giới tính khi sinh về gần mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh.

Nguyễn Huy Ngọc - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202112/dong-hanh-voi-su-phat-trien-ben-vung-181834