Đồng hành doanh nghiệp trong kinh tế xanh

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Trước những tác động từ biến đổi khí hậu và môi trường, trở thành doanh nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh không chỉ đơn thuần là xu hướng mà còn trở thành cam kết của nhiều quốc gia và các doanh nghiệp trên thế giới.

Lắp đặt pin năng lượng mặt trời áp mái tại Nhà máy Nước mặt Sông Đuống (Hà Nội) do Tập đoàn AquaOne đầu tư. (Ảnh TRẦN TUẤN)

Lắp đặt pin năng lượng mặt trời áp mái tại Nhà máy Nước mặt Sông Đuống (Hà Nội) do Tập đoàn AquaOne đầu tư. (Ảnh TRẦN TUẤN)

Tuy nhiên ở Việt Nam, xu hướng này mới chỉ đang ở điểm xuất phát do nhận thức của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, quá trình triển khai thiếu đồng bộ, gặp rào cản về nguồn vốn, nhân lực, khoa học và công nghệ còn lạc hậu,...

Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh, ngoài những nỗ lực của doanh nghiệp, rất cần thêm sự đồng hành, hỗ trợ từ Nhà nước trong việc đẩy mạnh các chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy lộ trình sản xuất xanh, tiến tới đưa nền kinh tế phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Gỡ vướng về cơ chế

Là một trong những khu công nghiệp hình thành đầu tiên tại miền bắc (năm 1994), khu công nghiệp Nomura Hải Phòng (nay được đổi tên thành Khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng) được đầu tư bài bản theo các quy chuẩn cao nhất của đối tác Nhật Bản khi đó.

Thời điểm ấy, Nomura được đánh giá dẫn đầu các khu công nghiệp trên cả nước về vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý, quy hoạch không gian, hạ tầng,... Song đến nay, sau 30 năm, Nomura đang rơi vào tình trạng "lỗi thời”, phát sinh nhiều bất cập trong công tác xử lý nước thải, ô nhiễm khí thải, chất thải rắn công nghiệp, ô nhiễm không khí, chất thải nguy hại phát sinh và thiếu diện tích cây xanh,…

Không chỉ riêng Nomura, trong tổng số gần 300 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, có rất nhiều khu công nghiệp ở Việt Nam hiện đang đối mặt những bất cập tương tự khi ra đời sớm, đã không còn phù hợp với các tiêu chuẩn xanh hiện nay. Theo số liệu thống kê, cả nước có tới 29 khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung do những bất cập về hạ tầng; tỷ lệ lấp đầy thấp, chưa giải phóng được mặt bằng phần diện tích quy hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; thiếu sự đồng bộ, thiếu tính kết nối.

Thực tế các khu công nghiệp hình thành trong giai đoạn trước đây có hướng tiếp cận và mục tiêu tập trung tối đa hóa lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế mà không coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường hoặc phúc lợi xã hội. Việc xây dựng các hạng mục công trình xử lý nước thải, sử dụng năng lượng sạch cũng chưa được quan tâm đầu tư xây dựng, chủ yếu phát triển theo giai đoạn "cuốn chiếu” cho nên không thân thiện với môi trường, không tiết kiệm tài nguyên, sử dụng nguồn nguyên liệu chưa hiệu quả.

Vì vậy đến nay, trước những yêu cầu "xanh hóa”, rất nhiều khu công nghiệp mong muốn được "thay da, đổi thịt”, chuyển đổi trở thành khu công nghiệp xanh, sinh thái và có tính bền vững nhưng lại gặp phải rào cản rất lớn về chi phí đầu tư, năng lực của chủ đầu tư. Đặc biệt, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, có rất nhiều quy định pháp lý chưa rõ ràng, gây cản trở trong việc chuyển đổi mô hình.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư Sao Đỏ, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng) Trần Thị Tố Loan chia sẻ, ngoài vấn đề tài chính, vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng đang cản trở các doanh nghiệp phát triển xanh.

Cụ thể, tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, đưa ra chỉ tiêu có 20% số doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải thực hiện các sản xuất sạch hơn, nhưng lại không cụ thể thế nào là sạch hơn, hay thế nào là sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Trong khi để đáp ứng quy định nêu trên, bản thân khu công nghiệp và các doanh nghiệp phải đầu tư một nguồn tài chính rất lớn nhằm thay đổi toàn bộ công nghệ, dây chuyền, máy móc, thiết bị, bổ sung xây dựng thêm hạ tầng xử lý chất thải,... Nếu không cụ thể hóa chính sách, sẽ rất khó để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi.

Ngoài ra theo bà Loan, để sử dụng hiệu quả tài nguyên, cần phải tái sử dụng tài nguyên, nhưng thực tế qua quá trình thu hút các dự án tái chế, bản thân các khu công nghiệp cũng gặp khó khăn khi quy định pháp luật chưa nói rõ có cho phép các khu công nghiệp được thu hút ngành nghề này hay không.

Nếu thu hút, phải thay đổi toàn bộ hệ thống về báo cáo tác động tài nguyên, môi trường, giấy phép hệ thống quan trắc nhằm bảo đảm pháp lý phù hợp với việc thu hút những ngành nghề đó. Bên cạnh đó, cũng chưa rõ từ góc nhìn của các cơ quan quản lý có muốn thu hút các dự án tái chế không, hay chỉ tập trung thu hút những dự án mang lại hiệu suất cao hơn như các dự án điện tử,...

Cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc phát triển xanh và bền vững sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ chính mình, trụ vững hơn và tìm được cơ hội bứt phá trước biến động khó lường của thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tiếp nhận được mô hình tài chính mới, đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư cho công nghệ từ các quỹ đầu tư để phát triển kinh doanh theo hướng xanh và bền vững, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thân thiện với môi trường; từ đó tăng tính cạnh tranh, huy động được nguồn vốn, tạo ra các lợi thế mới,…

Theo số liệu khảo sát mới đây do VCCI thực hiện ở hơn 10 nghìn doanh nghiệp trên cả nước, 56% số doanh nghiệp nhận thấy cơ hội từ biến đổi khí hậu. Trong đó, khoảng 30% nhận định đã đến lúc cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, 17% cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới, đồng thời phát triển thêm thị trường cho sản phẩm đang có.

Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức, khảo sát nêu trên của VCCI cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường hoặc không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường. Dù cũng đã mong muốn thay đổi theo hướng phát triển bền vững, song nhiều doanh nghiệp vẫn bị hạn chế về công nghệ do thiết bị, máy móc sản xuất đã cũ.

Hiện chỉ có 31,8% số doanh nghiệp tư nhân hiểu rõ các quy định môi trường, 44% số doanh nghiệp trong nước và 38% số doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường. Một số doanh nghiệp tuy đã có bước triển khai ban đầu cho các hoạt động hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh nhưng lại lo ngại để tuân thủ các quy định sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tốn kém chi phí đầu tư mới hoặc cải tiến máy móc, thiết bị. Các doanh nghiệp vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh, mặc dù quá trình triển khai phát triển xanh nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp không nên thấy khó mà dừng lại hoặc trì hoãn. Chuyển đổi xanh không còn thời gian để chậm trễ, cần phải hành động sớm nhất có thể để ngăn chặn biến đổi khí hậu, tại Hội nghị COP26, người đứng đầu Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ, quyết tâm đưa phát thải carbon về bằng "0” vào năm 2050.

Để thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển xanh, doanh nghiệp rất cần sự chung tay hành động, đồng hành của Nhà nước, các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư,… nhằm khơi thông "điểm nghẽn” chính sách, dẫn dòng tài chính xanh, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi, phát triển theo hướng xanh một cách mạnh mẽ hơn.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, vấn đề cần triển khai trước hết là Nhà nước hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách hiện hành một cách đồng bộ, nhất quán theo định hướng phát triển xanh, tránh tạo ra khoảng trống trong chính sách; đồng thời, nên khuyến khích xanh hóa sản xuất, ưu tiên chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh, cơ chế phát triển sạch. Đối với doanh nghiệp, không nhất thiết phải đầu tư ngay trang thiết bị hiện đại để giảm thiểu khí thải, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trở thành doanh nghiệp xanh, trước tiên phải thay đổi từ tư duy, thay đổi từ những hành động đơn giản như nghiêm chỉnh chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, năng lượng,... hình thành ý thức tuân thủ, sau đó mới tìm kiếm nguồn lực từ các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính để tiến hành chuyển đổi xanh. Đặc biệt, nên ưu tiên sử dụng những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường là đã giúp thực hiện phát triển xanh. Có như vậy, từng bước các doanh nghiệp sẽ tiến tới xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững trong tương lai.

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/189266/dong-hanh-doanh-nghiep-tr111ng-kinh-te-xanh.htm