Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Đồng Nai chỉ chiếm khoảng 7% tổng dân số của tỉnh. Song với số lượng gần 200 ngàn người, Đồng Nai là một trong những địa phương tập trung đông đồng bào DTTS trong cả nước.

Ông Trần Văn Lý, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro tại ấp Tín Nghĩa (xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất), động viên con em đồng bào học tập tại Nhà văn hóa dân tộc Chơro do tỉnh xây dựng. Ảnh:S. Thao

Đây là điều kiện thuận lợi để những người làm công tác dân tộc thể hiện vai trò trong công tác tham mưu, triển khai, giám sát việc thực thi chính sách dân tộc. Qua đó, góp phần giữ gìn sự ổn định trong cộng đồng, trợ giúp đồng bào DTTS vươn lên.

Nơi hội tụ của 51/54 dân tộc anh em

Ngoài dân tộc Kinh và 4 dân tộc bản địa: Chơro, Mạ, S'tiêng, K’ho, Đồng Nai còn là nơi đồng bào 46 DTTS khác tìm về định cư. Điều này tạo nên bức tranh đa dạng về văn hóa trên mảnh đất Đồng Nai, bởi mỗi DTTS đều có những lễ hội, phong tục, tập quán riêng. Vì vậy, việc kịp thời hỗ trợ đồng bào DTTS tổ chức lễ hội truyền thống, thực hiện các đoàn chúc mừng lễ, Tết được Ban Dân tộc tỉnh, cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện chủ động thực hiện.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang, mỗi năm các ngành, địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều lễ hội, trong đó có: lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) và Sayangbri (cúng thần Rừng) của đồng bào Chơro, lễ cúng Yang - Bơnơm (cúng thần Núi) của đồng bào Mạ, tháng Ramadan của đồng bào Chăm, Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer, lễ hội Lòng Tòng của đồng bào Tày, lễ vía Quan Thánh Đế Quân của đồng bào Hoa...

Đại đức Thạch Sa Huỳnh, Trụ trì chùa Hoa Sơn (thành phố Long Khánh), cho hay tại Đồng Nai có gần 24 ngàn đồng bào Khmer sinh sống. Vào tháng 4 hàng năm, nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer, Ban Dân tộc tỉnh đều tổ chức đoàn với thành phần là lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, thành phố Long Khánh đến thăm, chúc Tết chức sắc, chức việc, đồng bào Khmer. Điều này thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp đối với bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer tại Đồng Nai.

Ngoài Ban Dân tộc tỉnh, 5/11 huyện, thành phố của tỉnh có phòng dân tộc cấp huyện. Những địa phương khác có bộ phận tham mưu công tác dân tộc thuộc văn phòng HĐND - UBND cấp huyện.

Ngành dân tộc tỉnh còn phối hợp cùng các ngành thực hiện việc hỗ trợ đồng bào DTTS bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Toàn tỉnh hiện có 15 nhà văn hóa DTTS tọa lạc tại các xã tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Ông Thổ Nơi, người uy tín trong đồng bào DTTS xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất), cho hay Nhà văn hóa dân tộc Chơro xã Xuân Thiện hoàn thành vào năm 2010. Đây là một trong những nhà văn hóa DTTS được xây dựng sớm tại Đồng Nai. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh, chính quyền địa phương còn hỗ trợ bà con trang bị cồng chiêng và một số vật dụng trong đời sống của đồng bào… để trưng bày trong nhà văn hóa, đồng thời được hỗ trợ mở lớp tập luyện cồng chiêng cho thanh niên.

Hiện nay, Đồng Nai còn có 29,2 ngàn đồng bào DTTS tạm trú, ở trọ tại những địa bàn tập trung các khu công nghiệp. Ngoài triển khai các chế độ, chính sách dành cho đồng bào DTTS, để nắm rõ nhu cầu, mong muốn của đồng bào DTTS trong quá trình sống và làm việc tại Đồng Nai, ngành dân tộc tỉnh phối hợp cùng các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội thảo “Lao động người DTTS di cư đến Đồng Nai - Thực trạng và giải pháp”. Qua đó, giúp tỉnh, doanh nghiệp và cộng đồng có cái nhìn toàn cảnh về người DTTS từ mọi miền đất nước đang sinh sống, lao động tại Đồng Nai.

Ban Dân tộc tỉnh còn phối hợp cùng lực lượng công an, luật sư tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền chuyên đề về an ninh mạng, phòng chống lừa đảo qua không gian mạng dành cho đồng bào. Từ những cầu nối uy tín này, những kiến thức nhận biết về lừa đảo qua mạng được truyền đến cộng đồng. Nhờ vậy mà bà con đã nhận diện được các cách thức lừa đảo để có sự đề phòng.

Chủ động triển khai nhiều chính sách

Những năm qua, đội ngũ làm công tác dân tộc của tỉnh luôn được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tư tưởng chính trị và bám sát thực hiện công tác dân tộc. Nhờ đó, nhiều chương trình chăm lo, quan tâm, hỗ trợ đồng bào DTTS đã được triển khai. Cụ thể, năm 2024 là Tết thứ 3 tỉnh thực hiện hỗ trợ Tết cho sinh viên là người DTTS của Đồng Nai theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng tặng hoa chúc mừng các gia đình được tuyên dương tại Hội nghị Biểu dương, khen thưởng gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2023. Ảnh: S.Thao

Hay sau nhiều năm gián đoạn, năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng nghị quyết trình HĐND tỉnh thông qua trợ cấp hàng tháng cho người có uy tín trong đồng bào DTTS. Theo đó, 206 người có uy tín trong đồng bào DTTS được nhận 800 ngàn đồng/người/tháng. Để thuận tiện trong chi trả, Ban Dân tộc tỉnh còn phối hợp cùng ngân hàng làm thẻ ATM cho người nhận, hướng dẫn người uy tín và thân nhân sử dụng thanh toán trực tuyến an toàn.

Ngoài ra, hàng loạt chương trình tuyên dương người DTTS tiêu biểu cũng được Ban Dân tộc tỉnh, cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện phối hợp triển khai lần đầu hay nối lại hoạt động sau thời gian dài tạm dừng.

Cụ thể, năm 2022, lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức Lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh, sinh viên là người DTTS trên địa bàn tỉnh lần thứ I-2022. Tại lễ tuyên dương, 200 học sinh, sinh viên có thành tích tiêu biểu, xuất sắc đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, Ban Dân tộc tỉnh biểu dương và tặng quà.

Cũng thông qua tham mưu của Ban Dân tộc tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi DTTS tiêu biểu tỉnh Đồng Nai lần thứ II-2022 cũng được nối lại sau nhiều năm. 260 người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi DTTS tiêu biểu, xuất sắc được UBND tỉnh trao tặng bằng khen và Ban Dân tộc tỉnh tuyên dương.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, mỗi lễ tuyên dương được tổ chức góp phần quan trọng trong việc khuyến khích đồng bào nỗ lực nâng cao dân trí cũng như ghi nhận vị trí, vai trò, công lao đóng góp của người DTTS tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn.

Đặc biệt, để tiếp tục kéo giảm khoảng cách về đời sống các vùng miền, giữa các dân tộc, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Chính phủ, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Chương trình Phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024.

Hiện Đồng Nai là một trong số ít các tỉnh, thành sớm ban hành chương trình phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, Đồng Nai sẽ bố trí 571 tỷ đồng từ nhiều nguồn để thực hiện 10 dự án phát triển vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ nghề nghiệp trên các lĩnh vực; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển giáo dục; chăm sóc sức khỏe người DTTS…

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/dong-hanh-cung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-8026cc4/