Đóng góp dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Ngày 12/10, chủ trì Hội thảo lấy ý kiến dự án Luật Các tổ chức tín dụng, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh xác định, những đóng góp của đại biểu sẽ góp phần quan trọng trong công tác quản lý và tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Sau hơn 12 năm thực thi, Luật Các tổ chức tín dụng góp phần lành mạnh hóa hoạt động các tổ chức tín dụng trong hệ thống ngân hàng, tạo môi trường pháp lý ổn định, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Đặc biệt, góp phần lớn thúc đẩy cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư, làm tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, không ít quy định của luật khó thực hiện. Trong đó, quy định về trình độ quản lý nhân lực, về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước; về huy động nguồn vốn; chưa mở rộng cơ chế hoạt động, hành lang pháp lý chưa vững chắc, bảo đảm, còn chồng chéo trong kiểm tra, giám sát của hoạt động kinh tế tập thể, phát triển kinh tế tập thể...

Để phù hợp với thực tiễn hoạt động của tổ chức tín dụng, góp phần xóa bất cập, hạn chế, việc bổ sung, sửa đổi luật là cần thiết; thực hiện quan điểm, mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển đất nước, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và luật chuyên ngành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2023 với 16 chương, 208 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Góp ý dự thảo luật, luật sư Trần Ngọc Bản - Đoàn Luật sư tỉnh An Giang ý kiến, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là luật chuyên ngành nhưng vẫn chịu tác động đến các luật có liên quan và pháp luật nói chung. Đây là luật quan trọng, nhạy cảm, liên quan đến các giao dịch về tài sản, tài chính nói chung, đến nhiều đối tượng, thành phần, không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam. Nếu thấy có nhiều vấn đề cốt lõi, quan trọng của dự án luật chưa đủ cụ thể, khả thi, chưa phù hợp trong tình hình mới, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện. Đặc biệt, có thể tìm hiểu thêm góp ý của các đối tượng chịu tác động, từ các tổ chức tài chính vi mô và Quỹ Tín dụng nhân dân; đến các chuyên gia, các bộ, ngành có liên quan và khi ban hành luật bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, có tuổi thọ dài hơn, không xảy ra chồng chéo, trùng lắp và tính khả thi cao. Trước khi thông qua luật quan trọng này, rất cần “soi chiếu”, xem xét cụ thể.

Liên quan vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Công Lập cho biết, về thẩm quyền ở các Điều 48, 52, 53, 54, 56 quy định quyền, nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành tín dụng; nhiệm vụ, quyền hạn của ban kiểm soát; của trưởng ban kiểm soát, thành viên; quyền, nghĩa vụ của tổng giám đốc hoặc giám đốc cần duy trì, nâng cấp hành lang pháp lý để bảo đảm sự rủi ro, bất cập trong giao dịch, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong kết cấu luật, ban soạn thảo luật cần thiết kế cân đối, phù hợp, dễ thực hiện. Ví dụ, tại chương VI (Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng) thiết kế chỉ 2 điều (Điều 131, 132) rất gọn, trong khi các chương khác có nhiều tiêu mục, nhiều điều, khoản. Trong giải thích từ ngữ, luật cần nói rõ, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện. Cũng ở phần giải thích từ ngữ, đại biểu các tổ chức Quỹ Tín dụng nhân dân cho rằng, ngoài có một số thuật ngữ khó hiểu, chưa phù hợp, ở phần “người có liên quan” (Khoản 32) quy định khó thực hiện do qua nhiều thế hệ người thừa kế, như: Ông bà, cha mẹ, con cháu, chắt...

Về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm, đại biểu Quốc hội Phan Huỳnh Sơn nhận định, hiện nay, thủ tục thu giữ tài sản đảm bảo quy định trong dự thảo luật chưa có những cơ chế pháp lý khác nhau đối với các loại tài sản đảm bảo khác nhau. Ví dụ, việc thu giữ tài sản đảm bảo là bất động sản trên thực tế sẽ khác biệt với các tài sản đảm bảo khác, như: Vốn góp, cổ phần, chứng khoán… Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo luật nên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định hành vi thu giữ phù hợp từng dạng tài sản bảo đảm cụ thể, cân đối các lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên, tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo được tính ổn định của các giao dịch trên thị trường có liên quan đến tài sản bảo đảm. Quyền tài sản của tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ, cần được quy định rõ, phù hợp, tránh khiếu nại, khởi kiện.

Cùng vấn đề này, nhiều đại biểu đề nghị trong xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, do Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã bãi bỏ các rào cản cho việc thành lập doanh nghiệp mua bán nợ; các doanh nghiệp hiện không hoạt động được vì không được hưởng các cơ chế theo Nghị quyết 42 (ví dụ như không có quyền thu giữ tài sản bảo đảm như các tổ chức tín dụng).

Sau hơn 12 năm thực thi luật, một số quy định đã không còn phù hợp sự thay đổi của thực tiễn, nhất là các vấn đề phát sinh trong “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”. Đề nghị dự thảo luật nên có điều khoản quy định mở rộng đối tượng tham gia xử lý nợ xấu khả thi, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các tổ chức tín dụng và hệ thống ngân hàng nói chung, bởi việc xử lý nợ xấu khó/không thực hiện được, thiệt hại không nhỏ.

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dong-gop-du-an-luat-cac-to-chuc-tin-dung-sua-doi--a377958.html