Động đất tại Iran, rung chuyển khắp Trung Đông

(Đời sống) - Hàng trăm người có thể đã thiệt mạng sau khi một trận động đất cực mạnh tại Iran ngày 16/4, mà dư chấn của nó được cảm nhận tại khắp vùng Vịnh và Trung Đông. Theo thống kê sơ bộ, ít nhất 40 người đã thiệt mạng và hơn 850 người khác bị thương trong thảm họa này.

(Đời sống) - Hàng trăm người có thể đã thiệt mạng sau khi một trận động đất cực mạnh tại Iran ngày 16/4, mà dư chấn của nó được cảm nhận tại khắp vùng Vịnh và Trung Đông. Theo thống kê sơ bộ, ít nhất 40 người đã thiệt mạng và hơn 850 người khác bị thương trong thảm họa này.

"Đó là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Iran trong 40 năm qua và chúng tôi lo sợ có thể hàng trăm người đã thiệt mạng" - một quan chức Iran giấu tên nói với Reuters.

Tâm chấn trận động đất nằm sâu khoảng 15 km, cách phía nam thành phố Khash khoảng 90 km - theo Trung tâm Khảo sát Địa chất Mỹ. Theo các nguồn tin khác nhau, trận động đất này có cường độ vào khoảng 7,5 tới 7,8 độ richter.

Theo hãng BBC, dư chấn được cảm nhận tại khắp vùng Vịnh và Trung Đông, các tòa nhà cao tầng trên khắp khu vực đã được sơ tán.

Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp của Iran đã triển khai trực thăng cứu hộ và các lực lượng cứu hộ tới khu vực bị ảnh hưởng để giúp đỡ các nạn nhân. Nhiều người hiện vẫn còn mất tích.

Khash là một thành phố đông dân với hơn 56.000 người - theo số liệu thống kê chính thức năm 2006. Thành phố này là thủ phủ của khu vực Khash ở tỉnh Sistan và Baluchestan - một trong những vùng nghèo nhất và đông dân nhất của Iran.

Người dân Karachi hoảng sợ bỏ chạy ra ngoài đường khi xảy ra động đất.

Năm người Pakistan ở nước này cũng đã thiệt mạng do ảnh hưởng của trận động đất. Một số tòa nhà bị hư hỏng. Sức mạnh của trận động đất này còn gây ra các rung chấn khiến các nhà cao tầng ở thủ đô của Ấn Độ bị rung chuyển làm nhiều người bỏ chạy xuống phố.

Hãng Reuters dẫn lời một quan chức tại công ty Nga phụ trách xây dựng nhà máy cho biết, nhà máy điện hạt nhân Bushehr không bị hư hại trong trận động đất. Quan chức giấu tên tại hãng Atomstroyexport nói một đồng nghiệp của ông tại nhà máy cho hay không có thiệt hại nào được báo cáo.

Bushehr, nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Iran, nằm gần bờ biển ở phía tây Iran, trong khi trận động đất diễn ra ở phía đông nam, gần biên giới với Pakistan.

Vụ việc trên xảy ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ Iran tuyên bố sẽ xây thêm các lò phản ứng hạt nhân gần khu vực nhà máy điện hạt nhân Bushehr, bất chấp nơi đây cũng vừa xảy ra động đất.

Theo đó, vào hôm 9/4, một trận động đất mạnh 6,1 độ Richter đã làm rung chuyển vùng đông nam thành phố Bushehr, khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và hơn 900 người bị thương. Mặc dù cơn động đất đã không ảnh hưởng đến nhà máy điện hạt nhân Bushehr, nhưng đã gây nên sự lo lắng rất lớn đối với người Iran.

Được biết, Iran từ trước đến nay vẫn liên tục phớt lờ mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về các mối hiểm họa khi cho xây nhà máy điện hạt nhân tại khu vực này, vốn được cho là thường xuyên bị động đất.

Hồi tuần trước, báo cáo khảo sát của Tổ chức Nghiên cứu chính sách đối ngoại Carnegie Endowment (Mỹ) và Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho thấy nhà máy điện hạt nhân Bushehr nằm ở khu vực không ổn định, dễ có động đất. Năm 2003, một trận động đất đã xảy ra tại thành phố Bam, cách Bushehr khoảng 966 km về phía đông, khiến hơn 25.000 người thiệt mạng.

Với bất kỳ đất nước nào, bài học từ việc rò rỉ phóng xạ sau động đất năm 2011 tại Nhật Bản quả thật là nỗi khiếp sợ của rất nhiều người dân trên thế giới. Ngay sau động đất 8,9 độ Richter làm rung chuyển vùng đông bắc Nhật Bản, gây sóng thần cao tới 10m, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, Nhật Bản phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về điện hạt nhân.

Trận động đất kinh hoàng tại Nhật Bản vào tháng 3/2011

Theo cơ quan năng lượng Nhật Bản, lượng bức xạ đo được tại khu vực cổng chính của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 cao gấp tám lần mức bình thường; tại phòng điều khiển của lò phản ứng số 1 (cũng của nhà máy trên) cao hơn mức bình thường khoảng 1.000 lần. Tại thời điểm ấy, nhiều người lo sợ "viễn cảnh xấu nhất" sẽ xảy ra là một "thảm họa Chernobyl" với các vụ nổ phá hủy lò phản ứng và tạo ra một đám mây phóng xạ phủ kín bầu khí quyển.

Mặc dù các biện pháp khắc phục đã được tiến hành và những lo sợ về các vụ nổ không xảy ra nhưng cho đến nay việc rò rỉ phóng xạ đã có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, thậm chí khiến một số nhân viên bị nhiễm phóng xạ và dẫn đến tử vong.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xa-hoi/doi-song/201304/dong-dat-tai-iran-rung-chuyen-khap-Trung-dong-2213554/