Động đất ở Đài Loan (Trung Quốc) có gây sóng thần ở vùng biển Việt Nam?

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) đang tiếp tục theo dõi trận động đất mạnh ở Đài Loan (Trung Quốc) và giám sát chặt chẽ nguy cơ xảy ra sóng thần.

Nguy cơ sóng thần là có nhưng không lớn

Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết lúc 6h58 sáng 3/4, tại khu vực Đài Loan, một trận động đất có độ lớn 7,3 (theo thang Momen) xảy ra, độ sâu chấn tiêu khoảng 15km. Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), 2 trận động đất mạnh 7,4 và 6,4 độ (thang Moment của Mỹ) đã xảy ra cách nhau chỉ 13 phút vào sáng 3/4 (giờ địa phương). Tâm chấn ngoài khơi lần lượt cách TP Hoa Liên, phía Đông Đài Loan (Trung Quốc) 18 km và 11 km, độ sâu lần lượt là 35 km và 11,8 km. Hàng chục dư chấn trên dưới 5 độ tiếp tục được ghi nhận nhiều giờ sau đó.

Theo Cục Khí tượng Nhật Bản (JAMA), một cơn sóng thần với độ cao 30cm đã được phát hiện ngoài khơi đảo Yonaguni khoảng 15 phút sau khi trận động đất diễn ra. JAMA cho rằng những trận sóng tương tự cũng đã xuất hiện ngoài khơi đảo Miyako và Yaeyama. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã cử máy bay thu thập thông tin về hậu quả động đất quanh vùng Okinawa, đồng thời cho chuẩn bị chỗ trú ẩn cho những người sơ tán nếu cần thiết.

Vị trí tâm chấn trận động đất ở đài Loan (Trung Quốc).

Đài Loan (Trung Quốc) cách Hà Nội khoảng 1.660km, cách Đà Nẵng gần 1.600km theo đường chim bay. Liệu trận động đất có ảnh hưởng đến Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, trận động đất mạnh 7,3 độ ở Đài Loan không gây ảnh hưởng đến Việt Nam. Về khả năng xảy ra sóng thần trên vùng biển miền Trung Việt Nam do ảnh hưởng từ trận động đất nói trên, TS Nguyễn Xuân Anh cho biết theo tính toán, đến thời điểm hiện tại thì "không ảnh hưởng". Tuy nhiên Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

PGS. TS Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng cho hay, trận động đất xảy ra ở bờ biển phía đông đảo Đài Loan (Trung Quốc). Với tọa độ được công bố thì khả năng gây sóng thần lớn ở Đài Loan là rất ít. Sóng thần có thể xảy ra nhưng không lớn.

"Các đới hút chìm (đới gây động đất, sóng thần trên biển) ở Đài Loan (Trung Quốc) không ảnh hưởng tới Việt Nam vì bị chắn bởi cung đảo của Philippines nên sóng không lan vào Biển Đông. Ví dụ, nó xảy ra ở mũi phía nam đảo Đài Loan (Trung Quốc), phần nối với Biển Đông thì có thể tác động đến Việt Nam, còn ở phía đông thì không ảnh hưởng gì.

Chuyên gia tính toán, ví dụ động đất 7,4 độ richter xảy ra ở Biển Đông, mà vùng nước nông thì có thể xảy ra sóng thần nhưng sóng thần cũng rất bé (dưới 1m) tại điểm đó. Do đó, động đất ở phía đông Đài Loan (Trung Quốc) không ảnh hưởng tới Việt Nam.

Việt Nam có 25 kịch bản sóng thần được tính toán

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương, Viện Vật lý Địa cầu, Việt Nam nằm ở khu vực Thái Bình Dương, mà Thái Bình Dương là nơi có hiểm họa về sóng thần, đã được đánh giá là cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, do đặc thù các vùng bờ biển ở Việt Nam được bao bọc bởi rất nhiều các quốc gia xung quanh như Trung Quốc ở phía bắc, Philippines ở phía đông, Thái Lan ở phía tây và Indonesia, Malaysia ở phía nam, vì thế các trận động đất gây sóng thần ở Thái Bình Dương đều không ảnh hưởng đến Việt Nam.

Việt Nam có 25 kịch bản sóng thần đã được tính sẵn (chủ yếu liên quan tới đới hút chìm Manila). Theo kịch bản có sẵn thì nếu một trận động đất cường độ 8,3 độ Richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila thì có thể tạo nên sóng thần cao 5,2 m ở Quảng Ngãi và 2,1 m ở Nha Trang. Một trận động đất có cường độ 9,2 độ Richter ở cùng khu vực có thể tạo ra sóng thần cao 10,6m ở Quảng Ngãi và 5m ở Nha Trang, và thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam sau khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, đến nay Việt Nam chưa từng bị sóng thần tấn công, nhưng chúng ta cũng cần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với hiểm họa sóng thần. "Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ, cần phải có sự chủ động, cảnh giác, sẵn sàng ứng phó trong tương lai", ông Phương nói.

Các nhà địa chấn Việt Nam đã xác định hiểm họa sóng thần vẫn có thể xảy ra đối với Việt Nam trong tương lai, hiểm họa đó có thể bắt nguồn ở ngay trong khu vực Biển Đông. Tức là trong khu vực Biển Đông vẫn xác định được các vùng phát sinh ra động đất có thể gây ra sóng thần, mà sóng thần xảy ra ngay trong Biển Đông thì có thể tác động tới vùng bờ biển Việt Nam.

Các nhà khoa học đã xác định được 9 vùng nguồn khác nhau ở khu vực Biển Đông có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam. Tuy nhiên, có hai vùng được xác định nguy hiểm tới Việt Nam gồm: vùng nguồn xa bờ nằm ở phía tây Philippines - ở đó có một đới hút chìm gọi là máng biển sâu Manila. Đó là vùng nguồn nguy hiểm nhất đối với Việt Nam. Thứ hai là vùng nguồn gần bờ - nằm ở ngay trên đới đứt gãy kinh tuyến 109 độ trên vùng thềm lục địa miền Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dong-dat-o-dai-loan-trung-quoc-co-gay-song-than-o-vung-bien-viet-nam-169240404090240453.htm