Đồng chí Nguyễn Thị Thập - Người đặt nền khai sinh Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Chủ trương thành lập Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ - tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (tọa lạc tại số 200 - 202 đường Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh) đã đáp ứng tình cảm và nguyện vọng tha thiết của cán bộ và các tầng lớp phụ nữ.Đây chính là tâm huyết, công sức và nỗ lực không ngừng nghỉ mà những cán bộ, phụ nữ đã đồng tâm nhất trí thực hiện để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của phụ nữ Nam bộ cho thế hệ sau. Trong đó, có sự cống hiến không ngừng nghỉ của đồng chí Nguyễn Thị Thập.

Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ. Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

NGƯỜI ĐẶT VIÊN GẠCH ĐẦU TIÊN

Ngày 20-10-1982, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Hồ Chí Minh tổ chức Họp mặt nhân Kỷ niệm 52 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam. Các thế hệ cán bộ Hội đồng loạt ủng hộ và biểu thị sự nhất trí là cần phải tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Nam bộ.

Bởi lẽ, quyển sử chung “Phong trào phụ nữ Việt Nam” chưa nói lên được bao nhiêu về phụ nữ Nam bộ, một miền đất có nhiều tính đặc thù, có một lực lượng phụ nữ hùng hậu, anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Các cán bộ Hội mong muốn đồng chí Nguyễn Thị Thập đứng ra chủ trì chỉ đạo công việc quan trọng này. Từ đây, đồng chí Nguyễn Thị Thập cùng với đồng chí Ngô Thị Huệ bàn bạc, chuẩn bị nhân sự cho sự ra đời Tổ tổng kết Lịch sử phong trào Phụ nữ Nam bộ (gọi tắt là Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ).

Ý tưởng này nhanh chóng được Bộ Chính trị đồng ý. Ngày 24-10-1982, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã triệu tập cuộc họp thành lập Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ. Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã nêu lên 3 việc cần phải làm ngay và những điều phải đạt được trong toàn bộ công tác viết lại lịch sử phụ nữ Nam bộ.

Đầu tiên, tập trung tư liệu, kể cả tư liệu sống, ghi lại toàn bộ cuộc đấu tranh của phụ nữ Nam bộ từ ngày có Đảng. Việc cần làm kế tiếp, sách cũng chưa đủ, nhân dân ta có thói quen, nhất là ở nông thôn, thấy mới tin, cái gì cũng có bằng chứng cụ thể. Vì vậy, phải thiết lập ngay một khu trưng bày hiện vật, kỷ vật, hình ảnh rồi các bức tượng, thậm chí vẽ tranh miêu tả lại những gì cần miêu tả.

Việc cần làm cuối cùng, là chị em bằng mọi cách phải dựng cho được bức tượng “Bà mẹ Việt Nam”. Bởi lẽ, trong hai thời kỳ chiến đấu giữ nước và dựng nước vừa qua, ở Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, những Bà mẹ Việt Nam đã cống hiến công sức, trí tuệ để nuôi dưỡng phong trào cách mạng và đùm bọc cán bộ ta với tấm lòng quý giá vô bờ bến. Thậm chí, các Mẹ có thể hy sinh cả bản thân để che chở các con mà không bao giờ do dự.

"Đội ngũ viên chức và người lao động Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ luôn ghi nhớ và biết ơn Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ với 13 nữ cán bộ lão thành cách mạng đã không ngại khó; trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Thập đã biến ý tưởng có nơi trưng bày hiện vật của những phụ nữ Nam bộ tham gia kháng chiến thành Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ hiện nay.

Tinh thần và ý chí của Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ sẽ tiếp tục được các thế hệ cán bộ Bảo tàng phát huy, phấn đấu xây dựng và phát triển Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ để xứng đáng với mong muốn của các cán bộ nữ Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ nói riêng và phụ nữ nói chung”.

GIÁM ĐỐC BẢO TÀNG PHỤ NỮ NAM BỘ NGUYỄN THỊ THẮM

Đặc biệt, các Mẹ đã cống hiến những người thân yêu nhất của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhất định mình phải làm để lưu lại cho các thế hệ mai sau, giúp các em, các cháu biết càng nhiều càng tốt về những cống hiến lớn lao mà trong suốt hai thời kỳ chiến đấu giữ nước và dựng nước của các thế hệ đi trước đã làm.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập đã cùng với các thành viên Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ đi khắp miền Nam để vận động cấp ủy Đảng các tỉnh, thành ủng hộ về mọi mặt, giúp đỡ Tổ thực hiện quyển sách Lịch sử phong trào phụ nữ Nam bộ; đến những nơi có phong trào nổi bật, có sự kiện tiêu biểu để gặp các điển hình trong phong trào phụ nữ, các tập thể và cá nhân anh hùng để thu thập tài liệu, hình ảnh, hiện vật… chuẩn bị cho sự ra đời của Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ do đồng chí Nguyễn Thị Thập phụ trách chỉ đạo đã thực hiện cùng lúc rất nhiều việc. Đó là, vừa tập trung biên soạn cuốn sử của phụ nữ Nam bộ, vừa viết một số chuyên đề, hồi ký, vừa lo xây dựng Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ. Công việc tuy gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như kinh phí, nhưng tập thể Tổ đã khắc phục khó khăn để thực hiện thành công những yêu cầu đề ra.

Trong lúc đang hăng say thu thập tư liệu, giúp chị em phụ nữ ở các địa phương làm công tác sưu tầm, đồng chí Nguyễn Thị Thập lâm bệnh nặng. Mặc dù sức khỏe yếu không thể trực tiếp tham gia công việc, nhưng lúc nào đồng chí cũng hỏi thăm chị em tiến độ công việc, rồi ao ước được dự lễ khánh thành Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ.

Ngày 29-4-1985, Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ chính thức được khánh thành, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã đến dự nhưng do sức khỏe yếu không thể cầm kéo cắt băng khánh thành.

Từ đây, những thành quả đấu tranh cách mạng của phụ nữ Nam bộ đã được lưu giữ, giới thiệu để khách tham quan có thể cảm nhận và hiểu được những hy sinh, mất mát to lớn của các thế hệ phụ nữ để đất nước có được tự do, độc lập như ngày hôm nay. Nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ là niềm tự hào và vinh dự chung của giới nữ lúc bấy giờ.

GIỮ GÌN VÀ TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG

Theo thời gian, hiện vật cùng tư liệu hình ảnh ngày càng nhiều, nhu cầu cần phải phát triển Nhà truyền thống lớn mạnh thành Bảo tàng đã được đặt ra. Do bệnh và tuổi tác, nên đồng chí Nguyễn Thị Thập không thể đồng hành cùng các thành viên Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ để hoàn thành những công việc đã đề ra. Nhưng tình cảm và tâm huyết mà đồng chí dành cho việc xây dựng một ngôi nhà chung của phụ nữ Nam bộ không bao giờ vơi cạn.

Mỗi sáng kiến, mỗi kết quả mà Tổ Sử Phụ nữ Nam bộ làm được để chuẩn bị cho công trình xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đều được đồng chí quan tâm và dõi theo. Sau 5 năm chuẩn bị, nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-1990), Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ chính thức được cắt băng khánh thành.

Ngày 28-10-1992, Bảo tàng đã khánh thành tượng đài “Bà mẹ Việt Nam”. Khí phách của các mẹ, các cô đã hòa vào linh khí quốc gia, là di sản trường tồn của dân tộc; những hình ảnh, hiện vật, tư liệu lịch sử đã trở thành giá trị văn hóa mang tính di sản, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước truyền đời cho các thế hệ mai sau.

Ngày nay, phát huy những thành quả của các thế hệ đi trước, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã xác định công tác nghiên cứu, sưu tầm là việc làm thường xuyên và trọng tâm, do vậy đã áp dụng nhiều phương thức đa dạng để sưu tầm hiện vật, tư liệu, từng bước xây dựng và kiện toàn kho tư liệu, hiện vật.

Hiện nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang lưu giữ 44.108 hiện vật và tư liệu; trong đó, có 41.387 hiện vật gốc, 2.721 tài liệu khoa học phụ liên quan đến truyền thống đấu tranh cách mạng của phụ nữ và bản sắc, văn hóa Nam bộ.

Đặc biệt là các hiện vật, tư liệu của phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và vai trò của phụ nữ trên mọi mặt của cuộc sống; trong đó có 8 chữ vàng cao quý mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam vào năm 1965: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Số lượng hiện vật Bảo tàng bổ sung hằng năm đa số là hiện vật, tài liệu được trao tặng. Với số lượng tài liệu, hiện vật trên đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác nghiên cứu khoa học, trưng bày và tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò của phụ nữ miền Nam đến công chúng.

Đồng chí Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cho biết, từ ngày thành lập đến nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ thực hiện nhiệm vụ chính trị, mở cửa đón khách tham quan miễn phí vào cổng. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng được mở rộng diện tích trưng bày, cải tạo cảnh quan và ứng dụng công nghệ trong trưng bày. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ là Bảo tàng đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh thực hiện ứng dụng phần mềm 3D/3600 trong trưng bày và hiện đang chuẩn bị cho trưng bày hiện đại toàn khối nhà trưng bày của Bảo tàng.

Ngoài thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bảo tàng để đón tiếp khách tham quan, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ còn tổ chức các cuộc giao lưu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, như: “Họp mặt Nữ pháo binh toàn miền Nam”, “Nữ Chiến sĩ giao liên”, “Sống tiếp ước mơ”… và các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm về đóng góp của phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến. Đây là hình thức tuyên truyền, giáo dục mang lại hiệu quả nhất của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trong nhiều năm qua.

VĂN THẢO

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202310/dong-chi-nguyen-thi-thap-nguoi-dat-nen-khai-sinh-bao-tang-phu-nu-nam-bo-992595/