Dòng chất xám chảy về đâu?

Thông lệ, người Việt ta vẫn hay quen nói 'chảy máu chất xám'. Tôi vẫn cứ ngẫm nghĩ về cách nói không thoát nghĩa này. Sự thực, máu là máu và chất xám là chất xám.

Con người ta có bị tai nạn làm cho máu chảy ra ồ ạt thì cứu lấy mạng người vẫn còn đầy tính khả thi: thít băng cho chặt để máu không chảy nữa và tiếp máu kịp thời. Giả như có tai nạn giả tưởng nào đó mà chất xám chảy ra xối xả thì cũng không tiếp được chất xám, người bị tai nạn có sống cũng thành ngớ ngẩn. Đấy là nói cho vui thôi, chỉ để thấy cách dùng từ ngữ cũng nên đắn đo.

Nạn chảy chất xám thường không chỉ đến một con người nào đó, mà ám chỉ đến một dân tộc, một đất nước. Thực tế phát triển trên thế giới đã cho thấy, một đất nước nào đó muốn vươn lên vượt bậc thì luôn phải tìm cách tạo vườn ươm chất xám. Gần đây, người ta hay dùng thuật ngữ "khởi nghiệp" để khơi dậy những ý tưởng độc đáo của chất xám.

Tôi có được đọc một báo rất hay của một nhóm Giáo sư Đại học Harvard viết về Việt Nam và vùng Đông Á. Họ có nhận xét rằng cả 4 dân tộc vùng Đông Á đều ăn bằng cách cầm đũa, chịu ảnh hưởng rất lớn của Nho giáo - lấy thờ phụng chữ nghĩa làm tôn giáo. Mỗi dân tộc ở Đông Á trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đều được đánh giá là đã làm được những kỳ tích, hoặc về quân sự, hoặc về kinh tế.

Hiện nay, chỉ nói riêng về sức nặng kinh tế, tổng GDP của Đông Á cũng đã vượt khá xa châu Âu, cũng như Bắc Mỹ. Các Giáo sư Harvard cũng đưa ra nhận xét rằng, cũng may là vùng Đông Á này bị chia cắt khá mạnh, thiếu thống nhất. Nếu họ hợp lại thành một liên minh thì các vùng khác phải dè chừng.

Chất xám - động lực cho phát triển

Nhìn lại quá trình phát triển đi lên của các nước trên thế giới, đến nay nhiều cuốn sách nổi tiếng đã tổng kết được rằng: con đường duy nhất để vượt thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" là tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, tức là có được nguồn chất xám cao, để từ đó sáng tạo được nhiều công nghệ mới.

Người ta thường hay nhắc tới "lời nguyền tài nguyên": có nhiều tài nguyên do thiên nhiên ban tặng cũng chỉ tạo nên sự giàu có nhất thời, làm con người trở nên lười lẫm. Các nước Trung Đông nhiều dầu mỏ cũng đã tính đến ngày dầu mỏ bị cạn kiệt, hoặc công nghệ có thể tạo ra các loại năng lượng mới mà năng lượng hóa thạch trở nên vô dụng vì quá đắt và gây ô nhiễm, họ bắt đầu quan tâm mạnh vào tạo dựng nguồn nhân lực cao cấp.

Con đường duy nhất để vượt thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" là tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, tức là có được nguồn chất xám cao, để từ đó sáng tạo được nhiều công nghệ mới. Ảnh minh họa: IT

Những nước công nghiệp mới đều đi lên từ bộ óc con người tạo ra những kỳ diệu về công nghệ, điển hình có thể thấy thực tế đã diễn ra tại các nền kinh tế Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong. Cách làm quả là rất đơn giản: tìm cách ưu đãi để giữ chân chất xám hạng cao trong nước, đừng cho chảy ra nước khác và tạo điều kiện tốt về cuộc sống, công việc để hút nguồn chất xám ưu việt từ nước khác chảy vào nước mình. Tư duy thì đơn giản là vậy nhưng làm thì mấy chục quốc gia may ra mới thành công được một.

Tôi có anh bạn học cấp 3, hơn 20 năm trước được giữ cương vị Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ của một thành phố rất lớn ở phía Nam. Lãnh đạo thành phố có tổ chức một cuộc họp rất trọng thể để bàn kế ưu đãi nhằm thu hút chất xám của các nơi khác về đây làm việc. Anh bạn tôi đắn đo rồi mạnh dạn phát biểu "Thành phố chúng ta đã và đang là một thỏi nam châm hút được rất nhiều chất xám trên cả nước, chất xám rất nhiều nhưng không được sử dụng. Vậy trong hoàn cảnh này, vấn đề được đặt ra là tìm cách sử dụng chất xám hiện hữu chứ không phải là tìm cách hút chất xám về". Cuộc họp này cũng nhanh chóng kết thúc.

Câu chuyện chất xám ở Mỹ

Nhìn ra toàn thế giới, đa số lãnh đạo các quốc gia có hoài bão đưa nước mình đi lên đều đánh giá rất cao 2 cuốn sách viết về dự báo phát triển của nhân loại do Alvin Toffer viết: Cú sốc tương lai (Future Shock) xuất bản năm 1970; Làn sóng thứ ba (The Third Wave) xuất bản năm 1980. Hai cuốn sách này đã dự báo được những gì sẽ xảy ra khi giai đoạn phát triển công nghiệp kết thúc (làn sóng thứ hai): làn sóng thứ ba của kỷ nguyên thông tin sẽ tới và sẽ làm thay đổi thế giới. Ngày nay, chuyện trí tuệ nhân tạo và Internet kết nối vạn vật đã trở thành câu cửa miệng ở nước ta, nhưng đó mới chỉ là những bước đi chập chững của làn sóng thứ ba này.

Chính phủ Mỹ đã thấy rõ vấn đề, quyết định biến vùng công nghiệp lớn tại vịnh San Francisco (Bắc California) thành Trung tâm phát triển công nghệ cao. Thung lũng Silicon đã trở thành khu khởi nghiệp của giới trẻ muốn làm giàu bằng công nghệ. Từ đây, Thung lũng Silicon đã cuốn hút được hầu hết các ý tưởng khởi nghiệp độc đáo tới đây làm việc và sáng tạo.

Tính ra thì nhiều, nhưng những nhà tỷ phú giàu nhất thế giới ngày nay đều lớn lên bằng công nghệ tại Thung lũng Silicon. Có thể điểm lại bao gồm: Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronald Wayne với hệ điều hành Apple và điện thoại thông minh (1976); Bill Gates với hệ điều hành Windows cho máy tính cá nhân (1990); Jeff Bezos với hệ thống thương mại điện tử Amazon (1994); Larry Page và Sergey Brin với hệ thống thông tin Google (1998); Mark Zuckerberg với mạng xã hội Facebook (2004); và gần đây nhất là Elon Musk với nhiều hàng hóa công nghệ từ ô tô điện tới giao thông vũ trụ.

Ở Mỹ cũng như ở nhiều quốc gia phát triển khác, họ có cách tiếp cận rất linh hoạt đối với dòng người di cư từ các nước đang phát triển đổ về. Họ biết rằng trong dòng người ấy có những con người đáng tiếp nhận, họ không khước từ hoàn toàn và cũng không tiếp nhận hoàn toàn. Họ tạm tiếp nhận rồi lọc ra để chỉ nhận những bộ óc có triển vọng, số còn lại bị trả về nơi cũ.

Như vậy, nước Mỹ là quốc gia duy nhất đánh giá đúng "trọng lượng" của chất xám, không làm dòng chất xám của mình chảy đi mà hút được dòng chất xám từ các nước chảy vào. Elon Musk là người Nam Phi, đã tìm tới học và lập nghiệp tại Canada, rồi cũng tới Mỹ. Tất cả cũng chỉ vì những người đứng đầu nước Mỹ biết làm gì phát huy sức mạnh của dòng chất xám.

Dòng chất xám ra vào ở Việt Nam

Tôi vẫn còn nhớ có một lần lãnh đạo Tổng cục Địa chính làm việc với Viện nghiên cứu khoa học địa chính, khi đó tôi làm Phó Tổng cục trưởng. Các nhà khoa học kêu than "thấu trời" về thu nhập quá kém, phương tiện làm việc thiếu thốn,... Đồng chí Tổng cục trưởng có ý kiến rằng "đã nhận làm nghề bút nghiên thì đành chịu phận nghèo, xưa nay vẫn vậy, người xưa vẫn gọi ta là hàn sĩ". Tôi thì có nói hơi khác: "Thực tế là như vậy, không hề sai. Nhưng trên thế giới, mọi tỷ phú giàu có nhất đều làm nghề khoa học cả, người giàu nhất là Bill Gates. Vậy ta hãy lấy khoa học để cứu cuộc sống của ta".

Đã có thời gần đây thôi, Việt Nam cũng rộ lên phong trào "khởi nghiệp", cũng có người đặt vấn đề làm gì để nước ta trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Ồn ã cũng một thời gian, rồi lại lặng ngắt như tờ, lứa trẻ có năng lực vẫn phải vật vã tìm kế sinh nhai. Theo con số thống kê, Việt Nam có lượng người có bằng cấp tăng lên ngày càng cao, nhưng bằng phát minh thì lại rất ít. Nhìn trên thực tế, số lượng người tốt nghiệp đại học nhưng phải làm các nghề lao động đơn giản rất nhiều.

Kể từ thời tôi trưởng thành, nhiều người đã tìm đường định cư ở nước ngoài sau khi đã học tập và thành danh. Hiện nay, chỉ những người có tiền mới làm được theo con đường học hành. Những người ít tiền cũng ra đi bằng con đường tìm việc làm chính thức hoặc "chui lủi". Vụ 39 người Việt bị chết trong container đông lạnh ở Anh vào ngày 23/10/2019 vẫn như một vết đau khó lành. Tôi cũng đã gặp nhiều bạn trẻ có hoài bão lớn, họ chia sẻ phải tìm sang Singapore để khởi nghiệp dễ dàng hơn. Rồi còn rất nhiều người lao động không chính thức ở Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là những tín hiệu rất buồn. Dòng chất xám Việt cũng lẫn lộn trong dòng người đi tìm những "miền đất hứa" bị thoát đi là như vậy.

Hãy bàn sơ qua về dòng chất xám từ nước khác chảy vào Việt Nam. Luật Nhà ở 2014 đã có quy định rất tiến bộ: cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở có thời hạn tới 100 năm ở Việt Nam. Luật pháp như vậy giống như một tín hiệu tích cực cho việc thu hút dòng chất xám chảy về đây.

Thế nhưng, Luật Đất đai 2013 vẫn giữ quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài không có quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, cần phải sửa cho phù hợp với Luật Nhà ở nhưng không làm. Có chuyên gia nước ngoài hỏi tôi "vậy có phải là mua nhà xong thì tôi phải tháo gỡ nhà đem về nước?".

Thế là dòng chất xám từ nước ngoài cũng không chảy được vào nước ta.

Lời kết

Đại hội Đảng toàn quốc nhiệm kỳ XIII đã quyết đinh chủ trương lớn cho nhân dân, đất nước: Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Muốn thực hiện đường lối này, chất xám là điều kiện tiên quyết. Vậy chỉ còn con đường xây dựng xã hội học tập không ngừng, chất xám từ đó không chảy đi một cách lãng phí, và xây dựng một xã hội bình yên và thân thiện để hút chất xám về với ta.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Hùng Võ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/dong-chat-xam-chay-ve-dau-179230409092116435.htm