Đồng bộ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là bước quan trọng xây dựng chính quyền số mà Tuyên Quang đang quyết liệt triển khai. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số vướng mắc cần được khắc phục để có thể đạt được hiệu quả tối đa.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Những tháng đầu năm 2023, thành phố Tuyên Quang là một trong những địa phương có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua Cổng dịch vụ công đạt thấp nhất tỉnh, tỷ lệ luôn đạt dưới 45%. Nhận thức việc triển khai giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là yếu tố quyết định xây dựng chính quyền số, UBND thành phố đã quyết liệt, sát sao, gắn trách nhiệm người đứng đầu với nhiệm vụ này. Theo đồng chí Trần Viết Cương, Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, sự quyết liệt này đã có chuyển biến lớn, khi từ tháng 9-2023 đến nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua Cổng dịch vụ công luôn đạt trên 95%. Địa phương đã số hóa 1.681/1.879 hồ sơ, đạt tỷ lệ 84,4%, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính 1.706/1.785 hồ sơ, đạt 95,5%. Cách làm của UBND thành phố Tuyên Quang là công khai minh bạch tất cả thủ tục, hồ sơ, tiếp nhận 100% hồ sơ qua Cổng dịch vụ công; rà soát hoàn thiện các dịch vụ đã được cung cấp... Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang Trần Viết Cương, để đảm bảo tính bền vững, việc cần làm là phải tập huấn, hướng dẫn người dân thông thạo các thao tác khi sử dụng điện thoại thông minh, máy tính, để cán bộ công chức tại Bộ phận Một cửa chuyển từ làm thay, làm hộ sang hỗ trợ, vừa giảm bớt áp lực cho cán bộ công chức, vừa nâng cao trình độ cho người dân.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hỗ trợ xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp và người dân.

Đây hiện vẫn là khâu yếu khi kiểm tra thực tế tại các địa phương. Có mặt tại Bộ phận Một cửa xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), cán bộ, công chức làm việc tại đây tất bật vừa ngồi máy tính, vừa hỗ trợ, hướng dẫn, thậm chí làm thay mỗi khi có người dân đến nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Đồng chí Nguyễn Công Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đang được chính quyền xã quyết liệt, tuy nhiên, với địa bàn rộng, dân cư đông, trình độ dân trí lại không đồng đều nên việc cán bộ “cầm tay chỉ việc”, làm thay nhiều khâu là điều... bình thường.

Anh Hoàng Minh Chuyền, Công chức Tư pháp xã cho rằng: Mục tiêu của giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là sẽ rút ngắn thời gian thực hiện cho cả người dân và cán bộ, tuy nhiên, ở giai đoạn đầu này, chúng tôi xác định là sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Vẫn còn vướng mắc

Kết quả thống kê trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang, đến tháng 3/2024, tỉnh cung cấp 1.826 thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó, có 1.047 thủ tục được cung cấp dịch vụ công toàn trình, 445 thủ tục được cung cấp dịch vụ công một phần, 335 thủ tục là dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến. Số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến qua Cổng thanh toán quốc gia là 15.151 hồ sơ với tổng số tiền trên 506 triệu đồng. Đơn vị đã hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tạo lập 663 tài khoản trên Cổng dịch vụ công. Tỷ lệ số hóa hồ sơ 3 tháng đầu năm 2024 đạt 19.297 hồ sơ, chiếm 95,4%, kết quả này của năm 2023 là 71.884, chiếm 80,5%. Tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết 3 tháng đầu năm 2024 là 13.899 hồ sơ, chiếm 68,5%, kết quả năm 2023 là 38.146, chiếm 52,9%.

Theo đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công Nguyễn Văn Hiếu, tỷ lệ số hóa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chưa đạt 100% là do các thủ tục hành chính về cấp đổi giấy phép lái xe ô tô, Cấp đổi giấy phép lái xe máy do Sở Giao thông Vận tải thực hiện trên hệ thống phần mềm của ngành dọc, và hệ thống phần mềm này chưa có chức năng số hóa, chưa có chức năng đính kèm file nên không thể thực hiện số hóa được. Cùng với đó, các thủ tục hành chính về cấp thẻ BHXH do BHXH tỉnh thực hiện; các thủ tục hành chính về đăng ký và thành lập doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trên hệ thống phần mềm của ngành dọc, và hệ thống phần mềm này chưa có chức năng số hóa, chưa có chức năng đính kèm file nên không thể thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính được.

Cán bộ Bộ phận Một cửa (TP Tuyên Quang) hướng dẫn người dân đăng ký thủ tục cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sỹ.

Tại các ngành, các địa phương, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chậm, ngoài yếu tố con người, còn do nhiều yếu tố khách quan khác. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú Nguyễn Công Tĩnh, để đảm bảo việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được đồng bộ, thông suốt, cần đầu tư thêm nhiều máy móc thiết bị như máy soi căn cước công dân, máy scan; đầu tư lại hệ thống máy tính mới và nâng cấp đường truyền...

Đối với những xã vùng sâu, vùng xa, việc xử lý hồ sơ còn chưa đạt mục tiêu, theo đồng chí Nông Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Na Hang, một phần do người dân còn hạn chế trong khả năng sử dụng Internet, điện thoại di động thông minh, khó khăn cho việc tiếp cận, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục khi thực hiện dịch vụ công trực truyến. Nhiều địa bàn còn chưa có sóng điện thoại, mạng Internet, người dân chưa có điều kiện sử dụng Smartphone, chưa có điều kiện tiếp xúc với môi trường Internet. Một phần do trình độ công nghệ thông tin, kỹ năng, thao tác đăng ký tài khoản định danh điện tử, thực hiện dịch vụ công trực tuyến của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.

Đồng chí Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, ngoài các vấn đề về con người, thì hiện quá trình thực hiện số hóa Sổ hộ tịch, phần mềm Hộ tịch dùng chung của ngành tư pháp thường xuyên bị quá tải, lỗi truy cập, lỗi trong quá trình đính kèm file scan trang sổ... dẫn đến tiến độ triển khai chậm. Sở Tư pháp đã có Văn bản kiến nghị với Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp khắc phục tình trạng này, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giải quyết công việc trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao xếp hạng của tỉnh

Đồng bộ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử là yếu tố quyết định trong việc xác định, chấm điểm xếp hạng của tỉnh trong thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, bộ chỉ số này được tính điểm theo từng tháng. Ngay trong những tháng đầu năm 2024, xếp hạng của tỉnh đã có những thay đổi đáng kể. Nếu như 6 tháng đầu năm 2023, Tuyên Quang xếp thứ 59/63 địa phương; 6 tháng cuối năm 2023 đứng thứ 39/63; tháng 1-2024 đứng thứ 28/63 tỉnh thành thì tháng 2-2024, tỉnh vươn lên đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố... Trong đó, nhiều chỉ số như chỉ số công khai, minh bạch đạt 9,7/18 điểm; tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đạt 16,1/20 điểm; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 6,6/12 điểm; số hóa hồ sơ đạt 16,3/22 điểm; mức độ hài lòng đạt 17,4/18 điểm...

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, trong quá trình theo dõi, giám sát các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, Trung tâm luôn kịp thời thông báo, đề nghị các cơ quan, đơn vị công bố, công khai danh sách công chức, viên chức cũng như mã số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bị chậm, muộn theo quy định. Riêng trong năm 2023, Trung tâm nhận được 2 ý kiến phản ánh, kiến nghị trực tiếp và 4 đơn/phiếu phản ánh, kiến nghị của 5 người dân, 100% phản ánh, kiến nghị về quá hạn xử lý, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực của Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện; không nhận được đơn thư, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, công dân gửi đến qua các kênh: Số điện thoại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; hộp thư công vụ, Fanpage của Trung tâm. Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan có liên quan để xem xét, giải quyết dứt điểm và thỏa đáng các phản ánh, kiến nghị nêu trên theo quy định của pháp luật. Năm 2023, qua khảo sát 25.630 người đánh giá mức độ hài lòng đối với công chức, viên chức làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, kết quả có 25.622 người hài lòng, đạt 99,97%, tỷ lệ chưa hài lòng chiếm 0,03%.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trên thực tế, công tác chỉ đạo, điều hành và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công vẫn còn một số hạn chế, như công tác chỉ đạo thực hiện Bộ chỉ số tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa quyết liệt, thiếu chiều sâu, hiệu quả thực hiện chưa cao; việc công khai thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính chưa đầy đủ, chưa kịp thời; việc tra cứu, khai thác số liệu theo Bộ chỉ số trên Cổng dịch vụ công Quốc gia chưa chi tiết đến cấp xã; số liệu theo Bộ chỉ số tại hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh chưa thể hiện thống nhất với số liệu tại Cổng dịch vụ công quốc gia...
Để đảm bảo tính bền vững trong Bộ chỉ số này, hằng tháng, UBND tỉnh ban hành các văn bản công khai kết quả thực hiện của tỉnh đối với Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử. Đồng thời căn cứ kết quả đánh giá để xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.

Kịp thời công bố, công khai đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Thực hiện nghiêm việc công khai danh sách cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị khi để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà cho người dân, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ này là cơ sở để xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu; cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời đẩy nhanh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định. Như yêu cầu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, đây là 2 việc phải hoàn thành ngay trong năm 2024.

Đồng chí Phạm Mạnh Duyệt

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh

Kết quả thực hiện giải quyết thủ tục hành chính là cơ sở để đánh giá, xếp loại cán bộ

Xác định cải cách hành chính là khâu đột phá và là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, Sở Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, đặc biệt là chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Sở đã lựa chọn, bố trí những cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm để hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực, đồng thời tiếp nhận và trả kết quả. Kết quả thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cùng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp chính là cơ sở để xem xét, đánh giá, xếp loại đối với những cán bộ này. Hiện 106 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của ngành đã được giải quyết. Điều này góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Đồng chí Tạ Văn Dũng

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ

Để nâng cao hiệu quả thực hiện TTHC, dịch vụ công, người đứng đầu các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải nêu cao trách nhiệm; tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ có liên quan đến giải quyết TTHC. Trong đó trọng tâm là chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia vào từng khâu, từng bước trong quy trình giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức; phải “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết TTHC”; không để người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần hoặc có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.

Kịp thời công bố, công khai đầy đủ, chính xác các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, đồng thời hoàn thành việc tái cấu trúc, quy trình nghiệp vụ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, đơn giản hóa các TTHC, giấy tờ có liên quan.

Đồng chí Nguyễn Phương Nam
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang

Công khai danh sách cán bộ trễ hẹn giải quyết hồ sơ

Hiện nay, việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn tỉnh đã được cải cách rút ngắn. Tỉnh ta đã và đang xây dựng nền hành chính công trên môi trường điện tử theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, lấy Nhân dân làm trung tâm. Nhiều loại thủ tục đã được rút ngắn. Tuy nhiên, những TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai còn chậm so với giấy hẹn khi tiếp nhận hồ sơ. Để công tác giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh được nhanh, kịp thời hơn nữa, các cơ quan, đơn vị cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc công khai danh sách cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm giải quyết TTHC, gây phiền hà cho người dân và tổ chức. Cùng với việc công khai danh sách những cán bộ, công chức, viên chức trễ hẹn giải quyết TTHC, hàng năm các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng cán bộ, công chức, viên chức giải quyết trễ hẹn hồ sơ TTHC nhưng không có lý do chính đáng.

Bài, ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dong-bo-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-tren-moi-truong-dien-tu-190638.html