Đồng bào thiểu số ở Pire vươn lên từ nghèo khó

Cách đây hơn hai năm, việc hai thôn Pire 1 và 2 (xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) sáp nhập vào xã A Bung (huyện Đakrông, Quảng Trị) được đông đảo người dân trên địa bàn đón nhận và hết sức phấn khởi.

Bằng sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền xã A Bung, sự đoàn kết, nhất trí cao của người dân địa phương, đã giúp cuộc sống của bà con ở 2 thôn trên có những đổi thay rất đáng mừng.

Phụ nữ Pa Cô ở A Bung phát triển nghề dệt thổ cẩm.

Nằm về phía Nam huyện miền núi Đakrông, tiếp giáp xã Hồng Thủy của huyện A Lưới, xã A Bung là địa bàn sinh sống từ lâu đời của đồng bào dân tộc Pa Cô. Nhiều năm trước đây do tình trạng tranh chấp địa giới hành chính và dân cư giữa xã A Bung với Hồng Thủy kéo dài nên việc đảm bảo TTATXH đối với địa bàn A Bung nói chung luôn gặp phải không ít vấn đề khó khăn, phức tạp, gây cản trở đến việc triển khai xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, cũng như công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn.

Xét thấy đây là vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng và gây nhiều khó khăn cho cả tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, năm 2019, Chính phủ có Nghị quyết chia tách hai thôn Pire 1 và 2 từ xã Hồng Thủy, bàn giao cho tỉnh Quảng Trị quản lý. UBND tỉnh Quảng Trị theo đó ban hành quyết định nhập hai thôn Pire 1 và 2 vào xã A Bung.

Sự “trở về” này của 2 thôn trên là niềm vui lớn đối với nhiều người dân ở xã A Bung, song cũng khó tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng từ quá trình hội nhập của bà con. Thế nhưng, cùng truyền thống đoàn kết, gắn bó của đồng bào Pa Cô, đặc biệt là chính quyền xã A Bung và huyện Đakrông đã có nhiều chủ trương, quyết sách kịp thời, đúng đắn, hợp với lòng dân nên trong hơn 2 năm qua bà con Pa Cô ở 2 thôn này ngày càng yên tâm, phấn khởi, luôn tin tưởng vào đường lối chính sách chung của Đảng và Nhà nước.

Về sự quan tâm của huyện Đakrông và chính quyền xã A Bung trước hết phải kể đến việc đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ người dân, trong đó ưu tiên nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn. Có thể thấy hầu hết các cụm dân cư ở Pire 1 và 2 mặc dù có địa hình đồi dốc nhưng đến nay đều được xây dựng đường bê tông, bên cạnh đó những tuyến đường cũ bị xuống cấp cũng được quan tâm tu bổ. Thêm một niềm vui với bà con, mới đây huyện Đakrông đã quyết định đầu tư xây mới nhà văn hóa cộng đồng để phục vụ nhu cầu hội họp và sinh hoạt văn hóa của người dân.

Ông Hồ Trọng Vai, trú thôn Pire 1 bộc bạch, chính quyền không chỉ đầu tư xây dựng về cơ sở hạ tầng, quan tâm đến các đối tượng hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, bà con ở Pire 1 và 2 còn nhận được sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở, như tuyên truyền phổ biến đến từng hộ gia đình về luật an ninh biên giới; về nâng cao nhận thức xóa bỏ các tập tục lạc hậu, phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; về phòng, chống bạo lực gia đình và về phát triển kinh tế, tăng thu nhập để nâng cao đời sống.

Với tiềm năng lợi thế về đất đai màu mỡ, đồng thời nhờ có sự hỗ trợ của các chương trình chuyển giao tiến bộ về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây con giống nên đồng bào Pa Cô ở Pire 1 và 2 ngày càng chú trọng trồng rừng, thâm canh cây sắn, cây ngô để vừa có nguồn thu nhập ổn định, vừa kết hợp làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi gia súc và gia cầm, trong đó có nhiều gia đình đang phát triển chăn nuôi dê, trâu, bò mang lại thu nhập khá hằng năm.

Bà Hồ Thị Lệ, Phó thôn Pire 2 cho biết, qua hơn 2 năm trở về với xã A Bung, cuộc sống của bà con đã thay đổi nhiều, người dân đã được hướng dẫn về kỹ thuật trong phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương, được hỗ trợ một số cây giống và thường xuyên được chính quyền thăm hỏi, động viên nên mọi người ngày càng tự tin và phấn khởi.

Một điều đặc biệt, sau khi hai thôn Pire 1 và 2 sáp nhập vào A Bung, công tác quản lý và bảo vệ rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đối với phần diện tích rừng đặc dụng ở khu vực giáp ranh giữa xã A Bung và Hồng Thủy đã có sự chuyển biến tích tích cực. Thời gian qua hầu như không còn xảy ra tình trạng một số đối tượng khai thác lâm sản trái phép như trước đây, thay vào đó đối tượng lạ vào rừng đều được giám sát chặt chẽ và kịp thời. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp cho lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Trị làm tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ nguồn rừng đặc dụng trên địa bàn, nhất là đối với những khu vực rừng có địa hình hiểm trở, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn.

Nói về cuộc sống mới của người dân 2 thôn trên, ông Hồ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã A Bung hết sức phấn khởi: “Hôm nay, có thể thấy rất rõ cuộc sống của người dân nơi đây đã và đang ngày càng ổn định, nhất là cuộc sống, học tập của trẻ em được quan tâm nhiều hơn. Về lâu dài, bà con cần được tiếp tục quan tâm hơn nữa để có điều kiện tốt phát triển và xây dựng quê hương”.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/dong-bao-thieu-so-o-pire-vuon-len-tu-ngheo-kho-i698368/