Đồng bào DTTS Thái Nguyên: Cuộc sống đổi thay từ Chương trình MTQG 1719

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719). Với 10 dự án và 14 tiểu dự án, Chương trình MTQG 1719 đã làm đổi thay cuộc sống của đồng bào DTTS, MN trong tỉnh.

Từ quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình 1719

Với trên 130 nghìn hộ dân và hơn 380 nghìn nhân khẩu (tập trung chủ yếu ở 110 xã), đồng bào dân tộc thiểu số đang chiếm hơn 30% dân số của tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, do phần lớn đồng bào cư trú tại miền núi, vùng sâu vùng xa nên đời sống KT – XH gặp nhiều khó khăn.

Người dân xóm Khe Mong, Văn Lăng (Đồng Hỷ) thu hoạch ngô.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đưa thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020, đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo (chuẩn nghèo đa chiều) DTTS bình quân từ 2% /năm trên tổng số hộ DTTS toàn tỉnh. Tỉnh cũng đặt mục tiêu giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; giảm 50% số thôn, xóm ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn;…

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Ðặc biệt quan tâm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn...”.

Đặc biệt, những năm qua, Thái Nguyên đã quyết tâm triển khai có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 ( Chương trình MTQG 1719).

Nguồn lực từ Chương trình 1719 giúp cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số Thái Nguyên ngày càng khởi sắc

Chương trình 1719 được triển khai hiệu quả đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi của tỉnh. (Trong ảnh: Một góc xã La Bằng, huyện Đại Từ)

Sau gần 03 năm triển khai, nguồn lực từ Chương trình 1719 đã góp phần làm thay đổi diện mạo các địa bàn khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Ông Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết: Các dự án, tiểu dự án của Chương trình 1719 đang triển khai nhiều phần việc quan trọng như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống cho bà con. Đồng thời, phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe người dân vùng khó và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em… Đơn cử như với Dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tỉnh đã giải ngân vốn vay làm nhà ở cho 214 hộ dân, tổng kinh phí trên 8,5 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 513 hộ dân, kinh phí trên 400 triệu đồng; đầu tư xây dựng 12 công trình nước sinh hoạt tập trung, kinh phí trên 12,2 tỷ đồng.

Theo ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, các chương trình, chính sách dân tộc đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích, đối tượng. Đối với Chương trình 1719, từ khi triển khai đến nay, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc đã kịp thời phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND các cấp phân bổ nguồn kinh phí được giao, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đảm bảo hoàn thành kế hoạch. Nhờ đó, nguồn lực từ Chương trình 1719 đã góp phần làm thay đổi diện mạo các địa bàn khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Đơn cử tại Võ Nhai - huyện khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên, hiện 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 15/15 xã, thị trấn có đường nhựa, bê tông đến trung tâm xã được cứng hóa; 151/153 xóm có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa (đạt 98,7%); trên 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia… Hay tại Đồng Hỷ - huyện có trên 50% dân số là đồng bào các DTTS, từ các chính sách của Trung ương và của tỉnh, hiện hệ thống hạ tầng cơ sở ở các bản, làng của huyện ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu đời sống và phát triển kinh tế của người dân.

Với Dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tỉnh đã giải ngân vốn vay làm nhà ở cho 214 hộ dân, tổng kinh phí trên 8,5 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 513 hộ dân, kinh phí trên 400 triệu đồng; đầu tư xây dựng 12 công trình nước sinh hoạt tập trung, kinh phí trên 12,2 tỷ đồng.

Cũng từ triển khai Chương trình, việc hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đã được quan tâm thực hiện tại các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ, với 13 chuỗi đang xây dựng hồ sơ dự án liên kết. Theo đó, thông qua Dự án Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, đến nay, Thái Nguyên đã tích cực thực hiện đổi mới hoạt động, củng cố phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gần 3 năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các Trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh với 9 công trình đã và đang được thi công.

Ngoài ra, dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cũng đạt được những thành quả khi đã hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại Định Hóa. Theo đó, 4 nhà văn hóa của 4 xóm đặc biệt khó khăn thuộc các xã chưa về đích nông thôn mới là Tân Thịnh và Lam Vỹ đã được đầu tư xây dựng…

Có thể thấy, chỉ sau hơn nửa chặng đường triển khai Chương trình 1719, Thái Nguyên đã hoàn thành được khá nhiều phần việc quan trọng. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng lồng ghép có hiệu quả các dự án, tiểu dự án của Chương trình 1719 với các dự án, chính sách hỗ trợ khác của trung ương, tỉnh tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, xây dựng và áp dựng các cơ chế thu hút, tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng, xã hội, các đoàn thể và tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính một cách hiệu quả…

M.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-bao-dtts-thai-nguyen-cuoc-song-doi-thay-tu-chuong-trinh-mtqg-1719-post276838.html