Đồng bào DTTS ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên thoát nghèo nhờ các mô hình kinh tế bền vững

Đồng Hỷ là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, có trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng… Những năm qua, bên cạnh các chính sách đầu tư phát triển cho vùng đồng bào DTTS, huyện Đồng Hỷ đã đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, du lịch cộng đồng, nhờ đó, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc.

Đồng bào DTTS tại huyện Đồng Hỷ tích cực chăn nuôi

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030 (Chương trình), tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trong giai đoạn 2023-2025 mỗi năm giảm 2% số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi, đưa 8 trong số 15 xã đặc biệt khó khăn hiện nay ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn và giảm 25 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn đầu tư Chương trình cho tỉnh Thái Nguyên là gần 2.000 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư 10 dự án thành phần nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân. Đến nay, tỉnh đã phân giao khoảng 850 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện các dự án thành phần, nội dung theo quy định của Chương trình. Cụ thể là tỉnh đã và đang xây dựng mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xã, xóm, trường học, trạm y tế; duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước. Các dự án, tiểu dự án, nội dung khác của Chương trình cũng có những kết quả tích cực, lan tỏa trong cộng đồng.

Trong 3 năm thực hiện Chương trình, huyện Đồng Hỷ luôn coi nhiệm vụ phát triển nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS có tầm quan trọng đặc biệt. Theo phân bổ của Chương trình, huyện Đồng Hỷ đang triển khai 10 dự án, với 11 tiểu dự án, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS, trên 35 tỷ đồng.

Mô hình trồng na đem lại hiệu quả kinh tế cao

Là một trong ba vùng chè lớn của tỉnh, Đồng Hỷ đã được lựa chọn để triển khai thực hiện đột phá quy hoạch và phát triển vùng sản xuất chè tập trung, bảo đảm tiêu chuẩn VietGap và theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm trà an toàn, có giá trị cao, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm trà Đồng Hỷ. Đến nay, địa phương đã quy hoạch, phát triển vùng sản xuất chè tập trung theo tiêu chuẩn VietGap tại các xã: Văn Hán, Khem Mo, Minh Lập, Hòa Bình, Văn Lăng và thị trấn Sông Cầu. Toàn huyện đã có hơn 2.000 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và hướng hữu cơ; trong đó, tổng diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGap và hữu cơ đạt trên 600 ha. Địa bàn có 10 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp chứng nhận mã số vùng trồng trên địa bàn 7 xã, thị trấn, trong đó có 8 mã vùng trồng chè; đồng thời, phát triển được 36 sản phẩm OCOP, chủ yếu là các sản phẩm trà đặc sản địa phương...

Cùng với phát triển cây chè, nhiều địa phương ở huyện Đồng Hỷ đã hỗ trợ bà con DTTS phát triển các mô hình trồng trọt, đem lại hiệu quả cao. Tại vùng núi đá vôi xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn - địa bàn sinh sống của 110 hộ dân đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao, đời sống người dân cũng có nhiều thay đổi, từ vùng đặc biệt khó khăn, nay xóm Trung Sơn chỉ còn vài hộ nghèo.

Các hộ nơi đây được hỗ trợ trồng 3ha na dai và hướng dẫn cách chăm sóc, do đó cây phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng quả đảm bảo. Hiện nay diện tích trồng cây na ở xóm Trung Sơn đã được nhân rộng từ 3ha lên 38ha. Bà con áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, năng suất, chất lượng quả đảm bảo. Cùng với các mô hình trồng cây ăn quả bước đầu cho hiệu quả kinh tế, những năm gần đây, huyện Đồng Hỷ còn triển khai 48 mô hình kinh tế giúp bà con DTTS trên địa bàn giảm nghèo thông qua các chương trình hỗ trợ như: Chương trình 135, Đề án 3027, nguồn vốn của huyện và xã hội hóa... Qua đánh giá, nhiều mô hình đã đạt hiệu quả tốt, còn một số mô hình cây trồng đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản chưa đánh giá hết hiệu quả.

Mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang tại Bản Tèn

Ngoài, trồng trọt, chăn nuôi, đồng bào DTTS ở Đồng Hỷ còn nâng cao thu nhập nhờ phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, cách trung tâm hành chính huyện Đồng Hỷ khoảng 28km về hướng Bắc, Bản Tèn, xã Văn Lăng là bản vùng cao và xa nhất của huyện. Bản hiện có trên 140 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống và vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng. Với khí hậu mát mẻ, giao thông thuận lợi, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, Bản Tèn hội tụ nhiều đặc điểm để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Nhằm khai thác hết lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, huyện Đồng Hỷ đã có kế hoạch xây dựng Bản Tèn thành một khu du lịch với các loại hình du lịch đặc trưng là trải nghiệm văn hóa, cộng đồng với điểm nhấn là Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông được tổ chức vào tháng 3 hàng năm. Ngày hội được tổ chức với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, đặc sắc như: Liên hoan nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông, múa khèn Mông; ẩm thực, thi đồ mèn mén, nấu thắng cố; các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian. Đây là hoạt động văn hóa ý nghĩa đã được huyện Đồng Hỷ duy trì tổ chức thường niên trong nhiều năm qua.

Với các mô hình kinh tế bền vững như mô hình sản xuất nông nghiệp hay mô hình du lịch cộng đồng, đồng bào DTTS ở Đồng Hỷ đã tạo ra một môi trường bền vững để phát triển kinh tế và văn hóa, góp phần thoát nghèo và nâng cao mức sống của cộng đồng.

Thu Anh

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/dong-bao-dtts-o-dong-hy-thai-nguyen-thoat-ngheo-nho-cac-mo-hinh-kinh-te-ben-vung-54896.html