Đồng bào Dao đỏ 'hái tiền tỷ' từ cây chè cổ thụ

Người Dao đỏ ở Phìn Hồ biết uống chè Shan tuyết từ xa xưa. Ngày trước, chè chỉ là thức uống để người Dao đỏ tiếp đón bạn xa, bạn gần, cũng có khi bán lấy tiền, nhưng giá chẳng được là bao. Tuy nhiên, từ khi các hộ dân Phìn Hồ liên kết thành lập HTX, chè Shan tuyết đã được quảng bá tới người tiêu dùng trong và ngoài nước, đem về giá trị gấp nhiều lần.

Phìn Hồ có độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ với khí hậu trong lành, mát mẻ. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng một sản vật là cây chè Shan tuyết. Nhiều thế hệ người Dao đỏ ở bản Phìn Hồ đều gắn bó với những cây chè cổ thụ. Họ cũng cất giữ một bí quyết riêng để làm ra sản phẩm chè Shan tuyết với màu nước xanh, vàng sánh, cùng vị nồng, chát xen lẫn ngọt hậu và hương thơm đậm đà.

1 kg chè đặc sản có thể thu về cả tạ thóc

Ngày trước, chè chỉ là thức uống để bà con tiếp đón khách, cũng có khi đem ra chợ bán, nhưng giá không cao. Từ năm 2008, các hộ dân thôn Phìn Hồ đã liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) chế biến chè Phìn Hồ, từng bước đưa chè Shan tuyết đến với nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

HTX chế biến chè Phìn Hồ đã từng bước đưa chè Shan tuyết đến với nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

HTX chế biến chè Phìn Hồ đã từng bước đưa chè Shan tuyết đến với nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên có 50 hộ dân chăm sóc gần 70ha chè Shan tuyết cổ thụ. Gia đình ông Lý Văn Lìn là một trong những hộ có nhiều chè nhất thôn Phìn Hồ. Mỗi năm, bình quân gia đình cũng thu hơn 100 triệu từ cây chè. Ông Lìn cho biết, cái được lớn nhất khi tham gia HTX là sản phẩm chè không bị tư thương ép giá, bên cạnh đó khi có sản phẩm OCOP thì giá trị thu mua nguyên liệu cao hơn. Nhờ đó mà người trồng chè được hưởng lợi

Nhà của bà Triệu Mùi Nghính, bà cụ được lựa chọn hình ảnh đại diện trên hộp chè Phìn Hồ đạt 5 sao OCOP của HTX chè Phìn Hồ nằm trong thung lũng Phìn Hồ, khuất dưới tán của những cây chè shan tuyết trong cánh rừng già. Năm nay, bà đã hơn 90 tuổi nhưng mắt vẫn tinh anh, khi đưa những chén trà vào môi, đầu lưỡi của bà vẫn cảm được chị trà ngon, hương trà nồng nàn.

Nhà bà Nghính có 2ha chè shan tuyết, có những cây chè già tới 300 năm tuổi. Bà Nghính bảo rằng, người Dao đỏ ở Phìn Hồ biết uống chè từ xa xưa. Ngày trước, chè chỉ là thức uống để người Dao đỏ tiếp đón bạn xa, bạn gần, cũng có khi bán lấy tiền, nhưng giá chẳng được là bao.

Giờ thì 1 kg chè đặc sản có thể giúp bà đổi được cả tạ thóc, gia đình bà Nghính ăn cả tháng không hết. Những cây chè cổ thụ còn biết “đẻ” ra cho bà và người làng nhiều trâu, nhiều bò, nhiều ti vi; lại còn “đẻ” ra cả chiếc xe máy - công cụ vận chuyển chè Shan tuyết đi xa.

Những vùng chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu

Được biết thời gian đầu, HTX chủ yếu thu mua chè búp tươi của các hộ thành viên, chế biến thành chè xanh theo phương pháp truyền thống để bán. Nguồn nguyên liệu đầu vào gói gọn trong khoảng 30 ha chè của các gia đình nên sản lượng ít, bao bì, nhãn mác thô sơ, bộ máy quản lý còn thiếu kinh nghiệm. Giai đoạn 2008-2010, doanh thu của HTX đạt khoảng 500 triệu đồng một năm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan tham quan sản phẩm của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ được trưng bày trong khuôn khổ hội nghị Thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan tham quan sản phẩm của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ được trưng bày trong khuôn khổ hội nghị Thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2030.

Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè cổ thụ, HTX mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu. Hiện nay, hơn 500 hộ trồng chè ở các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán cung cấp nguyên liệu cho HTX. Đây là những vùng chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu.

Năm 2017, nhờ sự hỗ trợ kinh phí từ chương trình xóa đói giảm nghèo, HTX đầu tư văn phòng, phòng trưng bày sản phẩm, nhà xưởng sản xuất... với diện tích trên 3.000m2. Bên cạnh đó, đơn vị đổi mới toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất, nâng công suất từ 4 tấn chè tươi lên 15 tấn một ngày.

Năm 2018, lần đầu HTX xuất khẩu trên 20 tấn chè khô sang thị trường Đài Loan, đánh dấu sự vươn tầm của thương hiệu Fìn Hò trà. HTX cũng thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, hợp tác xã đã triển khai trên 200 hệ thống mạng lưới đại lý, điểm bán hàng ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.

Gây dựng thành công thương hiệu Fìn Hò trà, HTX cũng đa dạng hóa các sản phẩm sản xuất với 5 dòng chè khác nhau đó là: trà xanh, hồng trà, trà đen, bạch trà, trà tiên. Mỗi loại sản phẩm đều có hương và vị khác nhau, với giá bán từ 300 nghìn đồng đến 12 triệu đồng một cân. Năm 2015, Fìn Hò trà đã được tổ chức liên minh Châu Âu chứng nhận sản phẩm Organic EU.

Người làm chè yên tâm sinh sống bằng nghề

Với việc luôn tuân thủ những quy định về sản xuất, chế biến chè sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, không ngừng đầu tư, nâng cấp công nghệ sản xuất và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, năm 2021, hai sản phẩm của HTX là trà xanh hộp 100gr và hồng trà hộp 100gr đã được Bộ NN&PTNT chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Đây cũng là hai sản phẩm đầu tiên của tỉnh Hà Giang đạt danh hiệu này. Doanh thu của HTX tăng từ 500 triệu đồng năm đầu thành lập lên 10 tỷ/năm trong những năm gần đây.

Trưởng thôn Phìn Hồ Lý Chòi Vạn cho biết: “Từ khi HTX có các sản phẩm đạt OCOP 5 sao, giá trị chè Shan tuyết cao hơn so với trước. Hiện nay, người dân chủ yếu thu hái chè búp tươi để chế biến ra các sản phẩm chè chất lượng cao như Bạch trà, Hồng trà với giá bán bình quân từ 25 đến 300 nghìn/1kg tùy từng loại. Mỗi năm, sản lượng chè thu hái của thôn cũng hơn 40 tấn, đem lại nguồn thu lớn và ổn định cho người dân”.

Bà Lý Mùi Mương, Phó Giám đốc HTX chế biến chè Phìn Hồ cho biết, để có được các sản phẩm OCOP, HTX nhận được sự quan tâm rất lớn từ chính quyền, ngành chức năng từ tỉnh đến huyện trong việc lập hồ sơ, từ vấn phát triển sản phẩm; hỗ trợ xây thiết kế bao bì, nhãn mác và quảng bá sản phẩm; xây dựng câu chuyện về sản phẩm OCOP năm sao.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì Lý Chòi Nhàn cũng là người con của bản Dao đỏ Phìn Hồ cho biết, nhờ những người như Lý Mùi Mương và các thành viên trong HTX chè Phìn Hồ nỗ lực đã giúp cây chè shan tuyết cổ thụ ngày càng có giá trị hơn và được nhiều người biết đến.

Theo bà Trần Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên, từ khi HTX chế biến chè Phìn Hồ xây dựng và được công nhận hai sản phẩm OCOP 5 sao thì giá trị vùng chè giá trị sản phẩm tăng cao hơn mọi năm do sản phẩm chè được quảng bá rộng hơn và dễ tiêu thụ hơn. Đặc biệt là không bị tư thương ép giá, người làm chè yên tâm sinh sống bằng nghề làm chè.

Ông Vũ Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang cho biết: Để đưa cây chè thực sự là cây trồng hàng hóa chủ lực, cây làm giàu trong phát triển kinh tế, phát triển mạnh ở cả 3 khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trên cơ sở định hướng của tỉnh Hà Giang, ngành chuyên môn sẽ phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp áp dụng các quy trình canh tác, đầu tư chăm sóc chè theo chiều sâu, tạo vùng nguyên liệu tập trung chất lượng, an toàn, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật hiện có trong ngành chè để nâng cao năng suất và chất lượng chè.

Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị phát triển các sản phẩm chè hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái tại địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tích cực tìm kiếm thị trường, ký kết các hợp đồng bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài. Quan tâm bảo tồn, khai thác nguồn gen quý chè Shan tuyết Hà Giang và duy trì phát triển các diện tích Chè Shan tuyết cổ thụ, chè Shan tuyết được công nhận là cây Di sản Việt Nam.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-dao-do-hai-tien-ty-tu-cay-che-co-thu-1092066.html