Đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum: Một lòng tin Đảng

Kể từ khi ánh sáng của Đảng, Bác Hồ đến với đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, 93 năm qua người Xơ Đăng, Ba Na, Gié- Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm và Hrê ở địa bàn này vẫn luôn một lòng, một dạ tin yêu Đảng.

Trong giai đoạn phát triển mới, Kon Tum nâng tầm nhiệm vụ cho các đảng viên và tổ chức đảng, vừa tiếp tục bám sát cơ sở, vừa có những giải pháp thực tế để đưa từng thôn làng phát triển bền vững.

Nhà của chị Y Chon, dân tộc Gié- Triêng, Chủ tịch Hội liên Hiệp phụ nữ xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi ở làng Đăk Răng bây giờ đã trở thành nơi trưng bày, bán các loại nông sản- thực phẩm nổi bật của địa phương, như: thịt heo đen gác bếp, rượu cần, muối tiêu rừng…

Đảng viên Y Chon, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, lá cờ đầu ở vùng biên giới Đăk Dục.

Đây cũng là công sức 4 năm xây dựng Hợp tác xã Dục Nông của chị Y Chon. 4 năm xây dựng hợp tác xã thì có 2 năm vướng dịch Covid-19, nhưng chị Y Chon cùng gần 40 xã viên vẫn định hình được 10 sản phẩm riêng, tiêu thụ khá mạnh trên thị trường. Doanh thu năm nay đã đạt 1 tỷ đồng. Chị Y Chon cho biết, để vượt qua giai đoạn khó khăn kép của những năm đầu khởi nghiệp, cùng với nỗ lực của bản thân, quan trọng hơn nữa là phát huy được tâm sức, sáng kiến của tất cả các thành viên.

Chị Y Chon nói: “Đảng viên phải là người gương mẫu trước về tất cả các phong trào, các nhiệm vụ. Chúng tôi không chỉ tiêu thụ những con heo tươi, thịt heo tươi hay là heo giống nữa mà chúng tôi biến thịt heo đó thành sản phẩm thịt heo gác bếp và chúng tôi đã lựa chọn sản phẩm này để thi sản phẩm Ocop cấp tỉnh và đạt 3 sao. Đến bây giờ sản phẩm của chúng tôi được thị trường chào đón rất là tốt đặc biệt là các dịp Tết thì sản phẩm của chúng tôi không đủ cho thị trường”.

Trồng được cây sâm Ngọc Linh giúp người dân Xơ Đăng thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Câu chuyện chị Y Chon vừa làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã, vừa đứng mũi chịu sào dìu dắt bà con ở vùng khó khăn tìm được hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh, là một trong hàng trăm, hàng nghìn ví dụ về cán bộ, đảng viên ở Kon Tum gương mẫu đi đầu, gắn bó với dân trong thực hiện các nhiệm vụ mà tổ chức Đảng đã giao. Theo ông A Blum, một tỷ phú sâm Ngọc Linh ở làng Ngọc La, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, cách đây hơn chục năm thì ông và bà con trong làng, trong xã vẫn nghèo lắm. Nhờ cán bộ từ xã đến huyện kiên trì cầm tay chỉ việc, hướng dẫn vun từng luống đất, bày cách gieo từng hạt sâm, ươm bầu cà phê, tỉa cành tạo tán… mà bây giờ kinh tế đổi thay rõ rệt. Các mô hình làm giàu bằng cà phê xứ lạnh, quốc bảo Sâm Ngọc Linh đã lan tỏa khắp huyện Tu Mơ Rông.

Ông A Blum cảm động: “Bà con mình theo Đảng, Nhà nước, lắng nghe cán bộ hướng dẫn cách làm ăn sản xuất, trồng sâm, cấy lúa để có cái ăn, cuộc sống được no ấm, hạnh phúc’”.

Theo ông Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum, những năm qua hướng về cơ sở và vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, đã có hàng chục nghìn lượt cán bộ, đảng viên được điều động xuống cơ sở “kết nghĩa”, bám thôn, làng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, lắng nghe tâm tư, giải quyết kiến nghị và nguyện vọng của người dân. Hướng về cơ sở, đồng hành với các làng, xã chăm lo phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống người dân là chủ trương nhất quán, được thực hiện xuyên suốt qua các thế hệ lãnh đạo tỉnh Kon Tum. Và trong nhiệm kỳ 2020- 2025 nhiệm vụ này được nâng tầm với mục tiêu tạo sự phát triển bền vững cho các thôn làng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang làm việc với Đảng bộ xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông tháng 11/2021.

Ông Dương Văn Trang cho biết: “Đã là cán bộ đảng viên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là ra tận nương, ra tận rẫy, ra tận vườn và thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “cầm tay chỉ việc” khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi cán bộ, đảng viên tại cơ sở và địa bàn dân cư nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống”.

Từ sự chung sức, đồng lòng của Đảng và Dân, tỉnh Kon Tum đã hoàn thành sớm mục tiêu tất cả các xã có đường ô tô đến trung tâm; chất lượng giáo dục được nâng cao; trạm y tế các xã đều có bác sỹ. Tỷ lệ hộ nghèo từ trên 65% thời điểm thành lập lại tỉnh năm 1991, giảm xuống còn dưới 11% vào cuối năm 2022. Cùng với đó là xây dựng được hệ thống chính trị vững mạnh với 14 Đảng bộ trực thuộc, 668 tổ chức cơ sở Đảng với trên 31.300 đảng viên. Thống nhất giữa chủ trương và hành động thực tế, Đảng bộ tỉnh Kon Tum tiếp tục củng cố lòng tin với Đảng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Cùng với đó, lòng tin sắt son cũng đang tạo nên động lực và sự mạnh dạn cho toàn đảng bộ, thực hiện những giải pháp lớn, phát huy các thế mạnh của tỉnh để phát triển bền vững.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-kon-tum-mot-long-tin-dang-post1054026.vov