Đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai: Cuộc sống đổi thay từ Chương trình mục tiêu quốc gia

Những thành quả vươn lên thoát nghèo bền vững như tại huyện Chư Păh cũng như nhiều huyện khác tại Gia Lai là trái ngọt của việc Gia Lai đã triển khai quyết liệt việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Gia Lai đặc biệt chú trọng tới công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Từ niềm vui của người dân huyện nghèo Chư Păh

Chư Păh là huyện có nhiều xã thuộc diện khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh Gia Lai, trong đó có những địa phương như làng Ngó 4 là một trong những làng khó khăn của xã Ia Ka. Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với các cây trồng chính là cà phê, lúa nước. Tuy nhiên, do dân số ngày càng tăng, trong khi đất sản xuất có hạn nên đời sống của bà con còn nhiều khó khăn.

Gia đình anh Rơ Châm Ú (làng Tơ Vơn 1, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) được hỗ trợ dê giống để chăn nuôi, phát triển kinh tế

Tuy nhiên, đến giờ này, nhất là sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 tại Gia Lai được triển khai thực hiện, số những hộ gia đình tại làng Ngó 4 nói riêng cũng như tại huyện Chư Păh vươn lên thoát nghèo, thậm chí nhiều hộ tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đã không còn chuyện hiếm.

Như gia đình ông Rơ Châm Im (làng Ngó 4, xã Ia Ka) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, gia đình ông được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 con bò sinh sản để đầu tư phát triển chăn nuôi, tạo sinh kế. Đến nay, gia đình ông đã có đàn bò gồm 4 con, cùng với 3 sào cà phê tái canh. Vì vậy, năm 2023, gia đình ông Im đã thoát nghèo.

Hay như anh Rơ Châm Ú ở làng Tơ Vơn 1, xã Ia Khươl. Anh cho biết: “Tham gia mô hình “Đàn dê thoát nghèo”, gia đình tôi được hỗ trợ 4 con dê giống. Đến nay, 1 con dê mẹ đã đẻ con. Một thời gian nữa, khi dê đẻ nhiều, thêm nguồn thu nhập, gia đình tôi sẽ có cơ hội thoát nghèo”.

Hay như gia đình ông Nguyễn Văn Bích (thôn 2, xã Hòa Phú). Là một trong những hộ nghèo của xã, gia đình ông Bích có 6 nhân khẩu sống trong căn nhà tạm bợ “mưa tạt, gió lùa”, không có vốn liếng lại không có đất sản xuất nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Năm 2018, anh Bích được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố và vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Từ đó, anh Bích đầu tư trồng hơn 2 sào cà phê, chăn nuôi thêm vài chục con gà. “An cư lạc nghiệp”, anh Bích yên tâm làm ăn, kinh tế ngày càng ổn định. Năm 2021, anh Bích đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã huy động nhiều nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp giúp người dân thay đổi tư duy, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo

Còn anh Puih Ýit (làng Tum) phấn khởi nói: “Gia đình mình được hỗ trợ 5 triệu đồng để mua vật liệu làm lồng nuôi cá, mình chỉ đầu tư thêm 5 triệu đồng để mua cá giống và thức ăn. Năm 2020, mình thu được 1,8 tấn cá. Với giá bán 40 - 80 ngàn đồng/kg, gia đình mình thu hơn 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.

Triển khai quyết liệt việc thực hiện Chương trình MTQG

Những thành quả vươn lên thoát nghèo bền vững như tại huyện Chư Păh cũng như nhiều huyện khác tại Gia Lai là trái ngọt của việc Gia Lai đã triển khai quyết liệt việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Gia Lai đặc biệt chú trọng tới công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào.

Để công tác giảm nghèo bền vững được triển khai sâu rộng, toàn diện và đạt hiệu quả cao, tỉnh Gia Lai đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo, tổ chức bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở 3 cấp, ban hành Chương trình hành động huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ mang tính kết nối với những vùng núi, vùng khó khăn.

Chương trình được triển khai từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do bộ, ngành, trung ương đầu tư trên địa bàn là 5.927 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do địa phương quản lý tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, mang tính lan tỏa dự kiến là 5.978 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; 84,07% tuyến đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được cứng hóa; 60,51% tuyến đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Một trong những giải pháp có hiệu quả tích cực được các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai triển khai, là luôn coi trọng việc triển khai các chương trình cho vay chính sách đối với đồng bào DTTS, giúp họ có nguồn vốn để xây dựng nhà ở ổn định, tạo sinh kế phát triển kinh tế. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh hỗ trợ để xây dựng, sửa chữa nhà cho ít nhất 2.000 hộ nghèo, cận nghèo; đảm bảo cho 98% hộ nghèo được sử dụng nước sạch; hầu hết trẻ em được tới trường đúng độ tuổi...

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã nỗ lực huy động các nguồn vốn mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác gần 965 tỷ đồng với trên 25.000 hộ vay; trong đó, riêng đồng bào DTTS chiếm hơn 51%, với số tiền vay gần 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng kêu gọi các địa phương, ngành chức năng tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân vùng DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống thông qua các kênh như: nguồn vốn lồng ghép các chương trình 135, 134. Triển khai chương trình cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu, giai đoạn 1 (2021 - 2025) cũng đã giải ngân hơn 49 tỷ đồng cho gần 1.000 hộ vay để chuyển đổi nghề, đất ở, đất sản xuất và làm nhà ở cho đồng bào DTTS.

Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát động và thực hiện bước đầu có hiệu quả cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững", khảo sát thực trạng hộ nghèo thực tiễn tại các địa phương, từ đó xây dựng, duy trì được hơn 400 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cả lĩnh vực kinh tế và đời sống văn hóa - xã hội, với sự tham gia của gần 18.300 hộ đồng bào DTTS. Địa phương luôn có những biện pháp kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả các chương trình giảm nghèo, qua đó kịp thời điều chỉnh và hoàn thiện.

Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn có chính sách đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS vượt qua khó khăn, tiếp tục học tập. Các nguồn đầu tư, trợ giá, trợ cước, chính sách hỗ trợ đói giáp hạt, hỗ trợ cho đồng bào bị thiên tai, góp phần giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống...

Thư Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-bao-dan-toc-thieu-so-gia-lai-cuoc-song-doi-thay-tu-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-1719-post275122.html