Đồng bào dân tộc tham gia bảo vệ môi trường

Trong thời gian qua, với việc triển khai các Chương trình MTQG, đồng bào DTTS đã tham gia vào nhiều hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương. Hiện đồng bào DTTS đang đẩy mạnh phong trào phân loại rác thải tại nguồn và chống rác thải nhựa, trong thời gian tới, tiếp tục hạn chế sử dụng các túi nilon, hộp xốp… nói không với chất thải nhựa dùng một lần, thực hiện hiệu quả và có chiều sâu vào chương trình bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng bào Chăm làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) bảo vệ và giữ gìn môi trường sinh sống và làng nghề (Ảnh minh họa)

Đồng bào Chăm làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) bảo vệ và giữ gìn môi trường sinh sống và làng nghề (Ảnh minh họa)

Làng nghề gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận được xem là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn tồn tại cho đến ngày nay, nổi tiếng với những sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo, mang đậm nét văn hóa Chăm. Làng gốm Bàu Trúc hiện có 975 hộ, trong đó có 300 hộ làm gốm, 01 Hợp tác xã, 02 công ty và 60 cơ sở sản xuất gốm hoạt động thường xuyên. Bình quân mỗi tuần làng gốm Bàu Trúc nung khoảng 150 tấn sản phẩm, lượng sản phẩm hỏng sau nung từ 10 - 20%, tương đương khoảng từ 15-30 tấn chất thải rắn phải thu gom và xử lý.

Năm 2021, khi bắt đầu triển khai công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn do đồng bào dân tộc Chăm chưa có thói quen tốt trong bảo vệ và giữ gìn môi trường sinh sống và làng nghề, chuyển biến trong lĩnh vực môi trường tại địa phương còn chậm. Lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề chưa có bộ tiêu chí đánh giá, cũng như thiếu các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để xây dựng và phát triển các dự án cộng đồng... Thực hiện dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường, đề xuất giải pháp và thực hiện mô hình cải thiện vệ sinh môi trường tại các làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm” được Ủy ban Dân tộc hỗ trợ và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện trên địa bàn mang nhiều ý nghĩa cho địa phương không chỉ về mặt môi trường và còn làm tăng giá trị sản phẩm nghề gốm, cải tạo cảnh quan môi trường làng nghề.

Với sự hỗ trợ của dự án đã xây dựng các mô hình xây dựng giải pháp quản lý nội vi trong sản xuất sạch tại làng dệt Mỹ nghiệp; mô hình phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thực phẩm tại hộ gia đình thành phân bón hữu cơ và mô hình xử lý chất thải rắn làng nghề gốm Bàu Trúc bằng giải pháp đóng gạch Block là bước đầu, có tính chất “mồi”, làm điểm, làm mẫu để đánh giá các bước thực hiện, các kết quả từ đó nhân rộng. Sau khi dự án kết thúc, chính quyền cần thành lập các tổ vận động và xây dựng quy chế về sử dụng các hỗ trợ của Dự án vào chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 53% (tương đương 88.000 người) trên tổng số toàn thị xã. Trong thời gian qua các cấp chính quyền, đoàn thể và trụ trì các chùa Khmer trên địa bàn đã tích cực tuyên truyền hướng dẫn bà con các biện pháp bảo vệ môi trường, đồng thời thực hiện tốt các quy định phòng ngừa dịch bệnh.

Trước đây do hiểu biết của nhiều người dân còn hạn chế nên vứt bừa bãi các hộp xốp, túi nilon, bao gói thuốc bảo vệ thực vật thải ra ngoài môi trường như xuống kênh, rạch hoặc một khoảnh đất trống cho sạch nhà, ruộng vườn... gây ô nhiễm môi trường đất, không khí và nước. Trong những năm gần đây công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, những tác hại của rác thải được các ngành, đoàn thể thị xã Vĩnh Châu, xã Lạc Hòa cũng như trụ trì các chùa Khmer thường xuyên tổ chức, đồng thời phát động phong trào phân loại rác thải, chống rác thải nhựa tại địa phương, từ đó người dân dần hiểu được trách nhiệm của mình trong việc vệ sinh môi trường nơi mình ở và tại các xóm, ấp.

Thông qua các buổi tuyên truyền, vận động của trụ trì các chùa Khmer trên địa bàn để nâng cao nhận thức cho bà con phật tử về kiến thức bảo vệ môi trường. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con tham gia công tác bảo vệ môi trường, các chùa còn tăng cường mua sắm dụng cụ lưu chứa rác. Đến nay, với sự tham gia của người dân mà cảnh quan môi trường trên địa bàn ngày càng xanh, sạch, đẹp, việc quét dọn được thực hiện thường xuyên. Đối với các loại rác thải thông thường phát sinh hàng ngày thì gom mang đi đốt, còn các loại rác thải nguy hại sẽ được gom đổ vào hỗ lưu chứa cố định để đem đi xử lý theo quy trình.

Các cấp Hội Phụ nữ tỉnh kon Tum đã thay đổi thói quen, nếp nghĩ, cách làm, lối sống của nhiều hội viên đồng bào DTTS (Ảnh mình họa)

Các cấp Hội Phụ nữ tỉnh kon Tum đã thay đổi thói quen, nếp nghĩ, cách làm, lối sống của nhiều hội viên đồng bào DTTS (Ảnh mình họa)

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thông qua các mô hình như: 5 không, 3 sạch; giỏ rác tại nhà…, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đã thay đổi thói quen, nếp nghĩ, cách làm, lối sống của nhiều hội viên đồng bào DTTS, giúp người dân có nhận thức trong việc bảo vệ môi trường sống. Từ đó, vận động người thân, làng xóm cùng tham gia, hoạt động bảo vệ môi trường.

Các phong trào như: thu gom rác thải, trồng cây xanh, hàng rào xanh, tuyến đường không rác… được tổ chức thường xuyên, nhân các ngày lễ kỷ niệm như: Ngày Môi trường thế giới, Ngày Chủ nhật xanh, với sự tham gia của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, cán bộ thôn, làng đã nêu gương để người dân cùng thực hiện. Ngoài ra, ở các khu dân cư điểm về bảo vệ môi trường còn tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về môi trường trong các cuộc họp thôn để vận động bà con xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, bố trí hố rác phù hợp, thường xuyên quét dọn đường làng, ngõ xóm…

Trong sinh kế hàng ngày, phần lớn đồng bào DTTS đều coi tài nguyên thiên nhiên là sẵn có nên trong quá trình khai thác thường không chú ý tới việc tái tạo, sử dụng bền vững các tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Để công tác bảo vệ môi trường bền vững khu vực đồng bào dân tộc và miền núi, cần xây dựng đội ngũ nòng cốt là người dân tộc thiểu số, để hiểu được phong tục tập quán của người dân, vận động bà con tham gia. Cần mạnh dạn vận động, giao khoán cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng qua đó khuyến khích nhận thức bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; vận động bà con bỏ những tập tục lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Đỗ Thụy

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/dong-bao-dan-toc-tham-gia-bao-ve-moi-truong-55104.html