Đồng bào công giáo huyện Anh Sơn sống tốt đời, đẹp đạo

Những năm qua, bà con giáo dân Anh Sơn luôn đồng lòng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết lương - giáo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về thôn 4, xã Tường Sơn (Anh Sơn) - một trong những thôn điển hình trong phong trào xây dựng NTM, ai cũng dễ dàng nhận thấy những con đường nhỏ, hẹp trước kia đã được thay thế bằng đường bê tông rộng rãi, sạch, đẹp. Làng quê đang từng ngày khởi sắc, người dân đang tưng bừng rộn rã chuẩn bị đón Giáng sinh.

Bà con giáo dân xã Hùng Sơn (Anh Sơn) tích cực tham gia phát triển kinh tế, trồng chè công nghiệp cho thu nhập cao. Ảnh: Thái Hiền

Ghé thăm gia đình giáo dân Nguyễn Thái Phương là hộ đi đầu trong phong trào làm đường giao thông ở thôn 4, xã Tường Sơn, ông Phương chia sẻ: Nhận thấy chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn và hợp lòng dân, khi có kế hoạch làm đường thấy một phần diện tích vườn của gia đình nằm ở khúc cua của tuyến đường, tôi đã thuyết phục vợ con hiến 50m2 đất để tuyến đường được thẳng, đẹp. Cùng với hiến đất, bản thân tôi nghĩ, nếu cứ trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước thì rất khó thực hiện vì nguồn kinh phí của Nhà nước có hạn, tôi đã đi đến tận từng gia đình bà con giáo dân trong thôn tuyên truyền, vận động để các gia đình hiểu và đồng lòng thực hiện. Từ việc làm tiên phong của gia đình tôi, đã tạo nên một phong trào sôi nổi cho bà con lương - giáo trong thôn noi theo.

Ngoài phát triển kinh tế, bà con giáo dân còn đồng hành tham gia trong phong trào xây dựng nông thôn mới, giữ gìn môi trường xanh, sạch đẹp. Ảnh: Thái Hiền

Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến đường rộng 5m, được đổ bê tông rộng thênh thang, sạch, đẹp, ông Nguyễn Tất Quý - Trưởng thôn 4, xã Tường Sơn (Anh Sơn) cho biết: Thôn hiện có 153 hộ, hơn 600 nhân khẩu, trong đó có 33% là đồng bào công giáo sinh hoạt ở Giáo xứ Quan Lãng. Những năm gần đây, thôn luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng NTM, từ hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa đến vệ sinh môi trường, chỉnh trang vườn hộ.

Trong 2 năm (2022, 2023), thôn 4, xã Tường Sơn đã huy động bà con nhân dân làm được công trình thế kỷ, từ một quả đồi, thôn đã huy động san lấp, làm mặt bằng, hạ nền dài 73 m, rộng 49m, hạ độ cao 5m, với 9.000 khối đất để xây dựng sân vận động gồm 1 sân bóng đá, 2 sân bóng chuyền và khu vực quy hoạch xây dựng nhà văn hóa thôn, trị giá 500 triệu đồng.

Sau khi triển khai làm sân vận động, thôn tiếp tục vận động người dân đóng góp làm đường lên sân dài 120m, rộng 5m; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và bà con ủng hộ được 46 ghế đá, với số tiền hơn 150 triệu đồng, bà con lương - giáo trong thôn đã hưởng ứng với khí thế rất sôi nổi. Cùng với việc hưởng ứng xây dựng nông thôn mới, bà con lương - giáo thôn 4, xã Tường Sơn luôn đoàn kết một lòng, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đặc biệt là đi đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hiện nay, thôn có trên 85% gia đình văn hóa, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn luôn ổn định, không có các tệ nạn xã hội. Thu nhập bình quân đầu người của thôn là 35 triệu đồng/năm.

Đồng bào công giáo huyện Anh Sơn đoàn kết, chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp. Ảnh: Thái Hiền

Xã Hùng Sơn (Anh Sơn) hiện có gần 34% bà con giáo dân, thuộc Giáo xứ Đồng Lam. Với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, bà con giáo dân xã Hùng Sơn luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chúng tôi đến thăm gia đình giáo dân Lê Xuân Long ở thôn Hợp Tiến, xã Hùng Sơn, một điển hình trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương, ông Long chia sẻ: Năm 2013, khi có chủ trương phát triển vườn rừng và cây chè công nghiệp, gia đình ông đã đi đầu chuyển đổi đưa cây chè trồng trên diện tích hơn 1 ha đất đồi. Từ cây chè mà đời sống gia đình ông ngày càng khấm khá. Với 6-7 lứa chè được thu hái mỗi năm, cho gia đình ông thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông Long còn trồng 3 ha rừng và chăn nuôi gà, lợn. Với nguồn thu nhập ổn định, gia đình ông có điều kiện nuôi 6 người con ăn học và có công việc ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hùng Sơn (Anh Sơn) cho biết: Để bà con công giáo trên địa bàn luôn hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xã Hùng Sơn đã có nhiều giải pháp, phù hợp và thực hiện hiệu quả, trong đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ với các chức sắc, chức việc và giáo dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết khó khăn cho bà con. Từ đó, mối quan hệ giữa giáo xứ, bà con lương - giáo với cấp ủy, chính quyền ngày càng cởi mở, gần gũi, gắn bó hơn.

Từ đó, đưa xã Hùng Sơn từ xuất phát điểm thấp, trở thành địa phương đi đầu về mọi mặt của huyện Anh Sơn. Trong 5 năm qua, xã đã huy động sự đóng của bà con lương - giáo xây dựng 7 sân vận động thôn có đầy đủ sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, thiết kế quy chuẩn đồng bộ; làm đền thờ liệt sĩ xã trên khuôn viên rộng 1.500 m2, với tổng kinh phí công trình trên 5 tỷ đồng. Hiện nay, hệ thống đường giao thông thôn, xóm trên địa bàn xã đã được bê tông hóa 100%. Hệ thống điện chiếu sáng ở các trục đường giao thông đi qua các khu dân cư được lắp đặt 97/107 tuyến đường. Xã đang phấn đấu đạt xã NTM nâng cao vào năm 2023.

Cam Bãi Phủ tại huyện Anh Sơn đạt năng suất cao. Ảnh: Quang An

Hiện nay, bà con giáo dân huyện Anh Sơn đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đã có nhiều mô hình hộ gia đình giáo dân làm kinh tế giỏi cho thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm, điển hình như mô hình trồng chè công nghiệp ở xã Hùng Sơn; sản xuất bánh gai ở xã Tường Sơn; trang trại chăn nuôi trên đệm lót sinh học tại các xã Hoa Sơn, Lạng Sơn và Lĩnh Sơn; mô hình vườn đồi tại các xã Cẩm Sơn; Khai Sơn.

Ngoài phát triển kinh tế, bà con giáo dân đã đồng hành tham gia trong phong trào xây dựng nông thôn mới, trong năm 2023, bà con giáo dân ở các xã Khai Sơn, Lĩnh Sơn đã hiến gần 500 m2 đất vườn nhà để mở đường giao thông; bà con giáo dân huyện Anh Sơn đã đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng đường GTNT; sân bóng; nhà văn hóa… Tích cực tham gia giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, duy trì việc vệ sinh, thu gom rác thải hàng tuần, trồng các tuyến đường hoa, góp phần xây dựng môi trường “Sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Tính hết năm 2023, toàn huyện Anh Sơn có 14 xã về đích nông thôn mới, trong đó có 12 xã có đồng bào công giáo sinh sống. Ngoài ra, đồng bào công giáo cũng tích tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo, hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động của MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể phát động.

Nhân dân huyện Anh Sơn náo nức một mùa Giáng sinh an lành. Ảnh: Thái Hiền

Thái Hiền

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/dong-bao-cong-giao-huyen-anh-son-song-tot-doi-dep-dao-post281974.html