Đồng bào Công giáo đoàn kết, giúp nhau làm giàu

Với 30,7 nghìn giáo dân, những năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ mối đoàn kết lương - giáo; tích cực phát triển kinh tế, cùng nhau xây dựng quê hương Thái Nguyên ngày thêm giàu đẹp.

Hợp tác xã chè Minh Thu, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), đang sản xuất 4,6ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt 1tấn chè búp khô/tháng.

Đơn cử như chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh, xóm Náng, xã Nhã Lộng (Phú Bình). Chị là người đã xây dựng thành công sản phẩm rau VietGAP đưa ra thị trường tiêu thụ, góp phần tạo điều kiện cho bà con giáo dân ở đây có thu nhập ổn định.

Chị Ngô Thúy Oanh, giáo dân ở xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), cũng là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Nhờ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà, mỗi năm gia đình chị thu nhập từ 200-300 triệu đồng. Không chỉ mạnh dạn phát triển kinh tế, chị còn luôn đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương.

Một trong những mô hình phát triển kinh tế khá hiệu quả của đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh phải kể đến nữa là HTX chè Minh Thu, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Với 30 hộ thành viên đều là người Công giáo, HTX đã mạnh dạn sản xuất 4,6ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt 1tấn chè búp khô/tháng, doanh thu đạt trên dưới 400 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống của các thành viên đều khá ổn định với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng…

Không chỉ làm giàu, phát triển kinh tế cho gia đình mình, việc hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững của đồng bào Công giáo nói riêng và cộng đồng dân cư trong tỉnh nói chung đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa. Từ đó thêm khẳng định vị trí, vai trò của đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Kiên, phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên). Không chỉ xây dựng được mô hình chăn nuôi bền vững với nguồn thu nhập ổn định nhiều năm nay, cách làm kinh tế của ông Kiên còn được nhiều bà con giáo dân ở địa phương học tập, noi theo. Về phần mình, ông Kiên cũng rất nhiệt tình hướng dẫn mọi người cách đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi...

Ngoài ra, các ông Vũ Văn Dũng, Giáo họ Na Lang; Nguyễn Văn Sơn, Giáo họ Soi Chiễn; Nguyễn Văn Đại, Giáo họ Yên Sơn; bà Nguyễn Thị Thu, Giáo xứ Tân Cương (TP. Thái Nguyên)... cũng là những tấm gương trong việc hỗ trợ bà con giáo dân cùng nhau phát triển kinh tế.

Thực tế cho thấy, những năm trở lại đây, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Công giáo trong tỉnh ngày càng được nâng lên. Đồng bào đã có điều kiện tham gia vào các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa nhiều ý nghĩa; chăm lo sự nghiệp học hành cho lớp trẻ… Đặc biệt, thông qua đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế, nhiều giáo dân đã trở thành những doanh nhân, nhà sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách hằng năm của tỉnh.

Nhằm tập hợp, đoàn kết đồng bào Công giáo, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò của giáo dân trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương, đất nước, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh luôn đồng hành với bà con. Cùng với việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng, chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con giáo dân sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực phát triển kinh tế…

Với sự quan tâm đặc biệt dành cho cộng đồng người Công giáo của tỉnh, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng ở những vùng có người dân theo đạo Công giáo; hỗ trợ dậy nghề, tập huấn khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi... Qua đó giúp đồng bào thay đổi nhận thức, tư duy phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, tích cực, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, cho hay: Chúng tôi sẽ tích cực vận động bà con giáo dân nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức tự cường dân tộc bằng cách hăng say lao động sản xuất, công tác và học tập tốt; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Đặc biệt là chủ động vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202401/dong-bao-cong-giao-doan-ket-giup-nhau-lam-giau-7c415c8/