Đồng bằng Sông Cửu Long: Ứng dụng KH&CN để ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm công nghệ có chất lượng cao; lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho việc đổi mới, chuyển giao công nghệ nhằm tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác ba nhà (các Viện nghiên cứu, trường đại học – doanh nghiệp – cơ quan quản lý nhà nước) nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Những nội dung được coi là nền tảng để ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hội nghị giao ban Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 24 vừa được tổ chức mới đây tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu

Hoạt động KH&CN Vùng ĐBSCL giai đoạn 2014 – 2016 đã có nhiều khởi sắc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội toàn Vùng, nổi bật như việc đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất những sản phẩm chủ lực theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Nhiều mô hình mới trong phát triển kinh tế đã bước đầu được hình thành như: mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo chất lượng cao, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, sản xuất cây ăn quả đặc sản chất lượng cao,…

Qua đó đã hình thành chuỗi giá trị cho những sản phẩm chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, giá trị cao, gắn với thị trường tiêu thụ; cải tiến, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp; tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời khẳng định vai trò to lớn của KH&CN trong phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của các địa phương trong Vùng.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội nghị giao ban Vùng ĐBSCL lần thứ 24.

Theo báo cáo Vụ Phát triển KH&CN Địa phương (Bộ KH&CN), giai đoạn 2014 – 2016 có 43 nhiệm vụ KH&CN đã và đang triển khai, trong đó có 32 nhiệm vụ đã được phê duyệt. Các nhiệm vụ đều tạo ra được những sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao, đáp ứng được mục tiêu đề ra, kết quả, sản phẩm có khả năng ứng dụng và nhân rộng, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương như: nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt tại Bến Tre; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn – hạn thích nghi với điều kiện canh tác vùng nhiễm mặn thuộc ĐBSCL; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh tại Bạc Liêu,…

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm, ngành KH&CN mỗi địa phương đã chủ động làm công tác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của từng tỉnh, tiêu biểu như tỉnh An Giang hỗ trợ chi phí đăng ký 141 nhãn hiệu trong nước; Hậu Giang xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 07 mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh,…

Đặc biệt, các Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa tiêu biểu thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn ISO 14001:2004, Global GAP-CFM,…

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, các nhiệm vụ KH&CN đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, có địa chỉ ứng dụng cụ thể, đặc biệt có thể thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Thiếu tính liên kết vùng, địa phương

Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, thủy sản,.. nhưng hiện đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Việc ứng dụng KH&CN để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu trên trở nên cấp bách nhằm khai thác nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, bền vững, đảm bảo sinh kế cho nhân dân trong vùng.

Theo báo cáo của Vụ Phát triển KH&CN Địa phương, Vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ như: phân bố kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN ở một số địa phương vẫn dàn trải; chưa nhiều địa phương xây dựng được các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phục vụ các sản phẩm chủ lực, các nhiệm vụ có tính liên vùng, liên tỉnh; nhiều sản phẩm có thế mạnh trong Vùng chưa được đầu tư một cách thỏa đáng như vấn đề giống chất lượng trong sản xuất, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến sau nông sản, phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên,…

TS Bùi Thanh Liên – Viện lúa ĐBSCL giới thiệu một số giống lúa có khả năng chống chịu hạn hán, sâu bệnh và nhiễm mặn.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc bởi tổ chức KH&CN vừa chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp vừa chịu sự điều chỉnh của Luật KH&CN nên gặp một số khó khăn về tài chính, thuế, sử dụng nhân sự,… Quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao.

Nhận định về sự phát triển của vùng ĐBSCL thời gian qua, Giám đốc KH&CN Cần Thơ Trần Ngọc Nguyên cho biết, nhờ tích cực ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, Vùng đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, để sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, giai đoạn tới, cần phát triển công nghệ mới, đầu tư xây dựng các khu công nghệ cao trong vùng, khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng KH&CN.

Đổi mới và phát triển sản phẩm công nghệ

Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội nghị giao ban Vùng là hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm công nghệ có chất lượng cao; lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho việc đổi mới, chuyển giao công nghệ nhằm tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác ba nhà, gồm các Viện nghiên cứu, trường đại học – Doanh nghiệp – Cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò cầu nối trong mối liên hệ giữa doanh nghiệp và các trường, viện; phát triển, hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của Vùng cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ các viện, trường đại học trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với sự phát triển kinh tế của vùng, đặc biệt là với doanh nghiệp. Trước tác động xấu của biến đổi khí hậu đối với Vùng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã chỉ đạo sát sao việc tái cơ cấu nền kinh tế để phát huy lợi thế vùng không để biến đổi khí hậu tác động xấu đến phát triển kinh tế.

Phát triển KH&CN đã tạo ra bước chuyển biến mới về nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng về vị trí và tầm quan trọng của KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Từ đó, hoạt động KH&CN được củng cố, phát triển theo hướng ngày càng đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất và đời sống.

Tại một số địa phương như An Giang, Cần Thơ,… chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Đổi mới công nghệ – Năng suất chất lượng – Sở hữu trí tuệ đã góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp đã hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý nhà nước về KH&CN cũng như các đơn vị quản lý chuyên ngành khác trên địa bàn các địa phương của Vùng. Các nghiên cứu ứng dụng đã tạo ra một số công nghệ mới, được chuyển giao phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và người dân.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh nêu ra định hướng phát triển của Vùng ĐBSCL qua việc yêu cầu các Sở KH&CN đẩy mạnh nghiên cứu định hướng hoạt động KH&CN trong thời kỳ hội nhập để tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến đổi mới, ứng dụng phát triển công nghệ tạo ra doanh nghiệp công nghệ, phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tăng cường liên kết doanh nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm.

Bài, ảnh: Ngũ Hiệp

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ung-dung-khcn-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-va-phat-trien-kinh-te/