Đồng bằng sông Cửu Long trong cơn khát dai dẳng mùa khô: Để xóa đi nỗi ám ảnh hạn, mặn mỗi mùa khô (Bài cuối)

Mùa hạn, mặn năm nay đến muộn hơn mọi năm, kết hợp nắng gắt kéo dài khiến kênh, rạch cạn nước, ruộng đồng nứt nẻ, đường sá sụt lún, nhà dân đổ sập, cây trồng chết héo,... Hàng chục ngàn hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long mùa này phải trắng đêm hứng nước hoặc đội nắng mang can đi nhận nước hỗ trợ. Phóng viên Báo Long An đã có chuyến ghi nhận thực tế, khởi hành từ đầu tháng 4, kết thúc đầu tháng 5 tại các địa phương là 'điểm nóng', đã công bố tình trạng khẩn cấp gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Long An và các tỉnh khác như Sóc Trăng, Bến Tre để ghi lại câu chuyện của nông dân giữa mùa khát cháy.

Bài cuối: Để xóa đi nỗi ám ảnh hạn, mặn mỗi mùa khô

Đến hẹn lại lên, cứ mùa khô đến là người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại phải “oằn mình” chống hạn, mặn. Con đường nào để thoát nỗi ám ảnh triền miên này? Phóng viên (PV) Báo Long An đã có cuộc phỏng vấn Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện

PV: Thưa ông, mực nước sông Mekong năm nay không quá cạn kiệt, xâm nhập mặn không gay gắt như năm 2016 và 2020 nhưng vì sao mùa hạn năm nay có vẻ khắc nghiệt, tại vùng ven biển ở khu vực cửa sông Cửu Long có lúc mặn vẫn lấn sâu vào đất liền bằng năm 2016?

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện: Vùng ven biển ĐBSCL trong điều kiện tự nhiên bình thường, luôn luôn có một vành đai mặn vào mùa khô khoảng vài chục kilômét. Biên mặn-ngọt ven biển ở vùng cửa sông Cửu Long là sự tranh chấp của lực sông và lực biển. Khi nào sông yếu, biển mạnh thì mặn lấn sâu; khi nào biển yếu, sông mạnh thì mặn lùi ra phía biển. Biên mặn-ngọt dao động theo 4 loại chu kỳ: Chu kỳ ngày theo con nước lớn, ròng mỗi ngày 2 lần; chu kỳ tháng theo con nước rong, nước kém mỗi tháng 2 lần; chu kỳ năm theo mùa khô, mùa mưa mỗi năm 1 lần; chu kỳ nhiều năm theo chu kỳ ENSO của khí hậu. Năm nào có thời tiết El Nino mưa ít thì mặn lấn sâu; ngược lại, năm nào có La Nina mưa nhiều thì mặn bị đẩy ra phía biển.

Năm nay, ĐBSCL lại trải qua một mùa khô với thời tiết El Nino nắng nóng. Hạn, mặn năm nay đến khá muộn so với hàng năm vì mùa lũ năm 2023 đạt đỉnh muộn khoảng 1 tháng so với những năm trước. Do đó, phần đuôi của mùa lũ năm 2023 đã lấn sang đầu mùa khô năm 2024. Mực nước sông Mekong năm nay cũng không quá cạn kiệt. Đến tháng 3, nắng nóng và hạn, mặn bắt đầu gay gắt nhưng không cực đoan như mùa khô năm 2016 và năm 2020.

Có những lúc mặn thọc sâu vào đất liền theo các nhánh chính sông Cửu Long với khoảng cách tương đương năm 2016 nhưng đó là dao động theo thủy triều mà thôi. Không thể dùng khoảng cách mặn thọc vào nhất thời theo sông mà nói là hạn, mặn bằng năm 2016 được.

Việc mặn có lúc thọc sâu có thể do 2 nguyên nhân. Một là, thủy triều ven biển mùa khô năm nay cao hơn trung bình nhiều năm nên thủy triều đẩy mạnh hơn vào các cửa sông. Hai là, thủy triều không có không gian lan tỏa. Trước đây, thủy triều vào các cửa sông lan tỏa vào các sông nhánh, bị mất năng lượng nên vào chậm hơn và ít sâu hơn vào đất liền. Nay các nhánh sông ven biển đều có đê bao ven sông để ngăn triều và các cống ngăn mặn. Khi các cống đóng chặt thì thủy triều chỉ ở trong lòng sông chính nên thọc mạnh vào đất liền. Điều đó cho thấy, khi chúng ta càng cố thủ ngăn mặn ven biển thì chúng ta đã dịch chuyển vấn đề mặn vào sâu hơn trong đất liền.

Cống Cái Lớn tại tỉnh Kiên Giang

Cống Cái Lớn tại tỉnh Kiên Giang

Vùng bán đảo Cà Mau, nơi không hoặc ít nhận nước ngọt từ sông Cửu Long thì hạn, mặn vùng này chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng làm nguồn nước mưa bốc hơi nhanh, chứ không liên quan đến mực nước và thủy điện sông Mekong.

PV: Hiện có hơn 600 điểm sạt lở, sụt lún đường tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau và huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang khiến giao thông tê liệt, nhiều hộ dân phải mất nhà. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện: Hiện tượng sụt lún bên trong các vùng ngọt hóa như huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), khu vực Gò Công (tỉnh Tiền Giang) là không mới. Năm 2020, ở huyện Trần Văn Thời và Gò Công cũng đã xảy ra sụt lún nghiêm trọng vào mùa khô.

Nguyên nhân của hiện tượng sụt lún này khá đơn giản. Trước đây, các vùng này có 2 mùa mặn, ngọt. Mùa mưa thì ngọt nhờ nước mưa. Đến mùa khô, khi nước mưa bốc hơi hết thì còn lại nước mặn từ biển vào. Sau khi các vùng này được bao đê trữ nước mưa để ngọt hóa quanh năm thì nước mặn không còn vào nữa. Trong những năm El Nino khô hạn cực đoan, lượng nước mưa từ mùa mưa trước đã bị cạn kiệt ngay đầu mùa khô năm sau nên kênh, mương nội đồng bị cạn, có khi đáy kênh cũng nứt đất làm cho đất bị co ngót dẫn đến sụt lún toàn vùng. Ở những nơi đắp đất làm đường giao thông ven kênh thì sụt lún càng mạnh hơn, làm hư hại đường sá. Hiện tượng sụt lún ở vùng ngọt hóa Trần Văn Thời hoàn toàn không liên quan đến mực nước sông Mekong.

Trong bối cảnh nước biển ngày càng dâng cao hơn, cả đồng bằng đang chìm xuống và sự xuất hiện các năm El Nino nắng nóng cực đoan thường xuyên thì các vùng ngọt hóa này ngày càng mong manh hơn, khó duy trì được mãi.

Nắng nóng kéo dài làm kênh, mương ở Đồng bằng sông Cửu Long cạn trơ đáy

Nắng nóng kéo dài làm kênh, mương ở Đồng bằng sông Cửu Long cạn trơ đáy

Còn với tình trạng sụt lở đất ở huyện U Minh Thượng, khu vực này có 2 vòng đê bao, vòng trong là 8.000ha vùng lõi có nhiều than bùn, vòng ngoài bao là vùng đệm 21.000ha. Thời điểm than bùn còn sẽ ngậm nước nhiều, mùa khô sẽ nhả ra cho vùng đệm hưởng. Nhưng năm 2002, vùng lõi bị cháy, than bùn hư nhiều, có chỗ cháy sát đất nên khả năng ngậm nước của than bùn vùng lõi giảm nhiều.

Do vậy, khu vực vùng đệm phải tự mình trữ nước trong mùa khô, chứ không mong gì nước từ trong vùng lõi cung cấp ra trong mùa nắng được nữa. Trong bối cảnh ngày nay, khi El Nino nắng nóng kéo dài thì nước trong vùng đệm bốc hơi rất nhanh. Thêm nữa là hệ thống đê bao, ngày xưa khi làm đê là đào kênh lên rồi đắp; đào lớp đầu là than bùn, đắp xuống, đào các lớp dưới là đất sét đưa lên trên. Vậy nên, dưới chân đê là than bùn, nước thấm ngang thất thoát dưới chân đê làm giảm khả năng giữ nước. Từ đó làm cho vùng đệm U Minh Thượng bị cạn khô, đất tầng mặt bị co ngót giảm thể tích, sụp đất.

PV: Hiện các địa phương vẫn tiếp tục chống hạn, mặn bằng hệ thống công trình, đang cố “cãi lại tự nhiên”. Ông cho biết con đường nào để người dân đồng bằng thoát khỏi ám ảnh hạn, mặn triền miên?

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện: Con đường đã được vạch ra rồi nhưng chúng ta chưa chịu bước theo mà thôi. Quy hoạch tích hợp ĐBSCL mà Thủ tướng Chính phủ đã công bố vào tháng 6/2022 chia ĐBSCL thành 3 vùng. Vùng lõi ngọt ở phía thượng lưu là vùng luôn luôn có nước ngọt, kể cả những năm cực đoan. Vùng này ưu tiên cho cây lúa, cây trái, thủy sản nước ngọt. Tiếp đến là vùng lợ với chế độ nước luân phiên, nước ngọt vào mùa mưa có thể trồng lúa, nước mặn - lợ vào mùa khô. Ở vùng này, cần chuyển đổi hệ thống canh tác sang thuận theo nước lợ - mặn vào mùa khô. Vùng sát ven biển, mặn quanh năm thì phát triển hệ thống canh tác thích ứng với chế độ mặn quanh năm.

Vậy, để thích ứng với hạn, mặn cho ĐBSCL thì có 2 lựa chọn. Một là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục “chiến đấu” với hạn, mặn bằng công trình thì mỗi mùa khô, ĐBSCL sẽ lại “oằn mình” chống hạn, mặn và hạn, mặn sẽ là nỗi ám ảnh triền miên. Còn nếu thực hiện đúng phân vùng theo quy hoạch tích hợp ĐBSCL theo tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết số 120 thì không cần phải “oằn mình” chống hạn, mặn nữa mà còn có thể tận dụng cơ hội kinh tế của nước mặn - lợ.

Khi đã chuyển đổi sản xuất thuận theo mùa hạn, mặn, vấn đề còn lại là giải quyết nước sinh hoạt cho người dân. Việc này cần được tách riêng khỏi các công trình ngăn mặn phục vụ sản xuất, vì nước bên trong các công trình ngăn mặn bị tù đọng, ô nhiễm, không phù hợp cho sinh hoạt.

Để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt thì có nhiều cách đa dạng. Có những việc người dân nên tự làm ở hộ gia đình, còn việc ở quy mô lớn người dân không tự làm được thì Nhà nước nên ưu tiên có chương trình đầu tư.

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn về nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn về nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn

Ông bà ta xưa trong quá trình định cư ở vùng đất mới này vẫn sống được ở vùng ven biển mùa khô vì biết cách lo trước, trữ nước mưa trong lu, trong mương, đìa ở gia đình để sang mùa khô sử dụng. Kinh nghiệm này cần được phát huy. Ở cấp hộ gia đình hoặc cụm gia đình cũng có thể áp dụng các công nghệ đơn giản như màng lọc nano, bốc hơi nước biển. Nhà nước thì có thể làm hệ thống ao, hồ trữ nước, nhà máy lọc nước biển, đường ống cấp nước cho những vùng trong khoảng cách cho phép.

Nhu cầu nước sinh hoạt cho vùng ven biển là chuyện dĩ nhiên của mỗi mùa khô, do đó cần được ưu tiên, cần được chuẩn bị chứ không nên là sự bất ngờ vào mỗi mùa khô đến, càng không thể trông chờ vào việc “giải cứu” từng thùng nước mãi được.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Thanh Nga - Thường Sơn

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dong-bang-song-cuu-long-trong-con-khat-dai-dang-mua-kho-de-xo-a-di-no-i-a-m-a-nh-ha-n-ma-n-mo-i-mu-a-kho-bai-cuoi--a176209.html