Đồng Bằng Sông Cửu Long: Liên kết đã đến hồi bức thiết

Liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông nghiệp vùng Đồng Tháp Mười đang mang lại những hiệu quả tích cực. Ảnh: TRẦN LƯU

Hiệu quả liên kết “tiểu vùng Đồng Tháp Mười”

ĐBSCL là trung tâm chế biến thực phẩm lớn của Việt Nam, đóng góp hơn 40% trong giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp. Đây cũng là nơi khởi xướng nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng trong cả nước. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có 78.000ha đất sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn tạo được 25 dòng lúa giống chịu được khô hạn, nhiều tỉnh có tỉ lệ cơ giới hóa cao, đạt từ 95-98%...

Thế nhưng, trong quá trình phát triển, ĐBSCL đang chịu những tác động từ tự nhiên, đặc biệt là biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên nguy cơ “nhấn chìm” nhanh hơn dự báo. Những khó khăn trên buộc chúng ta phải tìm cách thích ứng, tuy nhiên cũng nên thấy rằng chính sự khó khăn này cũng tạo ra dư địa để cơ cấu lại phương thức sản xuất và quá trình tái cơ cấu nông nghiệp cần phải nhanh hơn, quyết liệt hơn. Đặc biệt, với nguồn tài nguyên ngày càng ít, sản xuất nhỏ lẻ, ứng dụng khoa học kỹ thuật thấp…

Từ đây, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã đề xuất xây dựng Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm 3 tỉnh: Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, được Chính phủ thống nhất và đánh giá cao. Sau thời gian thương thảo, các bên đã đi đến thống nhất khung Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười và nhận được sự đánh giá cao với việc liên kết này, thậm chí lãnh đạo tỉnh An Giang còn đề xuất thực hiện liên kết cho vùng tứ giác Long Xuyên, gồm: An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những thành tựu bước đầu đã có tại Đồng Tháp, như: Giảm tỉ lệ lao động trong nông nghiệp xuống còn 52,5%, giảm giá thành 600 đồng/kg lúa, thu nhập của người nông dân được nâng cao…

Liên kết chặt chẽ để phát triển

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp tạo ra “tác dụng kép” vì vừa có thể khắc phục được những hạn chế trong sản xuất, vừa ứng phó với những thách thức mới.

Đối với ĐBSCL, tái cơ cấu trở nên bức thiết hơn bao giờ hết do phải thích ứng với biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn nước. Tuy nhiên theo phân tích thì trong quá trình sản xuất cũng còn một số hạn chế do việc triển khai chưa đồng bộ, chậm đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, khả năng cạnh tranh thấp.

Theo GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, các địa phương cần phải phát huy vai trò của cộng đồng vào tái cơ cấu, nhất là phải gắn kết 3 khu vực: Nông nghiệp, công nghiệp và thương mại lại với nhau. Một khi vẫn còn riêng lẻ thì đồng nghĩa với việc nền kinh tế chưa có sức cạnh tranh. PGS-TS Nguyễn Văn Sánh (Trường ĐH Cần Thơ) cũng cho rằng, việc cạnh tranh hiện nay vẫn còn yếu, trong khi đó, chúng ta lại bỏ quên những thị trường nội địa như Hà Nội, TPHCM, vốn có sức tiêu thụ rất lớn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các địa phương tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, đồng thời phối hợp với Bộ NNPTNT lựa chọn các sản phẩm chủ lực để phát triển chuỗi và xây dựng thương hiệu.

Tại hội nghị, lãnh đạo 3 tỉnh đã ký kết biên bản thỏa thuận thực hiện đề án với mục tiêu xây dựng và phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười trở thành vùng trọng điểm quốc gia về nông nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các địa phương không đặt ra vấn đề liên kết toàn diện mà chỉ hợp tác dựa trên những tương quan của vùng Đồng Tháp Mười.

TRẦN LƯU

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/dong-bang-song-cuu-long-lien-ket-da-den-hoi-buc-thiet-596164.bld