Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở đe dọa (Bài 2)

Từ vùng đất trù phú được cát, phù sa thượng nguồn Mekong bồi đắp với lịch sử 6.000 năm; khoảng 20 năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long dần rơi vào tình trạng bất ổn. Hệ thống thủy điện dày đặc ở thượng nguồn Mekong đã làm giảm cát, phù sa về hạ nguồn. Cộng với việc khai thác quá mức khiến nguồn cát sông bị thâm hụt, tình trạng lở vì thế bắt đầu nhiều hơn bồi. 'Vựa lúa' miền Tây (chiếm 50% sản lượng cả nước) cùng sinh kế của trên 17 triệu người dân đồng bằng đang bị đe dọa.

Bài 2: Vòng lẩn quẩn 'cát múc lên, nhà đổ xuống'

Nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là do thiếu cát và phù sa từ thượng nguồn. Trong khi dòng sông đã và đang nghèo cát, lại phải tiếp tục chia sẻ cho hoạt động xây dựng lẫn bị hút trộm, tạo nên vòng lẩn quẩn “cát múc lên, nhà đổ xuống”, đe dọa đời sống người dân 2 bên bờ sông.

“Điểm nóng” sạt lở ở thượng nguồn

Anh Nguyễn Văn Nghĩa dọn dẹp căn nhà bị sạt lở

Anh Nguyễn Văn Nghĩa dọn dẹp căn nhà bị sạt lở

Trong cơn mưa chiều, anh Nguyễn Văn Nghĩa (32 tuổi) cùng nhóm thợ tranh thủ tháo dỡ những gì còn sót của căn nhà sau vụ sạt lở xuống bờ rạch Ông Chưởng, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang hồi giữa tháng 5/2023, một trong các điểm “nóng” sạt lở của tỉnh An Giang. Cạnh nhà anh Nghĩa, người hàng xóm cũng đang xoay xở giữa đống đổ nát từ các mảng bê tông căn nhà cũ vừa bị đập bỏ đem đi. Anh Nghĩa làm nghề cơ khí, sống cùng cha mẹ, mỗi ngày, họ bày bán quán ăn trước nhà. Một tháng trước, vợ chồng em gái anh cùng đứa con nhỏ thất nghiệp ở tỉnh Bình Dương do bị công ty sa thải sau đại dịch Covid-19 cũng về ở tạm. “Họa vô đơn chí”, căn nhà tiếp tục lở mất, họ phải dắt nhau tá túc nhà người quen.

Bờ sông ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã được kè kết hợp công viên cây xanh sau 6 năm bị sạt lở. Đây là một trong những điểm sạt lở nghiêm trọng nhất ở miền Tây, nhấn chìm 16 căn nhà và đe dọa hàng trăm căn nhà khác

Bờ sông ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã được kè kết hợp công viên cây xanh sau 6 năm bị sạt lở. Đây là một trong những điểm sạt lở nghiêm trọng nhất ở miền Tây, nhấn chìm 16 căn nhà và đe dọa hàng trăm căn nhà khác

Là tỉnh đầu nguồn Mekong, An Giang hiện có trữ lượng cấp phép khai thác cát lớn thứ 2 ĐBCSL với gần 58 triệu m3, chỉ sau tỉnh Sóc Trăng với trên 64 triệu m3. An Giang là tỉnh có 75 điểm sạt lở (chỉ sau tỉnh Cà Mau 86 điểm) với chiều dài trên 93km. Đây cũng là tỉnh có khối lượng xói lở đứng đầu miền Tây, giai đoạn 2020-2022 với trên 3,2 triệu m3.

Theo Ủy hội sông Mekong, từ năm 1992 đến 2014, phù sa mịn tại hạ nguồn đã giảm khoảng 50%, từ 160 triệu tấn mỗi năm xuống còn 85 triệu tấn. Nguyên nhân là các đập thủy điện được xây dựng dày đặc ở thượng nguồn. Tổ chức này dự báo phù sa mịn tiếp tục giảm xuống còn 42 triệu tấn, sau khi xây xong 11 đập thủy điện ở hạ lưu. Nếu không có giải pháp can thiệp, sẽ chỉ còn 4,5 triệu tấn trầm tích đổ về ĐBSCL đến năm 2040.

Dữ liệu của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam - WWF năm 2020 cũng cho thấy, mỗi năm, khối lượng cát đổ về ĐBSCL khoảng 6,18-7 triệu tấn. Trong khi đó, khối lượng cát khai thác khoảng 28-40 triệu tấn mỗi năm. Cùng với lượng cát đổ ra biển khoảng 6,5 triệu tấn, mỗi năm, đồng bằng bị thâm hụt từ 27,5-40 triệu tấn. Điều này có nghĩa, kể cả hoạt động khai mỏ hợp pháp cũng là nguyên nhân đang dần khiến 47,29% diện tích ven biển của đồng bằng biến mất vào cuối thế kỷ XXI, theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường 3 năm trước.

Giữ cát cho dòng sông

Nguồn cát thâm hụt, cộng với tình trạng khai thác quá mức đã biến dòng Mekong hiền hòa trở nên “đói khát”, “dữ tợn” hơn. Hậu quả là cuối năm 2021, ĐBSCL có 621 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 800km. Khoảng 500ha đất bị cuốn trôi, tương đương diện tích một xã mỗi năm.

“Tình trạng sạt lở ở miền Tây sẽ gia tăng trong tương lai nếu không có các giải pháp ứng xử phù hợp” - thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, nhận định.

Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, phù sa sông Mekong từ thượng nguồn đổ ra biển tạo thành một vùng nước đục khoảng 20-30km tính từ bờ ra, nặng hơn nước trong. Khu vực này được ví như “chiếc áo giáp” của đồng bằng, trong điều kiện sóng to, lớp nước sẽ giảm sức mạnh đánh vào bờ. Phù sa mất, “áo giáp” bị mỏng, khi sóng đánh vào sẽ nạo vét lấy bớt của bờ, vô sâu vào các cửa sông tạo ra sạt lở.

Trong khi việc khai thác cát hợp pháp đang là bài toán khó, các tỉnh ĐBSCL còn phải nỗ lực chống lại tình trạng khai thác cát trái phép.

Cùng chung dòng sông Tiền với tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, nạn “cát tặc” tại Tiền Giang những năm qua là vấn đề nhức nhối. Cuối năm 2009, một thanh tra viên Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang bị “cát tặc” tấn công, rơi xuống sông tử vong trong lúc cùng lực lượng cảnh sát truy bắt ghe hút cát.

Đại tá Nguyễn Văn Lộc - Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, thông tin, từ đầu năm 2023 đến nay, công an xử lý 76 vụ, khởi tố 3 vụ án, bị can; phạt 134 người, xử phạt hành chính trên 8 tỉ đồng, tăng 16 vụ so cùng kỳ năm trước. Số vụ vi phạm nhiều, tuy nhiên, thông tin từ Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang, từ năm 2018 đến nay, chỉ mới xét xử 2 vụ án liên quan đến “cát tặc”. Lý giải nghịch lý này, ông Lộc cho biết do vướng phải kẽ hở pháp lý.

Đại tá Nguyễn Văn Lộc phân tích, về mặt bản chất, hành vi hút cát cũng như các hành vi trộm cắp khác. Tuy nhiên, Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định cơ quan chức năng phải chứng minh được hành vi hút cát phải thu lời bất chính từ 100 triệu đồng trở lên hoặc số khoáng sản tang vật phải có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên mới xử lý hình sự được.

“Một người trộm cắp con trâu, bò có giá trị vài triệu đồng thì xử lý hình sự được, còn “cát tặc” thu lợi bất chính rất lớn nhưng biết lách luật nên khó xử lý” - Đại tá Nguyễn Văn Lộc nói.

Ngoài ra, theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, thủ đoạn khác của “cát tặc” là chủ tàu thường làm hợp đồng cho một người không có tài sản gì thuê các phương tiện hút cát, lực lượng chức năng vì vậy khi phát hiện nhưng không thu giữ được phương tiện. Công an tỉnh Tiền Giang đang tham mưu UBND tỉnh có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND cấp xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát tại địa bàn phải bị xử lý trách nhiệm.

Căn nhà của ông Nguyễn Văn Tiến bị sạt lở đe dọa, hàm ếch đã tiến sát nền nhà

Căn nhà của ông Nguyễn Văn Tiến bị sạt lở đe dọa, hàm ếch đã tiến sát nền nhà

Cách thượng nguồn An Giang trên 150km, giữa tháng 9/2023, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (60 tuổi, ngụ xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nhờ hàng xóm dùng các tấm bạt phủ kín bờ sông phía trước nhà. Hồi tháng 2, gia đình ông Tiến lâm cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi sạt lở bờ sông Trà Lọt (cách sông Tiền 1km) ngoạm mất con đường cùng hàng cây trồng, khoét sâu vào đến tận cửa nhà. Trước mặt là “hà bá”, phía sau không còn đất để di dời, gia đình ông chỉ còn biết cố thủ bằng những gì có thể tận dụng được như cặm cừ tràm, thả lục bình chắn sóng. Đang mùa nước lũ về, chân đất yếu, căn nhà của gia đình ông có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Văn Tiến phải kê giường ngoài mái hiên nhà để ngủ vì sợ sạt lở

Ông Nguyễn Văn Tiến phải kê giường ngoài mái hiên nhà để ngủ vì sợ sạt lở

“7 tháng nay, tui với bả không dám ngủ trong nhà, phải kê giường ra mé chái ngủ để lỡ có sạt lở nhà thì chạy còn kịp” - ông Tiến buồn rầu nói.

(còn tiếp)

Thanh Nga - Thường Sơn

Bài cuối: “Cãi nhau” với thiên nhiên thường phải trả giá đắt!

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dong-bang-song-cuu-long-bi-sat-lo-de-doa-bai-2--a164089.html