Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở đe dọa (Bài 1)

Từ vùng đất trù phú được cát, phù sa thượng nguồn Mekong bồi đắp với lịch sử 6.000 năm; khoảng 20 năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long dần rơi vào tình trạng bất ổn. Hệ thống thủy điện dày đặc ở thượng nguồn Mekong đã làm giảm cát, phù sa về hạ nguồn. Cộng với việc khai thác quá mức khiến nguồn cát sông bị thâm hụt, tình trạng lở vì thế bắt đầu nhiều hơn bồi. 'Vựa lúa' miền Tây (chiếm 50% sản lượng cả nước) cùng sinh kế của trên 17 triệu người dân đồng bằng đang bị đe dọa.

Bài 1: Tiền của trôi sông

Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra 145 vụ sạt lở đất, trên 130 căn nhà trôi xuống sông, thiệt hại trên 30 tỉ đồng tính từ đầu năm 2023 đến nay.

Sạt lở đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long (Trong ảnh: Công nhân thi công khắc phục sạt lở Quốc lộ 91 qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang hồi tháng 6/2023)

Phận đời bị sạt lở đeo bám

Anh Nguyễn Hoàng Lâm quê gốc ở miệt cù lao An Bình (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), năm 15 tuổi, vì kế mưu sinh phải tha hương đến Long An và “bén rễ” tại xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc. Sau nhiều năm tích cóp, hơn 10 năm trước, anh lập gia đình, xây 3 ki-ốt sát bờ sông Cần Giuộc, hành nghề sửa máy, có 2 con, cuộc sống đã ổn định. “Năm ngoái, tôi có dịp về lại quê cũ, nghe tin nơi đây bị sạt lở mất nhà, cứ nghĩ bản thân dù ly hương nhưng vẫn còn may mắn” - anh Lâm nói.

Vụ sạt lở mà anh nhắc đến xảy ra chiều ngày 05/12/2022. Ông Hà Văn Lân (Chín Lân) khi đó đang chăm sóc vườn cây dọc sông Cổ Chiên. Ông Lân là cán bộ về hưu, quê thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Ba năm trước, ông dùng tiền để dành, vay thêm ngân hàng và mượn bạn bè tổng cộng trên 1 tỉ đồng, hùn hạp với bạn thuê đất nuôi cá, trồng 2.500 gốc mít ruột đỏ cùng 300 gốc sầu riêng ở cù lao An Bình. Theo cách tính của ông, mỗi năm 2 vụ cá, bán trên 100.000 đồng/kg, trừ chi phí cũng lãi sơ sơ gần 2 tỉ đồng, chưa tính nguồn thu từ cây mít, sầu riêng.

Ông Hà Văn Lân kể lại vụ sạt lở

Phát hiện mực nước dưới mương dâng cao bất thường khi đang làm vườn, ông Lân chạy đến bờ sông, phát hiện con đê đã vỡ, nước bên ngoài tràn vào như lũ, từng mảng đất lớn cùng nhà dân bắt đầu rơi xuống sông.

Trong phút chốc, mọi thứ xung quanh chìm trong biển nước. Không biết bơi, ông cố dò dẫm trong khu vườn ngập nước rộng 2,6ha để đến nơi cao hơn. Nhìn 2 ao nuôi cá chốt 6.000m2 với 18 tấn cá chỉ còn 2 tuần nữa thu hoạch cùng khu vườn trôi theo dòng nước, người đàn ông 64 tuổi ứa nước mắt trong bất lực. Cùng cảnh ngộ với ông Lân, gần 60 người dân tại ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long với 13 căn nhà cùng 15ha vườn cây, ao cá bị “hà bá” nuốt chửng.

Hơn một năm rưỡi sau sự cố sạt lở cù lao, ở cách xa cố hương hơn 150km, vậy mà, gia đình anh Nguyễn Hoàng Lâm vẫn tiếp tục rơi vào cảnh ngộ bị sạt lở đeo bám.

Chiều ngày 09/6/2023, từ một khe hở nhỏ bằng bàn tay chạy dọc Đường tỉnh 826C, vết nứt sau đó rộng dần với chiều dài gần 40m. Đất bắt đầu sụt lún trong tích tắc, dãy ki-ốt của anh Lâm cùng các căn nhà dạng ki-ốt của người hàng xóm trôi xuống sông. “Tôi chỉ kịp vớt vát một số đồ đạc nhẹ đem ra ngoài, còn lại máy tiện, hàn lẫn máy dầu khách gửi lại tiệm đều chìm sâu dưới nước, may mắn không ai bị gì” - anh Lâm bàng hoàng nhớ lại.

Hai tháng sau sự cố, đoạn đường tỉnh cặp sông Cần Giuộc đã được “vá lành” nhưng ký ức buồn với gia đình anh Lâm vẫn là vết thương “hở” khi tài sản thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Cả nhà sau đó phải thuê 1ha đất ở gần khu nhà cũ để nuôi tôm, cho 2 con đang học lớp 1 và lớp 8 tiếp tục đến trường. Anh bắt đầu lại mọi thứ ở tuổi 43.

Căn nhà của gia đình anh Lâm nằm trong số 11 vị trí sạt lở, dài trên 2km tại các huyện: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa (tỉnh Long An), tổng thiệt hại ước tính hàng chục tỉ đồng.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần thông tin: Tỉnh đang xin chủ trương đầu tư 16 dự án bờ kè chống sạt lở bờ sông với tổng kinh phí gần 4.000 tỉ đồng.

Không nhà

Nhìn từ trên cao, dãy đất cù lao An Bình (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) tựa như cánh diều no gió. Ẩn dưới tán xanh bạt ngàn của vườn nhãn, chôm chôm yên bình nơi đây là hiện trường của 2 vụ sạt lở đất quy mô lớn nhất, nhì ở miền Tây. Hơn 200 năm trước, nơi này còn được gọi là cù lao Bích Trân.

Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí đã mô tả về dãy cù lao với hình ảnh đầy mỹ lệ: “Ở phía Bắc trấn thành, chu vi 12 dặm, sắc cây xanh biếc, ánh nước long lanh như ngọc bích. Lại có tên là Bát Tân, ý nói bến nước thông cả tám hướng. Nơi này làm cồn cát giữ cửa cho sông Long Hồ, hai bên khép lại như cái vạt áo ôm vòng quanh, hai thôn Bình Lương và An Thành ở đó. Bên bờ có những ngư dân phơi lưới, treo tơi, làm nên cảnh ngọn rừng, gốc cây ẩn hiện. Sông thu thuyền câu giỡn nguyệt, hát hò dưới rặng bần, lênh đênh bên cồn cát trắng, bập bềnh qua lại, tạo lên lạc thú của dân chài”.

Cuối năm 2012, cù lao An Bình không còn đúng như tên gọi vốn có với vụ sạt lở đất đầu tiên ven sông Tiền, cuốn trôi 4 ao cùng 23 bè cá của 8 hộ dân. Mười năm sau, “kịch bản” sạt lở tiếp tục lặp lại ở phía bên này sông Cổ Chiên, nơi khu vườn của ông Lân, cách vị trí cũ khoảng 10km.

Hơn nửa năm sau sự cố sạt lở, được sự hỗ trợ từ mạnh thường quân, phần lớn người dân đã xây cất nhà mới. Gia đình anh Võ Minh Thảo (48 tuổi) không có đất đai nên phải ở trọ chờ nền tái định cư. Đứa con trai nhỏ cùng mẹ già khoảng 90 tuổi được anh gửi nhờ nhà người chị chăm sóc. Thương mẹ già, từ sau vụ sạt lở mất nhà đến nay, anh vẫn chưa dám cho bà biết sự thật, mỗi lần được hỏi chỉ nói dối do Nhà nước xây bờ kè nên phải tạm di dời.

“Trong nửa năm, tôi phải dọn nhà trọ đến 4 lần” - anh Thảo nói trong khi cùng vợ cố sắp xếp lại “núi” đồ đạc trong căn phòng trọ mới. Căn phòng 20m2, nằm sâu trong hẻm nhỏ ở phía bên kia sông Cổ Chiên, TP.Vĩnh Long, cách nhà cũ 5km. Phòng trọ mới chật hẹp, gồm một phòng ngủ, gian bếp cùng khoảng gác lửng với giá thuê 1,5 triệu đồng. Anh Thảo cùng vợ cố thu xếp chỗ tạm cư để dành ra một góc nhỏ kê bàn thờ cha, sau đó sẽ đón 2 người thân sang ở cùng.

Anh Võ Minh Thảo cùng vợ trong căn nhà trọ

6 giờ, trong khi vợ lội bộ bán vé số, anh Thảo chạy xe máy trên 2km đến dán tường cho một khách sạn. Gần 3 tiếng sau, hoàn thành công việc, anh tiếp tục hành trình thêm 15km, đến xã Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) dọn cỏ, xịt thuốc cho vườn nhãn, chanh của người quen. 13 giờ, chiếc xe máy cà tàng quen thuộc lại vụt ra con hẻm nhỏ, hướng về phía phà An Bình. Trên tay cầm xấp vé số, anh đợi phà qua sông mời khách mua ủng hộ. Bán hết trên 200 tờ vé số, anh tranh thủ tạt qua nhà chị thăm con, thăm mẹ, rồi mệt nhoài trở lại phòng trọ khi phố đã lên đèn. Bữa cơm tối với duy nhất món cá kho được hai vợ chồng lùa vội vàng. Họ cần để dành sức chuẩn bị cho hành trình lặp lại hôm sau.

Từ khi “khu vườn dưỡng già” trôi xuống sông Cổ Chiên, ông Chín Lân buồn rầu trở về quê cũ cách đó 60km. Dù được mạnh thường quân hỗ trợ một số vốn nhưng vẫn không đủ bù vào số tiền ông nợ ngân hàng, bạn hàng cùng đại lý thức ăn trên 1 tỉ đồng. Hay tin ông Chín Lân gặp nạn, một người bạn cũ thương tình thuê làm người chăm sóc vườn sầu riêng, trả lương 4,5 triệu đồng/tháng. Căn nhà lở mất, chủ cũng biệt tăm, mấy tháng qua, bầy chó 7 con giữ vườn của ông Chín Lân lâm cảnh bơ vơ, gầy rộc, ban ngày sống chui lủi trong bụi cỏ, ban đêm mới mò ra ngoài tìm thức ăn. Nhiều người thương tình cố tiếp cận để chăm sóc nhưng đều thất bại do chúng quá dữ, hay tấn công người lạ.

“Trận lở đất đã khiến mọi thứ giờ đây không còn gì chắc chắn nhưng điều chắc chắn là tôi đã già và không thể gầy dựng lại tất cả một lần nữa” - ông Chín Lân rưng rưng nói./.

(còn tiếp)

Thanh Nga - Thường Sơn

Bài 2: Vòng lẩn quẩn “cát múc lên, nhà đổ xuống”

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dong-bang-song-cuu-long-bi-sat-lo-de-doa-bai-1--a164029.html