Donal Trump và những quan điểm gây tranh cãi đối với công nghệ

Theo tờ New York Times, ông Donal Trump không sử dụng máy tính. Năm 2007, ông còn chưa sử dụng email. Việc không am hiểu công nghệ có thể là lý do khiến các chiến dịch quảng cáo trên mạng của ông tiêu tốn rất nhiều tiền nhưng mang lại hiệu quả không cao.

Theo phân tích của một số chuyên gia, việc Donal Trump lên làm tổng thống có thể khiến một số công ty công nghệ lớn của Mỹ gặp khó khăn do những quan điểm "không thân thiện" với giới công nghệ của ông Trump thể hiện trước đây.

Đầu năm 2016, ông Trump kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Apple sau khi công ty này từ chối hợp tác với cơ quan điều tra liên bang Mỹ trong vụ mở khóa iPhone 5C của phần tử khủng bố Syed Rizwan Farook, kẻ đã gây ra vụ xả súng tại thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ) khiến 14 người chết và ít nhất 21 người bị thương vào tháng 12/2015.

Trump cũng gây ác cảm đối với Apple khi tuyên bố nếu lên làm tổng thống, ông sẽ bắt phải đưa dây chuyền sản xuất của Apple từ Trung Quốc về Mỹ để tạo thêm công ăn việc làm và nguồn thuế trong nước.

Trước đó, Trump cũng đã buộc tội tỷ phú Jeff Bezos, CEO của Amazon đã cố tình độc quyền ngành bán lẻ trực tuyến. Ngoài ra, ông cho rằng Amazon là “một công ty không có lợi nhuận”. Đáp trả lại chỉ trích của Donald Trump, Jeff Bezos đã gọi Donald Trump là “rác rưởi” và muốn tống khứ vị ứng viên Tổng thống này lên vũ trụ.

Ngoài ra, chính sách chống nhập cư của Trump cũng đi ngược lại những quyền lợi căn bản nhất của ngành công nghệ. Đồng sáng lập Apple Steve Wozniak đã viết trong một bức thư gồm hơn 140 nhà lãnh đạo doanh nghiệp ý phản đối ông Trump tranh cử tổng thống với nội dung: “Tầm nhìn của ông ta đi ngược lại những ý tưởng hội nhập, tự do di chuyển lao động và gắn kết sản xuất với thế giới bên ngoài - những điều không những giúp cung cấp một nền tảng vững trãi để sáng tạo và tăng trưởng mà còn rất quan trọng đối với nền kinh tế”.

Giờ chúng ta hãy cùng điểm qua một số lĩnh vực trong ngành công nghệ và quan điểm của vị tân tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

An ninh mạng

Trump cho biết cải thiện an ninh mạng sẽ là một ưu tiên hàng đầu trong chính phủ của ông. Ông sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp để "tạo ra một lực lượng phối hợp nhiệm vụ" với các liên bang, tiểu bang, và thực thi pháp luật địa phương "để đè bẹp sự phát triển của tội phạm vẫn đang phát triển tại khu vực này". Ông sẽ thành lập một nhóm "kiểm soát viên" thế giới mạng để kiểm tra, giám sát các hệ thống CNTT hiện có của chính phủ và thiết lập một chương trình đào tạo cho các nhân viên chính phủ.

Chỉ cấp thị thực cho những lao động có tay nghề

Trong một cuộc tranh luận ngày mồng 3 tháng 3 vừa qua, Trump cho biết "chúng ta hoàn toàn có thể giữ được sức mạnh trí tuệ ở đất nước này", khi được hỏi về chương trình visa H-1B cho công nhân có tay nghề cao. Sau đó ông nói rằng "chương trình H-1B sẽ làm chặt chẽ hơn, hoặc là có tay nghề cao hoặc là không được nhập cư" thay vì hiện nay được dùng để tận dụng nhập khẩu lao động nước ngoài với mức lương trả ít hơn. "Tôi hoàn toàn cam kết sẽ loại bỏ tràn lan, phổ biến việc lạm dụng chương trình H-1B." Các công ty Mỹ cần được yêu cầu "ưu tiên thuê công nhân Mỹ đầu tiên trước mỗi chương trình cấp thị thực và nhập cư," ông nói.

Tự do Internet

Trong một cuộc tranh luận hồi tháng 12/2015, Trump cho biết ông sẽ đóng cửa một số bộ phận của Internet. Ông cho biết muốn gặp Bill Gates để tìm biện pháp ngăn cản những tác động xấu của Internet, một trong những giải pháp ông Trump nghĩ đến là đóng cửa Internet. "Nếu có ai đó nói về tự do ngôn luận, đó là những kẻ ngu ngốc", ông phát biểu.

"Cuộc sống của chúng ta chắc chắn sẽ như địa ngục nếu chúng ta không có những giải pháp để ngăn cản những kẻ muốn giết chúng ta, giết đất nước này thông qua sử dụng Internet", Trump nói. "Tổ chức nhà nước hồi giáo cực đoan IS đã tận dụng tốt công cụ Internet để làm nhiều điều bất lợi với nước Mỹ và tôi muốn ngăn cản điều đó."

Sự bình đẳng của Internet (Neutrality net)

Giống như nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa khác, Trump không phải là một fan hâm mộ của quy tắc của Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC). Sau khi Tổng thống Obama đã đẩy mạnh việc tái phân loại lại công nghệ băng rộng như một dịch vụ viễn thông từ tháng 11 năm 2014, Trump đã đăng trên Twitter của ông rằng đây là động thái "một người khác lấy quyền lực áp từ trên xuống."

Giáo dục khoa học máy tính

Khi được phỏng vấn bởi trang ScienceDebate.org về cách chúng ta trang bị kiến thức cho học sinh có thể làm tốt những công việc của thế kỷ 21, đặc biệt là những người làm trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), Trump đã không trực tiếp trả lời các câu hỏi, thay vì lập luận rằng sự kiểm soát của nhà trường nên dừng ở cấp tiểu bang và liên bang, không phải trong tay của Bộ Giáo dục.

Quản lý Internet

Ông Trump cho rằng Mỹ không nên trao quyền kiểm soát Internet cho Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế. Việc một số nước áp đặt kiểm duyệt Internet như Trung Quốc, Triều Tiên và Nga sẽ khiến cho tự do Internet biến mất. Theo ông Trump, Mỹ mới là nước nên giữ quyền giám sát Internet trên toàn cầu.

Hải An (Theo PCMag)

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201611/donal-trump-va-nhung-quan-diem-gay-tranh-cai-doi-voi-cong-nghe-546841/