Đón xuân Nhâm Dần 2022 - Nghĩ về cây lúa quê tôi

Sóc Trăng vào Xuân, dưới ánh nắng hanh vàng, có cái lành lạnh hanh khô và ngọt ngào của những ngày xuân mới chớm, là mùa của những cơn gió nồm nam thỉnh thoảng pha lẫn, theo quy luật muôn thuở của tạo hóa bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông.

Tôi hít căng vào lồng ngực làn không khí trong lành buổi sáng xuân, trong làn gió ban mai để cảm nhận được vị hương đồng nội, mặn nồng, đặc trưng của vùng đất Sóc Trăng thân thương!

Trời đất Sóc Trăng mênh mang đang vào xuân. Lúa xanh rờn trên mọi cánh đồng. Muôn ngàn loài cây đua nhau đâm chồi nẩy lộc, ra hoa kết trái. Trong nắng mới của những ngày đầu xuân mới, trời se se lạnh. Sức sống đang bừng lên nơi đây từ ngàn vạn cây xanh, lộc biếc, từ triệu triệu lá lúa non xanh tươi.

Lúa chín chờ ngày thu hoạch. Ảnh: TLC

Vùng đất Sóc Trăng vốn nguyên sơ đã được biển cả bồi đắp tự ngàn xưa... Từ đời này qua đời khác, đất gồng mình lên đón nhận những trận bão giông, lụt lội chà đi, xát lại và cứ vậy âm thầm tự nguyện, chắt chiu những gì tinh túy nhất, hiến dâng cho cây lúa quê hương, nền văn hóa nước sinh tồn vĩnh cửu. Ôi màu xanh của cánh đồng lúa Trường Khánh! Cái màu xanh mỡ màng làm lòng người xao động đến hờn ghen bởi những cánh đồng thẳng cánh cò bay của Châu Thành, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề... có phải đây là những hình ảnh phản chiếu mạch máu ngầm đất đai ký thác, làm cho cuộc sống thanh bình êm ả và ngày một ấm no, không phụ công “một nắng, hai sương” của người dân Sóc Trăng quê tôi?

Là một người con Sóc Trăng, trong tiềm thức sâu thẳm của tôi đã lớn lên cùng cây lúa. Vâng! Chính cây lương thực này là cứu cánh của ba, mẹ tôi và của bà con, cô bác quê tôi và ngàn vạn gia đình sinh sống trên mảnh đất này. Cây lúa đã góp phần chủ lực cho người nông dân vừa nuôi sống bản thân, vừa tích lũy dựng nhà cửa, xây trường học và nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phúc lợi công cộng, tạo dựng bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới. Cũng từ cây lúa, những người cha, người mẹ chân lấm tay bùn đã nuôi con cái ăn học nên người. Tính đến nay, con em Sóc Trăng đã có hơn 25.000 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhiều người là tiến sĩ, thạc sĩ... đã và đang phục vụ khắp mọi miền đất nước...

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, cây lúa cũng đã góp phần “đánh giặc” giải phóng quê hương. Nhớ thời chống Pháp và Mỹ, hàng nghìn tấn lương thực phụ nuôi quân, phục vụ cho kháng chiến. Những ai đã từng “Ăn bát cơm dẻo, uống nước dòng Nguyệt Giang” để không bao giờ quên thời khắc oai hùng của lịch sử và tấm lòng các mẹ, các chị nơi đây! Trong mịt mù khói bom, đạn lửa, cây lúa Sóc Trăng vẫn hiên ngang mọc lên từ “đất lửa” để trĩu hạt, thơm bông. Hạt lúa, hạt gạo Sóc Trăng thời đó thấm cả mồ hôi lẫn máu. Hạt gạo cắn làm ba, chia sẻ cho nhau với bao tình nghĩa ruột thịt, thân thương!

“Sóc Trăng gạo trắng, nước trong...” không phải ngẫu nhiên mà câu ca dao mới khi nói về Sóc Trăng đã đưa ra hai khái niệm “Gạo” và “Nước”. Nước Sóc Trăng thì ai cũng đã biết có ba vùng đặc trưng phong phú, đa dạng thiên nhiên ban tặng mà nơi khác không có, đó là: nước ngọt, nước lợ và mặn. Còn về lúa, gạo, trong năm 2020 diện tích gieo trồng 338.366ha, sản lượng lúa ổn định trên 2 triệu tấn, trong đó, sản lượng lúa đặc sản chiếm 41% (năm 2016) tăng lên 52% diện tích canh tác, sản lượng đạt gần 1,1 triệu tấn (năm 2020), vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra (nghị quyết đề ra 40%). Đặc biệt, tại Hội nghị quốc tế về thương mại lúa gạo lần thứ 9 tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc) năm 2017, gạo ST24 đạt “Top 3 gạo ngon nhất thế giới”; tiếp đến năm 2019, 2020 gạo ST25 đạt giải nhất, nhì cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” được tổ chức tại Manila (Philippines). Kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,15%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.110 USD, Sóc Trăng đạt được những thành tựu như vậy, cũng là nhờ công lao đóng góp của cây lúa, hạt gạo... Tự hào thay cây lúa quê tôi!

Để làm ra hạt lúa, người nông dân một nắng hai sương đã bỏ biết bao công sức, mồ hôi và cả những nỗi lo toan đến thắt ruột, cháy lòng! Thuở thiếu thời, tôi vô tình giẫm chân lên hạt cơm rơi, mẹ tôi liền nghiêm nét mặt “Đừng làm vậy con, hạt cơm là hạt ngọc nhà Trời đó!”. Ví hạt cơm với “ngọc”, mẹ tôi đã đánh giá loại lương thực này ở nấc thang cao nhất trong mọi sản vật. Cũng không ngoa, khi người dân quê tôi đã quy đổi mọi thứ thượng vàng, hạ cám từ ký thịt heo đến chiếc xe Honda đời mới đều bằng lúa! Khi hạt lúa đã thấm đẫm mồ hôi thì giá trị của nó thật lớn lao biết bao.

Chén cơm mới. Ôi vị hương nồng nàn mùi cơm mới! Đầy quyến rũ và nôn nao biết bao nhiêu khi ta cầm chén cơm gạo mới trên tay. Ở đó, ta cảm nhận được vị phù sa như vừa mới hắt ra; vị mặn chát của mồ hôi người cầm cày, cầm cuốc sớm hôm, nhọc nhằn, tần tảo; vị đắng chát của bao lo nghĩ khi sắp đến mùa thu hoạch mà cây lúa còn vương hơi hướng của thiên tai, địch họa...

Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa quên hình ảnh cha, anh tôi ngâm mình dưới ruộng sâu cùng con trâu cày ruộng, mặc trời mưa hay nắng, khắp người vẫn thấm đẫm mồ hôi, nhuộm đầy bùn đất, hầu mong lấp được gốc năn, gốc lác, cỏ dại. Mẹ, chị và cô dì tôi còng lưng cắm vào lòng đất không chỉ là những cây mạ non xanh mà cắm cả vào đất với niềm hy vọng, với bao thấp thỏm mong chờ, mừng vui với mùa thu hoạch bội thu. Khái niệm “Con trâu đi trước, cái cày theo sau” này, lớp trẻ bây giờ chắc không hiểu nổi, nhưng nó đã tồn tại ở mảnh đất Sóc Trăng này từ mấy trăm năm nay, và nhờ nó mà biết bao thế hệ con em Sóc Trăng được lớn lên, trưởng thành và thậm chí không ít người đã trở thành người “hiền, tài” của quê hương, đất nước! Còn nhớ những năm thuộc thập kỷ 80 của thế kỷ 20 trở về trước, đói ăn, đứt bữa vào các tháng giêng, hai là “chuyện thường ngày” ở mảnh đất này... Sau những chuyển đổi cơ chế, khoán 100 (năm 1981) và sự thay đổi mang lại những tiền đề quan trọng dẫn đến Nghị quyết số 10-NQ/TW (khoán 10) được Bộ Chính trị ban hành năm 1988, nhất là sau Nghị định 64 của Chính phủ, ngày 27-9-1993 về việc giao đất lâu dài cho người nông dân đã tạo được sự thông thoáng cần thiết để họ mạnh dạn đầu tư thâm canh tăng năng suất. Đến nay, Sóc Trăng đã vượt mốc năng suất gần 90 tạ/ha hai vụ. Đặc biệt, đã có hàng trăm triệu phú lúa mới xuất hiện với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng lãi ròng chỉ riêng trồng lúa.

Đảng bộ Sóc Trăng, tại Đại hội lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) khẳng định nông nghiệp đã, đang và sẽ là mặt trận hàng đầu ở mảnh đất này. Sóc Trăng phấn đấu đi lên từ sản xuất lương thực là chủ yếu mà trọng tâm là cây lúa. Để tăng sản lượng lương thực, chỉ có hai hướng: Tăng diện tích gieo trồng và tăng năng suất. Giải quyết khâu tăng diện tích thì điều kiện cần thiết nhất là thủy lợi. Hiện nay, các công trình thủy lợi như phía Nam Sông Hậu, Quản lộ - Phụng Hiệp, Ba Rinh - Tà Liêm, kênh Cái Côn, Rạch Vọp, Tiếp Nhật, An Nô… đã tích đủ nước cho việc chống hạn trên diện rộng. Việc kết hợp tốt với hệ thống gần 383km đê ở hạ nguồn đã đưa diện tích gieo cấy của mảnh đất này lên hơn 370.335ha trong nhiều năm qua. Ngoài ra, Sóc Trăng đã vĩnh viễn chấm dứt nỗi lo đau đáu thiếu nước tưới vụ Hè - Thu, bởi đã làm chủ hệ thống sông, rạch, kênh mương thủy lợi tưới tiêu, xổ phèn cho những cánh đồng lúa bát ngát.

Còn về tăng năng suất, Sóc Trăng đã chú ý vào các khâu giống, làm đất, phân bón... Các loại giống mới Khao Dawk Mali, Huyết rồng, Tài Nguyên; một loạt giống ST3, ST5, ST10, ST24 và ST25 “Gạo ngon nhất thế giới” của kỹ sư - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Hồ Quang Cua cùng cộng sự... đang được khẳng định “thương hiệu” và phù hợp với đồng ruộng Sóc Trăng, năng suất đã không ngừng tăng lên qua từng năm. Hiện nay, phần lớn lương thực của Sóc Trăng đã trở thành hàng hóa xuất ngoài tỉnh sau khi cung ứng đủ cho nội địa. Nhờ chính sách đẩy mạnh xuất khẩu lương thực, mức sống của người dân Sóc Trăng đang ngày một khấm khá hơn từ cây lúa. Tương lai ngày một tươi sáng hơn cho người nông dân... Mặc dù hiện nay ảnh hưởng dịch Covid-19, khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng những người nông dân Sóc Trăng vẫn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vươn lên đầy bản lĩnh, tự lực cánh sinh và triển khai thực hiện sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” trong trạng thái “bình thường mới” sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lúa không đứt quãng, vẫn soán ngôi đứng đầu nền kinh tế tỉnh nhà.

Mùa Xuân Nhâm Dần 2022 đang tràn về! Những cơn gió nhẹ cho lòng người thêm một chút bâng khuâng, xao xuyến khi nhớ lại với Festival Lúa gạo, vinh danh “Hạt Ngọc” lần thứ II tại Sóc Trăng (diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11-11-2011), với chủ đề “Lúa gạo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” đã thành công tốt đẹp, làm cho chúng ta càng tự hào hơn về mảnh đất “cần lao mà anh dũng” xưa chống giặc ngoại xâm, nay chống lại đói nghèo trên nền tảng phát triển bền vững nông, lâm ngư nghiệp, mà trong đó cây lúa, hạt gạo dẻo thơm Sóc Trăng đứng ở tuyến đầu, với vị trí quan trọng, mũi nhọn của nền kinh tế Sóc Trăng. Khoảng trời Sóc Trăng như xanh cao hơn, thoáng đãng hơn. Trong không khí rộn ràng của ngày Tết đến, xuân về, tôi, các bạn và tất cả chúng ta cảm nhận được sức xuân đang bừng dậy từ mảnh đất “Nguyệt Giang - Sông Trăng” tươi đẹp này.

ANH KHOA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/don-xuan-nham-dan-2022-nghi-ve-cay-lua-que-toi-53573.html