Đơn vị hành chính cấp xã mới ở Hà Tĩnh gấp rút chuẩn bị đại hội

Khác với những kỳ Đại hội trước, công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ tại các xã, thị trấn mới sáp nhập ở Hà Tĩnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, sẽ xuất hiện những nhân tố mới, đòi hỏi các Đảng bộ phải nhìn nhận thấu đáo cả những khó khăn và kết quả đạt được. Từ đó, làm tốt công tác dự báo, xác định rõ hơn mục tiêu, phương hướng khả thi trước mắt cũng như lâu dài cho địa phương mình.

Cán bộ và nhân dân thôn Đình Hồ, xã Kim Song Trường (Can Lộc) ra quân nâng cao chất lượng tiêu chí Nông thôn mới, hưởng ứng phong trào thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ xã Kim Song Trường,

Cán bộ và nhân dân thôn Đình Hồ, xã Kim Song Trường (Can Lộc) ra quân nâng cao chất lượng tiêu chí Nông thôn mới, hưởng ứng phong trào thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ xã Kim Song Trường,

NDĐT - Khác với những kỳ Đại hội trước, công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ tại các xã, thị trấn mới sáp nhập ở Hà Tĩnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, sẽ xuất hiện những nhân tố mới, đòi hỏi các Đảng bộ phải nhìn nhận thấu đáo cả những khó khăn và kết quả đạt được. Từ đó, làm tốt công tác dự báo, xác định rõ hơn mục tiêu, phương hướng khả thi trước mắt cũng như lâu dài cho địa phương mình.

Từ bài học đồng thuận

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, nhờ chủ động rà soát, tuyên truyền và tiến hành bài bản các bước đi nên chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, giai đoạn 2019 – 2021, nhận được sự đồng tình cao trong các tầng lớp nhân dân. Điều này thể hiện rõ ở kết quả lấy ý kiến cử tri tại 80 xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập. Trong tổng số 100% cử tri tham gia bỏ phiếu, có đến hơn 90% cử tri đồng tình với phương án sáp nhập, cá biệt những huyện như Đức Thọ, Can Lộc... tỷ lệ đồng tình đạt tỷ lệ hơn 98% cử tri tham gia bỏ phiếu. Có được kết quả này, trước hết cấp ủy, chính quyền đã biết tôn trọng, lắng nghe nhân dân. Từ việc thống nhất tên gọi, nơi đặt trụ sở xã mới, lựa chọn cán bộ… đều được đưa ra bàn bạc, đánh giá công khai.

Điều đáng ghi nhận, ngay sau khi hoàn thiện bộ máy, mặc dù các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, số giao dịch tăng lên nhưng các xã đã kịp thời đưa bộ máy đi vào hoạt động ổn định, thông suốt. “Việc nhập xã khiến cho quãng đường đến trụ sở UBND xã xa hơn nhưng bản thân tôi và nhiều người dân ở đây lại thấy thoải mái, thuận lợi hơn vì việc giải quyết các loại giấy tờ, thủ tục cho nhân dân vô cùng nhanh chóng”, chị Trần Thị Thùy, thôn Kiều Mộc (xã Khánh Yên Vĩnh) cho biết.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Lam, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Yên Vĩnh (Can Lộc), nhằm “hóa giải” những khó khăn, trong quá trình tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính, xã đã cải tạo, nâng cấp điểm Bưu điện Văn hóa xã Vĩnh Lộc trước đây làm điểm giao dịch. Đồng thời, quán triệt, yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức phải nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ cũng như ý thức về quyền, nhiệm vụ được phân công trong quá trình tiếp xúc với người dân. Nhờ đó, tạo được sự đồng tình và cảm giác thân thiện, thoải mái đối với người dân khi đến đây thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo số liệu từ Văn phòng UBND xã Khánh Yên Vĩnh, trong hai tháng vận hành bộ máy xã mới, đã có gần 800 lượt người dân đến thực hiện các giao dịch tại bộ phận một cửa. Tất cả hồ sơ đều được giải quyết trong ngày, không có hồ sơ kéo dài sang ngày thứ hai, mặc dù theo quy định, có thủ tục phải mất 3-4 ngày.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc, Đặng Trần Phong, nhờ định hình rõ các nguyên tắc xây dựng bộ máy hành chính đối với ĐVHC mới và kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên để xây dựng “bộ khung” cho bộ máy mới.

Tại huyện Can Lộc, trước thời điểm xây dựng đề án sáp nhập, tổng số cán bộ, công chức của tám xã thuộc diện phải sáp nhập là 145 cán bộ, công chức. Sau khi tám xã được sáp nhập thành ba xã mới, số lượng cán bộ, công chức còn 82. Điều đáng mừng là qua tuyên truyền, vận động, số cán bộ dôi dư có tuổi đời 40 đến 45 và chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội đã tự nguyện xin tinh giản và thụ hưởng chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Số liệu thống kê của Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho thấy, thực hiện Nghị quyết 164/2019/NQ-HĐND về chính sách tinh giản biên chế, tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết chính sách cho 1.619 cán bộ, công chức (trong đó có 437 cán bộ công chức và 1.174 người hoạt động không chuyên trách).

Thành công trong quá trình sắp xếp cán bộ ở các địa phương thực hiện sáp nhập không chỉ góp phần thúc đẩy, gỡ khó cho công tác cán bộ ở cơ sở mà còn tạo ra động lực cho đội ngũ cán bộ “đương chức” ở xã mới rèn luyện, phấn đấu.

Sàng lọc nhân tố mới

Có thể nói, quá trình xây dựng báo cáo chính trị trình đại hội là khâu trọng yếu, nhận được sự kỳ vọng của cán bộ, nhân dân địa phương, bởi bên cạnh việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ qua, báo cáo chính trị trình đại hội còn xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp của thời gian tới. Do vậy, việc tiếp cận, chắt lọc nội dung trong báo chính trị của các xã mới sáp nhập được đặc biệt quan tâm.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết thêm, nhằm lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ mới, trong đó quan tâm rà soát, điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội của xã mới, tích hợp vào quy hoạch của huyện, của tỉnh để có định hướng phát triển, việc đánh giá kết quả đạt được tại nhiệm kỳ 2015 -2020 tại các đảng bộ mới sẽ được đề cập ngắn gọn, không nặng về thành tích đạt được của các xã cũ, mà tập trung chỉ ra nguyên nhân, đặc biệt là bài học kinh nghiệm của xã cũ để đề chỉ tiêu, nhiệm vụ, xây dựng giải pháp đột phá, thể hiện tư duy tầm nhìn dài hạn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội được đề cập trong báo cáo chính trị.

“Xuất từ quan điểm đó, quá trình xây dựng báo cáo chính trị tại các xã mới sáp nhập được thực hiện khá kỹ lưỡng, công phu. Đơn cử, tại xã Khánh Vĩnh Yên, thay vì tổng hợp các số liệu cũ của các xã trước đây, chúng tôi đã hướng dẫn, gợi ý BCH Đảng bộ xã lựa chọn những điểm nhấn của mỗi xã để xây dựng, lựa chọn khâu đột phá, cụ thể, chúng tôi đã lấy phương thức sản xuất nông nghiệp, thâm canh cho năng suất cao ở xã Khánh Lộc, phát triển làng nghề truyền thống ở xã Yên Lộc và công tác huy động nguồn lực xây dựng giao thông nội đồng của xã Vĩnh Lộc làm ba trụ cột để định hướng, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội cho xã mới Khánh Yên Vĩnh. Với lựa chọn “ba trong một này”, việc quy hoạch, phát triển kinh tế ở xã mới không còn bị chia cắt, tránh được tính manh mún, xây dựng tính liên kết trong phát triển”, đồng chí Đặng Trần Phong, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc cho biết.

Đồng quan điểm trên, Bí thư thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà), Nguyễn Văn Duy chia sẻ, mặc dù thời điểm trước sáp nhập, xã Thạch Thanh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tuy nhiên nhìn trên tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giữa hai ĐVHC cũ vẫn có độ “vênh” nhất định. Do đó, trong quá trình lựa chọn triển khai những phần việc cụ thể tại ĐVHC mới, anh em chúng tôi đã giành sự ưu tiên về nguồn lực, nhằm tập trung đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực xã Thạch Thanh cũ, tạo sự kết nối liên hoàn trong phát triển của địa phương.

Theo chia sẻ của lãnh đạo các địa phương, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, quá trình chuẩn bị cho công tác đại hội Đảng cũng gặp không ít khó khăn. Đồng chí Bùi Văn Hồng, Phó Bí thư Thường trực thị trấn Nghèn (Can Lộc) cho biết, do việc điều chỉnh bản đồ địa giới hành chính của ĐVHC mới chưa được hoàn thiện nên chúng tôi chưa thực hiện được quy hoạch tổng thể cũng như các quy hoạch chi tiết. Thành ra, nếu không có sự bàn bạc kỹ lưỡng, định hướng, hỗ trợ của cấp trên, việc lựa chọn các giải pháp, hiện thực hóa mục tiêu đưa ra sẽ rất khó khăn.

Đồng quan điểm trên, hầu hết lãnh đạo các địa phương mới sáp nhập đều tỏ ra băn khoăn bởi hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, thông tin… của các ĐVHC cũ trước đây, mặc dù đã được xây dựng khá đồng bộ, tuy nhiên khi hình thành xã mới, tính liên hoàn, đồng bộ ngay trong từng hệ thống cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, những tồn đọng liên quan đất đai, nghĩa vụ tài chính, khiếu kiện kéo dài…cũng gây không ít khó khăn cho quá trình vận hành của bộ máy ĐVHC mới.

Rõ ràng, quá trình sáp nhập ĐVHC cấp xã, thị trấn ở Hà Tĩnh đã nhận được sự đồng thuận cao và trên thực tế, các địa phương thuộc diện sáp nhập, cùng nhau về “một nhà” cơ bản đã có sự hiểu biết lẫn nhau. Tuy vậy, để bảo đảm tính bền vững và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đơn vị hành chính mới, ngoài nỗ lực đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân địa phương, cần hơn nữa sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy cấp trên trong quá trình lựa chọn đội ngũ cán bộ, bàn thảo định hướng phát triển trong nhiệm kỳ mới.

BÀI, ẢNH: NGÔ TUẤN.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43641702-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-moi-o-ha-tinh-gap-rut-chuan-bi-dai-hoi.html