Đòn thù tàn độc của gã nhân tình quái gở

Sáng 10/11/2005, bà Belinda Herndon, mẹ của Michelle Herndon báo tin cho Sở cảnh sát thành phố Gainesville, bang Florida, Mỹ, rằng suốt 2 ngày bà không liên lạc được với con mình dù lần nào bà gọi, điện thoại của Michelle cũng đổ chuông. Lúc cảnh sát đến nhà Michelle thì cửa đã bị khóa còn chiếc xe hơi của cô vẫn nằm trong gara bên cạnh…

Cái chết bí ẩn

Khi đã vào được trong nhà, cảnh sát thấy Michelle nằm nghiêng trên giường nhưng đã chết. Qua những vết ố tử thi, họ suy luận có thể cô chết vào tối 8/11. Trong phòng không có dấu vết của sự ẩu đả, cơ thể Michelle cũng không bị thương tích, chỉ mỗi con chó của cô quanh quẩn bên giường và thỉnh thoảng lại sủa lên từng tiếng như thể muốn đánh thức chủ. Trung úy cảnh sát Marc Woodmansee, điều tra viên cho biết: “Điều khiến tôi thắc mắc là phòng tắm có cái thùng rác bằng nhựa nhưng không có rác. Hình như nó đã được dọn sạch trước hoặc ngay sau khi Michelle lìa đời”.

Sau hơn 1 tiếng khám nghiệm, chụp ảnh hiện trường, thi thể Michelle được đưa đến phòng kỹ thuật hình sự. Tiến hành mổ tử thi, các chuyên gia pháp y nhận thấy hệ tim mạch, tiêu hóa của Michelle đều bình thường, chỉ hai phổi bị xẹp, dấu hiệu của thiếu dưỡng khí. Tuy nhiên ở cánh tay trái, họ phát hiện một vết tiêm ngay mạch máu, chỗ nếp gấp mặt trước khuỷu tay. Bác sĩ pháp y Newmann nói: “Vết tiêm được thực hiện bởi người có nghề vì vùng da xung quanh chỗ mũi kim đi vào không bị đỏ hoặc bầm tím”. Hỏi thăm bà Belinda, mẹ của Michelle, bà cho biết con gái bà rất sợ tiêm chích dù rằng Michelle mắc phải bệnh đau nửa đầu từ hồi còn học lớp 10. Bà nói: “Lúc nó rời khỏi nhà tôi ở Live Oak để theo học đại học Gainesville, nó mang theo cả nắm thuốc. Mỗi khi đau nó chỉ uống duy nhất loại thuốc giảm đau này”.

O’Quinn lúc ra tòa (ảnh nhỏ: Michelle).

Để xác định thứ gì đã tiêm vào người Michelle, Sở Cảnh sát Gainesville yêu cầu bộ phận kỹ thuật hình sự tiến hành xét nghiệm tìm độc chất nhưng theo họ, kết quả phải mất cả tuần. Trung úy Marc cho biết trong thời gian chờ đợi, ông cùng các cộng sự tìm hiểu những người hàng xóm của Michelle. Ông Peter Alcorn, chủ khu nhà nơi Michelle thuê mướn cho biết ngày 7/11, nghĩa là trước khi phát hiện cái chết của Michelle 3 ngày, ông đến phòng cô để lấy một số dụng cụ mà ông bỏ quên khi sửa chữa cánh cửa sổ. Ông Peter nói: “Lúc tôi gõ cửa, một chàng trai trẻ với mái tóc đen, hói, đeo kính cận trả lời tôi: “Đây không phải là lúc lấy đồ. Hãy quay lại sau”.

Vẫn theo ông Peter, đến cuối ngày hôm đó Michelle gọi ông rồi nói một người bạn cô hứa sẽ cho cô loại thuốc tốt để chữa chứng đau nửa đầu. Và vì anh ta chưa gặp Peter lần nào, cũng như không biết ông là ai nên anh ta không mời ông vào.

Để biết thêm về người thanh niên ấy, Trung úy Marc tìm gặp Jessica Seipel, bạn thân nhất của Michelle ở Đại học Gainesville. Theo Jessica, người gặp ông chủ nhà Peter hôm 7/1 có thể là Oliver O'Quinn, y tá làm việc tại phòng chăm sóc phẫu thuật đặc biệt Bệnh viện Shands, Đại học Y khoa Florida. Jessica nói: “Tôi biết O’Quinn mê Michelle say đắm nhưng cô ấy chỉ coi anh ta như bạn”.

Cũng thời điểm này, một điều tra viên khi kiểm tra những ngôi nhà lân cận với nhà Michelle đã tìm thấy một cái túi nylon nhỏ, loại thường dùng ở các cửa hàng tạp hóa, vứt vào một thùng rác, bên trong có 1 bơm tiêm đã sử dụng, mũi kim dính máu cùng vỏ của các loại thuốc Propofol, Midazolam và Etomidate. Tìm kiếm dấu vân tay ở những thứ nêu trên thì kết quả chỉ là những vết rất mờ, không rõ nét, có thể đã được lau chùi trước khi ném vào thùng rác.

Sát nhân lộ mặt

Với những chứng cứ thu thập được, mọi nghi ngờ của cảnh sát tập trung vào nhân vật Oliver O’Quinn. Trung úy Marc nói: “Theo số điện thoại di động của O’Quinn mà Jessica cung cấp, chúng tôi nhiều lần gọi anh ta nhưng không lần nào anh ta trả lời. Sau đó anh ta khóa máy”.

Vẫn theo trung úy Marc, ngày 12/11, cảnh sát đến Bệnh viện Shands nơi O’Quinn làm việc nhưng trưởng phòng nhân sự bệnh viện cho biết O’Quinn đã nghỉ từ 9/11 - là ngày mà theo giả định, Micelle chết. Bên cạnh đó, kết quả xác minh cũng cho thấy tại Bệnh viện Shands, tất cả thuốc men dùng để điều trị cho bệnh nhân đều được cung cấp qua một máy tự động gọi là Omnicell. Mỗi khi bác sĩ ra y lệnh, y tá sẽ đến máy này rồi nhập mã số của họ, mã số của y lệnh cùng với tên và số lượng các loại thuốc thì máy sẽ tự động nhả ra.

Trung úy Marc nói: “Truy cập phần mềm lưu trữ của máy Omnicell, chúng tôi biết O’Quinn đã lấy 3 loại thuốc Propofol, Midazolam và Etomidate, mỗi thứ 1 lọ vào sáng 8/11 bằng tên của người ra y lệnh là bác sĩ Thommas Kuller. Lúc tiếp xúc với bác sĩ Kuller, ông cho biết ông chính là người ký y lệnh này để điều trị cho 3 bệnh nhân nhưng “tôi không biết O’Quinn đã tiêm cho bệnh nhân hay chưa vì việc tiêm thuốc là trách nhiệm của y tá”.

Chưa hết, đối chiếu số serial của 3 loại thuốc mà O’Quinn đã lấy thì nó trùng khớp với 3 vỏ thuốc trong túi nylon thu được ở thùng rác nhà hàng xóm với Michelle. Kết luận giám định của phòng kỹ thuật hình sự cho thấy Michelle đã bị tiêm vào người một lượng thuốc Propofol nhiều gấp 4 lần so với liều điều trị thông thường. Và bởi vì Propofol là thuốc an thần nên nó sẽ khiến cho cô ấy lịm dần rồi chết vì suy hô hấp.

Ông Peter Alcorn, chủ khu nhà nơi Michelle thuê mướn sau khi được cho xem ảnh của O’Quin do cảnh sát trích lục từ hồ sơ nhân sự tại Bệnh viện Shands thì ông khẳng định “đó là người tôi đã gặp tại nhà của Michelle vào ngày 7/11”. Trung úy Marc nói: “Chúng tôi có đủ cơ sở để xác định O’Quinn liên quan đến cái chết của Michelle nhưng anh ta đang ở đâu thì vẫn chưa có câu trả lời”.

Ngày 14/11, Sở Cảnh sát thành phố Gainesville nhận được thông tin từ Bệnh viện khu vực Nature Coast ở Williston, cũng thuộc địa phận Gainesville, rằng họ vừa ký hợp đồng với một y tá là Oliver O'Quinn, làm việc bán thời gian. Khi điều tra viên Douglass đến nơi rồi qua tiếp xúc với O’Quinn, ông cho biết: “O’Quinn nói sẽ gọi lại cho tôi vì anh ta có việc bận khoảng 1 tuần. Do chưa có lệnh bắt giữ nên tôi đành chịu”.

Ngày 21/11, do không nhận được cuộc gọi nào từ O’Quinn nên điều tra viên Douglass quay lại Bệnh viện Nature Coast. Tại đây ông được biết O’Quinn không xin nghỉ phép và từ ngày 15/11 đến nay, không thấy anh ta đến làm việc.

Trước sự việc trên, Sở Cảnh sát Gainesville chuyển hồ sơ sang Cục Điều tra liên bang FBI. Kết quả xác minh của FBI cho thấy ngày 19/11/2005, O’Quinn đã từ bang Florida bay đi Ireland bằng hộ chiếu của chính anh ta. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, FBI cho phổ biến ảnh chân dung của O’Quinn với lời kêu gọi anh ra trình diện. Mặt khác, FBI đề nghị Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành các thủ tục cần thiết với Ireland để dẫn độ O’Quinn về Mỹ.

Bơm, kim tiêm và vỏ lọ thuốc Propofol thu được.

Sa lưới

Hai tháng trôi qua nhưng vụ việc vẫn không tiến triển bởi lẽ O’Quinn vẫn chưa bị khởi tố hình sự nên Bộ Tư pháp Ireland từ chối dẫn độ. Ngày 3/1/2006, một nhà báo người Ireland là Sean O'Driscoll sau khi đọc những thông tin về O’Quinn đã gửi email cho FBI, nội dung hỏi rằng “làm thế nào để có thể giúp thúc đẩy cuộc điều tra”. Tom Morison, sĩ quan FBI nói: “Trả lời Sean O'Driscoll, chúng tôi gửi cho ông ấy ảnh của O’Quinn và Michell cùng bản tóm tắt vụ giết Michell. Chúng tôi đồng ý cho ông ấy đăng tải toàn bộ nội dung trên các tờ báo ở Ireland”. Bên cạnh đó, FBI cũng đề nghị Văn phòng Interpol khu vực châu Âu vào cuộc.

Ngày 9/2/2006, Văn phòng Interpol ở Ireland báo cho FBI rằng O’Quinn đã ra khỏi lãnh thổ Ireland nhưng họ không cho biết anh ta đi đâu bởi lẽ anh ta vẫn chưa bị truy nã. Đến ngày 6/6, Đại sứ quán Mỹ ở Mauritania - là quốc gia Hồi giáo Tây Phi - gửi cho FBI một bản tin, nội dung một thanh niên với hộ chiếu mang tên Oliver O’Quinn đã vào Đại sứ quán để xin chứng thực một lệnh rút tiền vì theo quy định của Mauritania, nhằm tránh việc rửa tiền, người nước ngoài muốn rút ngoại tệ từ 1.000USD trở lên ở các ngân hàng bản xứ phải có sự xác nhận của sứ quán nơi người ấy mang quốc tịch.

Đến lúc này, ngành tư pháp Mỹ mới nhận ra lỗ hổng chết người trong vụ O’Quinn. Do các chứng cứ thu thập bởi cảnh sát thành phố Gainesville mới chỉ là gián tiếp nên Viện Công tố bang Florida đã từ chối ký lệnh bắt giữ. Tom Morison, sĩ quan FBI nói: “Ngay lập tức, chúng tôi xin lệnh tòa án cho phép kiểm tra ADN của O’Quinn. Ơn trời! Mẫu ADN thu được từ cái bơm tiêm và 3 lọ thuốc trong túi nylon lấy từ thùng rác nhà hàng xóm với Michel đều trùng khớp với ADN của O’Quinn lưu trong hồ sơ Bệnh viện Shands. Mũi kim còn dính máu trong túi nylon cũng chính là máu của Michell nên lệnh bắt O’Quinn được phê chuẩn”.

Về phía O’Quinn, sau khi rút tiền trong ngân hàng, anh ta sang nước láng giềng với Mauritani là Senegal bằng cách đi bộ vì anh ta linh cảm thấy sự bất thường bởi lẽ khi vào Đại sứ quán Mỹ ở Mauritani, viên chức sứ quán đã hỏi anh ta rằng tại sao không thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua sắm mà lại trả bằng tiền mặt thì O’Quinn trả lời: “Chẳng lẽ mua thứ gì đó chỉ vài USD mà cũng trả bằng thẻ?”. Lời khai của O’Quiin về sau cho thấy anh ta sợ bị theo dõi nếu dùng thẻ tín dụng.

Cuối tháng 9/2006, O’Quinn bị cảnh sát Senegal bắt theo lệnh truy nã của FBI. Đến tháng 10, O’Quinn bị di lý về Mỹ. Trong các buổi thẩm vấn, O’Quinn liên tục chối bỏ việc giết Michelle nhưng thừa nhận mình có đem 3 loại thuốc và bơm tiêm về phòng Michelle vì “trên đường đi làm về, tôi tiện thể ghé thăm cô ấy rồi bỏ quên. Và do Michell bị chứng đau nửa đầu nên có thể cô ấy đã tự lấy thuốc và tự chích. Việc vứt túi nylon đựng bơm tiêm, vỏ thuốc vào thùng rác nhà hàng xóm cũng có thể do cô ấy làm để nếu tôi có hỏi xin lại thì cô ấy sẽ trả lời không biết vì cô không nhìn thấy cái túi thuốc tại nhà cô”.

Việc hỏi cung O’Quinn vẫn đang trong thế giằng co thì bất ngờ cuối tháng 12/2006, một bạn tù ở chung buồng giam với O’Quinn là Thomas Rauscher đề nghị được gặp điều tra viên vụ Michelle. Trong cuộc gặp, Thomas Rauscher cho biết O’Quinn đã tâm sự với anh ta rằng có lần, O’Quinn nghe được cuộc điện thoại của Michelle với một người bạn, trong đó Michelle gọi O’Quinn là “thằng dở hơi, nó theo mình như con chó theo chủ. Mình chỉ coi nó là người quen vì nó là bạn của Jessica và đã nhiều lần mình nói cho nó biết nhưng nó vẫn cố tình không hiểu”. Vì thế O’Quinn quyết tâm giết Michelle vừa để rửa nhục, vừa để cô không còn lọt vào tay người đàn ông nào khác. Chưa hết, O’Quinn còn kể tỉ mỉ với Thomas Rauscher về cách anh ta đã giết Michelle như thế nào.

Tháng 5/2008, tòa án bang Florida mở phiên xét xử O’Quinn với nhân chứng là Thomas Rauscher. Sau khi nghe lời buộc tội của phía công tố cùng lời khai của Thomas, bồi thẩm đoàn đã phải mất 6 tiếng đồng hồ nghị án với kết quả O’Quinn bị kết tội giết người cấp độ 1, án phạt tù chung thân không ân xá. McBrian, luật sư bào chữa cho O’Quinn nói: “Cái chết của Michelle có một phần nguyên nhân từ phía nạn nhân. Nếu cô ấy không miệt thị O’Quinn thì chưa chắc đã bị anh ta giết” nhưng công tố viên Stevenson phản bác: “Cho dù Michelle không nặng lời với O’Quinn nhưng khi biết tình yêu không được đền đáp, anh ta vẫn xuống tay tàn độc…”.

Vũ Cao (Theo FBI Files)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/don-thu-tan-doc-cua-ga-nhan-tinh-quai-go-i726188/