Dồn sức cho 10 nhóm ngành hàng chủ lực

Trên cơ sở chỉ ra những khó khăn, hạn chế của tái cơ cấu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành nông nghiệp sẽ quyết liệt, tập trung cho một số hướng đi trong thời gian tới.

Dù còn nhiều hạn chế, tái cơ cấu nông nghiệp đã tạo chuyển biến trên nhiều ngành hàng, điển hình là chăn nuôi

Theo đó, sẽ tập trung nguồn lực, cơ chế chính sách tái cơ cấu vào các sản phẩm chủ lực quốc gia, trước mắt là 10 nhóm sản phẩm có kim ngạch XK trên 1 tỉ USD.

Theo đó, sẽ tập trung nguồn lực, cơ chế chính sách, KH-CN… cho những nhóm ngành hàng chủ lực này, thay vì trải nguồn lực tản mát như trước đây. Ví dụ đối với tôm nước lợ, hiện Bộ đã xác định đây là sản phẩm chủ lực quốc gia và đã có đề án xây dựng riêng, trình Thủ tướng.

Theo đó, sẽ đưa XK tôm từ 3 tỉ USD hiện nay lên khai thác tiềm năng 8-10 tỉ USD giai đoạn 2025-2030, nâng diện tích từ 700 nghìn ha lên 1 triệu ha. Đây là điều hoàn toàn khả thi, nhất là trong bối cảnh xâm nhập mặn ĐBSCL ngày càng mạnh cũng như có thể khai thác, chuyển đổi tiềm năng ở các vùng ven biển khác…

Hướng thứ hai, Bộ NN-PTNT sẽ thúc đẩy mạnh cho các loại sản phẩm ở cấp tỉnh, mỗi tỉnh lựa chọn một vài sản phẩm chủ lực cho mình, cỡ nửa tỉ USD/tỉnh/sản phẩm, trên cơ sở lợi thế từng địa phương để hình thành các vựa SX có tính ngành hàng lớn, ví dụ xoài Đồng Tháp, nhãn Hưng Yên, na Lạng Sơn, cam Hòa Bình… Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy và xây dựng ngành hàng lớn cho quốc gia.

Ở cấp độ thứ ba, sẽ khuyến khích các địa phương xây dựng các sản phẩm đặc thù, ví dụ như cách làm “mỗi xã phường một sản phẩm” mà Quảng Ninh đã triển khai khá thành công…

Về khó khăn HTX và DN, thông qua Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế gỡ ngay khó khăn, nhất là chính sách về vốn để cho DN và HTX có thể vào cuộc, trước mắt là kiến nghị Bộ KH-ĐT sửa đổi ngay Nghị định 210 cho phù hợp với điều kiện KT-XH ở các vùng khác nhau, phù hợp với nguồn lực của từng địa phương để việc hỗ trợ cho DN có thể đi vào thực tiễn.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng sớm chỉ đạo các Bộ ngành liên quan sửa đổi ngay các quy định, cho phép các HTX, DN tiếp cận tín dụng bằng cách thế chấp, tín chấp tài sản hình thành trên đất nông nghiệp theo công nghệ cao, có giá trị lớn…

Về 7 vấn đề lớn mà Thủ tướng chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc triển khai thực hiện, đồng thời sẽ có báo cáo đầy đủ gửi Thủ tướng, trong đó tập trung đề xuất về quyết tâm chung của ngành cũng như cơ chế chính sách nảy sinh.

Ghi nhận những giải trình và tiếp thu ý kiến Thủ tướng của Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, sẽ có kết luận, tổng hợp các đề xuất, báo cáo của Bộ NN-PTNT với Thủ tướng, trong đó một số vấn đề cần có giải pháp tích cực tháo gỡ ngay, nhất là về cơ chế chính sách, thể chế, quản lí, phân cấp quản lí nhà nước về một số lĩnh vực.

Ông Dũng cũng cho biết, trước 15/12/2016, Văn phòng Chính phủ sẽ thành lập Vụ Nông nghiệp (cùng với Vụ Công nghiệp tách ra từ Vụ Kinh tế ngành hiện nay) để tăng cường quản lí nhà nước cho ngành nông nghiệp.

Đối với một số cơ chế chính sách cho ngành nông nghiệp, điển hình là Nghị định 210, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sẽ phải sớm sửa đổi toàn diện nghị định này.

“Nghị định này ban hành ra ít thấy tác dụng, bởi nó không có thực tiễn, không mấy DN được hưởng lợi ích từ nghị định”, ông Dũng thẳng thắn.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/don-suc-cho-10-nhom-nganh-hang-chu-luc-post180965.html