Đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Mường Khô

Sáng 19/2 (mùng 10 tháng Giêng), tại sân vận động thôn Mường Do, xã Điền Trung, UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) tổ chức Lễ đón nhận Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia Lễ hội Mường Khô và khai hội Lễ hội Mường Khô năm 2024.

Dự buổi lễ có đồng chí Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Cục Di sản văn hóa và một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Lễ hội Mường Khô thuộc các xã Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, Điền Hạ, Điền Thượng, huyện Bá Thước. Đây là một trong những lễ hội đặc sắc, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính, một sản phẩm văn hóa, du lịch tâm linh được tổ chức thường niên, là điểm nhấn trong hành trình văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội, mang thương hiệu riêng của xứ Mường Khô.

Mường Khô xưa là nơi cư trú của gia tộc Hà Công, một dòng họ lớn, có uy tín và thế lực mạnh. Địa thế của vùng Mường Khô uốn lượn theo thế sông, dáng núi, hội tụ hầu hết các dòng suối trong địa phận huyện Bá Thước.

Lễ hội Mường Khô được diễn ra trong không gian liên quan đến hoạt động của Quận Công, Thống lĩnh Thượng đạo Thanh Hoa Hà Công Thái. Hà Công Thái là người có công lao rất lớn đối với Vương triều Nguyễn, ông không những giúp Vua Gia Long bảo vệ, gìn giữ vùng biên cương phía tây Thanh Hóa, mà còn giúp Vua trong cuộc trường trinh tiến quân ra Bắc Hà giành lấy Thăng Long thống nhất đất nước. Ông đã đóng góp nhiều chiến công, được Vua yêu, dân mến; tên tuổi của ông được sử sách lưu danh mãi muôn đời sau.

Lễ hội Mường Khô thu hút đông đảo người dân tham gia.

Để ghi nhớ công lao và cống hiến của ông đối với đất nước, quê hương, cuối thế kỷ 19, Nhân dân đã lập đền thờ ông tại Gò Mèo, đền thờ ông còn được gọi là Chùa Mèo tại xã Điền Trung, huyện Bá Thước để con cháu đời đời tri ân. Từ đó đến nay, nơi đây đã trở thành chốn tâm linh của đất Mường Khô nói riêng, huyện Bá Thước nói chung và Lễ hội Mường Khô bắt đầu xuất hiện từ đây; hằng năm, vào ngày 10 tháng Giêng, các xã thuộc xứ Mường Khô và huyện Bá Thước lại hân hoan tổ chức Lễ hội Mường Khô.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh: “Tôi ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Bá Thước và các đơn vị có liên quan trong việc phối hợp nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị đưa Lễ hội Mường Khô vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua đây, tôi trân trọng cảm ơn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa đã luôn quan tâm, giúp đỡ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; đặc biệt là với sự ủng hộ và quyết định đưa Lễ hội Mường Khô, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…Sự kiện đón nhận và vinh danh Lễ hội Mường Khô là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hôm nay, vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao về trách nhiệm của các cấp, các ngành của tỉnh và của huyện Bá Thước; về trách nhiệm của các thế hệ nghệ nhân và cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Bá Thước trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng trao Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Mường Khô cho lãnh đạo huyện Bá Thước.

Về với Lễ hội Mường Khô, nhân dân và du khách sẽ được thưởng thức và chìm đắm vào một không gian văn hóa tâm linh độc đáo của các nghi lễ truyền thống như: dâng hương, rước kiệu, hòa tấu cồng chiêng và các tết mục văn nghệ ca ngợi quê hương, đất nước. Đáng chú ý là màn đồng diễn cồng chiêng với sự tham gia của hội viên phụ nữ trong sắc phục dân tộc Mường, cùng hòa tấu tạo nên tiết mục hợp xướng quy mô lớn, mang đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong phần hội, là các hoạt động văn hóa, thể thao như: ném còn, đẩy gậy, thi đấu bóng chuyền, kéo co, đánh mảng, ném còn, chọi gà, thi cồng chiêng... Đây là dịp cán bộ, nhân dân các dân tộc trong khu vực được giao lưu học hỏi, rèn luyện sức khỏe để hăng say lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Đoàn rước kiệu Quận công Khâm sai Chánh thống lãnh Thượng đạo trấn Thanh Hóa Hà Công Thái.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bá Thước nói chung, đặc biệt là các thế hệ nghệ nhân và người dân của 5 xã: Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, Điền Hạ, Điền Thượng đã nỗ lực, chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo tồn, duy trì và phát huy di sản văn hóa quý giá này, để di sản Lễ hội Mường Khô ngày càng có sức sống bền vững, lan tỏa sâu rộng; để hôm nay, Lễ hội Mường Khô được vinh danh và sẽ tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.

Đinh Huê

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/don-nhan-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-le-hoi-muong-kho-153461.html