Dồn lực cải tạo kênh mương, khơi thông dòng chảy

Dịp này, thời tiết thuận lợi, chưa bước vào cao điểm sản xuất vụ xuân nên các địa phương ra quân làm thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy để kịp thời cấp nước cho cây trồng.

Huy động các nguồn lực

Huyện Tân Yên có hơn 750 km kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ông Hà Văn Tuyển, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, huyện phát động 2 đợt cao điểm cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, nạo vét kênh mương. Theo đó, đợt 1 từ ngày 1/6 đến 20/6/2023; đợt 2 từ 1/9/2023 đến 15/1/2024.

Kênh N5 đoạn giáp ranh giữa xã Lan Giới và Quang Tiến (Tân Yên) đang được cứng hóa.

Dịp này, tại thôn Lý, xã Việt Lập, gần 30 hội viên nông dân phát quang cỏ dại, nạo vét kênh, khơi thông dòng chảy ở cánh đồng cấy hai vụ lúa. Bà Nguyễn Thị Chiến, người dân trong thôn nói: “Gia đình tôi có gần 10 sào ruộng tại xứ đồng này. Thấy thôn thông báo, bà con cùng nhau ra đồng nạo vét kênh để việc lấy nước nhanh hơn, không để ách tắc”.

Không riêng xã Việt Lập, hoạt động cải tạo, nâng cấp kênh mương diễn ra sôi động tại nhiều xã, thị trấn khác. Trên kênh N5 đoạn giao giữa xã Lan Giới và Quang Tiến, từng tốp thợ nhanh tay xây bờ kênh. Công trình có chiều dài 320 m, khởi công ngày 15/12/2023, dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Đoạn này trước đây là kênh đất, thường xuyên bị vỡ, thất thoát nước. Trước thực tế đó, UBND huyện trích ngân sách 400 triệu đồng để xây dựng, cải tạo kênh, sau khi hoàn thành sẽ phục vụ nước tưới cho cây trồng một số thôn của hai xã.

Trong chương trình công tác dân vận diễn ra cuối tháng 12 vừa qua, cán bộ, chiến sĩ một số đơn vị quân đội đã đến các xã Tân Lập, Thanh Hải, Kiên Thành, Giáp Sơn, Phì Điền (Lục Ngạn); Tân Hưng, Hương Sơn (Lạng Giang)… cùng nhân dân nạo vét hơn 50 km kênh mương.

Hiện nay, đa số lao động trẻ ở nông thôn đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có người già và trẻ nhỏ. Vì vậy, chính quyền các xã Đông Phú, Tam Dị (Lục Nam) đã tuyên truyền, vận động người dân góp kinh phí để làm thủy lợi nội đồng. Chị Phạm Thị Đảm, thôn Lương Ban, xã Đông Phú nói: “Tôi làm công nhân ở khu công nghiệp cách ngày mới về nhà một lần. Hiện gia đình có 3 sào trồng hành. Khi thôn triển khai chủ trương cải tạo thủy lợi nội đồng, tôi sẵn sàng góp kinh phí cùng các hộ khác thuê nhân công, máy múc. Chỉ trong một tuần, thôn đã hoàn thành việc nạo vét, cải tạo hơn 3 km kênh mương, bảo đảm tưới, tiêu cho cây trồng”.

Hoàn thành cải tạo trước Tết Nguyên đán

Trên địa bàn tỉnh có gần 8 nghìn km kênh tưới, tiêu các cấp. Trong đó kênh tưới gần 6,5 nghìn km; kênh tiêu hơn 1,4 nghìn km. Do tỷ lệ cứng hóa thấp (kênh tưới là 44,7%, kênh tiêu đạt 0,14%, còn lại vẫn là kênh đất), hằng năm, các huyện, TP huy động lực lượng lớn nhân công tham gia nạo vét, bảo đảm dòng chảy dẫn nước về đồng.

Trên địa bàn tỉnh có gần 8 nghìn km kênh tưới, tiêu các cấp. Trong đó kênh tưới gần 6,5 nghìn km; kênh tiêu dài hơn 1,4 nghìn km. Tỷ lệ cứng hóa kênh đạt thấp (kênh tưới là 44,7%, kênh tiêu đạt 0,14%).

Năm nay, hoạt động này được các địa phương chủ động triển khai; giao khối lượng cho từng thôn, xóm. UBND các huyện, TP giao cho phòng chuyên môn thành lập tổ công tác thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, cập nhật tiến độ hằng tuần. Kết thúc tháng cao điểm (từ 30/10 đến 30/11/2023), huyện Yên Thế đã đạt 103% chỉ tiêu kế hoạch cải tạo kênh mương nội đồng.

Đối với huyện Tân Yên, mặc dù được giao chỉ tiêu lớn song do có sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, đến nay, các xã, thị trấn đã thực hiện hơn 80% khối lượng của đợt 2. Huyện yêu cầu các xã phải hoàn thành phần việc còn lại trước Tết Nguyên đán.

Hệ thống thủy lợi nội đồng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, năng suất cây trồng và nuôi trồng thủy sản. Do đó, kế hoạch làm thủy lợi nội đồng được triển khai bám sát chỉ đạo của tỉnh, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; theo dõi sát sao lịch cắt, cấp nước từ các công ty khai thác công trình thủy lợi, đồng thời thông báo rộng rãi để người dân tham gia giám sát chất lượng công trình...

Theo ông Hoàng Quốc Bảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương, để phục vụ hoạt động tu bổ, nạo vét, sửa chữa kênh mương thuộc hệ thống thủy lợi Cầu Sơn - Cấm Sơn, cuối tháng 12/2023, Công ty ra thông báo đóng kênh đến toàn tuyến; thời gian 22 ngày (từ 4 đến 25/1/2024). Trước thời điểm đó, Công ty mở hệ thống để các địa phương chủ động tưới cho cây trồng vụ đông, tích trữ nước. Nhờ chủ động thông tin, phối hợp đã tạo thuận lợi cho các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình; nông dân không bị động do dừng cấp nước.

Hiện các địa phương tiếp tục bám sát lịch gieo trồng và lịch tưới, cắt nước của các đơn vị thủy nông để triển khai kế hoạch nạo vét kênh mương. Ngoài nguồn đóng góp của người dân, các xã, thị trấn cân đối kinh phí từ ngân sách hỗ trợ vật tư, thiết bị tham gia chiến dịch làm thủy lợi nội đồng.

Sự vào cuộc rốt ráo, khẩn trương của các địa phương, đơn vị góp phần bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thành kế hoạch cải tạo kênh mương xong trước Tết Nguyên đán; đồng thời khuyến cáo các đơn vị, hộ sản xuất tích cực áp dụng kỹ thuật, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế thất thoát do rò rỉ, vỡ kênh; không để thiếu nước sản xuất.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/417781/don-luc-cai-tao-kenh-muong-khoi-thong-dong-chay.html