Đón làn sóng hợp tác đầu tư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ

Sau cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden, lãnh đạo hai nước cho biết, sẽ cùng hợp tác mở rộng mối quan hệ đối tác kinh tế nhằm phát triển hơn nữa về đầu tư và thương mại; phối hợp thực hiện các thỏa thuận đã đạt được; quan tâm nhiều hơn đến hoạt động giao lưu cùng người dân hai nước…

Việt Nam – Mỹ cùng hợp tác mở rộng mối quan hệ đối tác kinh tế nhằm phát triển hơn nữa về đầu tư và thương mại. Trong ảnh là nhân công đang chế biến tôm để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: Trung Chánh

Chiều tối 10-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã đưa ra những phát biểu về thông tin về kết quả cuộc hội đàm, TTXVN đưa tin.

Theo đó, Tổng Bí thư chia sẻ, hai bên thống nhất về thiết lập mối quan hệ đã có những bước phát triển hiệu quả từ khi bình thường hóa và sau khi xác lập quan hệ đối tác toàn diện. Ông cảm ơn những ủng hộ, đóng góp của Mỹ vào sự phát triển của quan hệ hợp tác hai bên.

Việt Nam – Mỹ thông qua tuyên bố chung, thiết lập đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Trong đó, quan hệ đối tác này dựa trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Thời gian tới, các cơ quan liên quan của hai nước sẽ phối hợp thực hiện các thỏa thuận đã đạt được, tạo điều kiện cho việc tiến đến những bước tiếp theo.

Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho rằng, đây là một bước đi quan trọng cho cả hai bên. Hai nước sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi, đặc biệt trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu nhiều hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Hai bên cùng hợp tác mở rộng mối quan hệ đối tác kinh tế nhằm phát triển hơn nữa về đầu tư và thương mại. Lấy dẫn chứng cho sự hợp tác này, Tổng thống Mỹ cho biết, năm trước, một công ty Việt Nam đã ký thỏa thuận trị giá 4 tỉ đô la Mỹ để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện và ắc quy ở tiểu bang Bắc Carolina tại Mỹ. Điều này cũng giúp tạo ra hơn 7.000 việc làm. Các công ty công nghệ Việt Nam mà có tầm cỡ thế giới cũng đã và sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Một thông tin khác nữa là hoạt động giao lưu cùng người dân bao gồm giao lưu với người dân Mỹ gốc Việt đang góp phần xây dựng cộng đồng ở nước Mỹ được hai bên quan tâm. Vị lãnh đạo này lấy ví dụ là năm nay, trường Đại học Fulbright tại Việt Nam do Mỹ hỗ trợ đã có lớp sinh viên đầu tiên ra trường. Hai nước đang tiếp tục hợp tác để mở rộng trường này.

Bên cạnh đó, phía đại diện nước Mỹ cho biết, đang đầu tư để phát triển hơn nữa lực lượng lao động lành nghề trong các ngành học tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán; trao đổi trong lĩnh vực giáo dục để giúp các nhà khoa học hoặc doanh nhân và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể cùng nhau hợp tác tốt hơn, nắm bắt những cơ hội trong thời đại công nghệ mới này.

TTXVN dẫn thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, việc xác lập quan hệ hai nước lên mức đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới. Điều này góp phần đưa Việt Nam có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Trên cơ sở này, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng nhu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Mỹ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ các quy định xuất khẩu; đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tham gia vào những chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, tạo điều kiện cho việc tìm kiếm đối tác.

Nhiều năm qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị các thị trường. Năm qua, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Phía Mỹ có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam đang có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhân công trong những lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử… Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm nguồn như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ…

T.Đào

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/don-lan-song-hop-tac-dau-tu-thuong-mai-giua-viet-nam-va-my/