Đơn khiếu nại, tố cáo vẫn chạy lòng vòng

- Dân no ấm, kinh tế tăng trưởng khá cao nhưng khiếu nại, tố cáo năm sau nhiều hơn năm trước. Điều này khiến UBTVQH đặt câu hỏi về hiệu quả thực chất trong giải quyết đơn thư tại phiên họp sáng nay (27/9).

Đất đai vẫn là số 1 Bức tranh toàn cảnh về khiếu nại, tố cáo năm 2010 do Chính phủ báo cáo mang màu sắc như cũ: không giảm, vẫn diễn biến phức tạp, phát sinh trên nhiều lĩnh vực, ở hầu hết địa phương, nhiều trường hợp khiếu nại kéo dài, vượt cấp, gay gắt, bức xúc. Thực trạng không mới, có điểm khác năm cũ là số lượng khiếu nại, tố cáo gia tăng khiến Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói đây "rất đáng phải suy nghĩ để tìm ra câu trả lời đích thực". Năm nay, cả nước phát sinh 112.063 vụ việc khiếu nại, tố cáo, tăng so với cùng kỳ năm trước 17%. Khiếu nại vẫn phần lớn liên quan đến đất đai, tố cáo chủ yếu về việc cán bộ, công chức cố ý làm trái, chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi, thiếu trách nhiệm, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai... Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn "tại sao tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt mức khá cao, năm nay dự kiến 6,7%, nghĩa là đời sống được cải thiện, dân ta no ấm, nhưng khiếu kiện tăng". "Người nông dân lo toan côi cút làm ăn nhưng đến lúc cứ phải kéo nhau lên huyện, lên tỉnh, lên trung ương. Có nguyên nhân gì về mặt xã hội mà chưa giải quyết được ở mặt kinh tế?", ông Hiển chất vấn. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cũng cho rằng ngay cả khi thu nhập bình quân GDP đầu người tăng cao 3.000 USD mà khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài, không giải quyết hiệu quả triệt để thì xã hội sẽ nảy sinh bất ổn. Ông Nguyễn Văn Thuận nhận định một trong những nguyên nhân khiến tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp hơn, nhiều vụ việc tồn đọng chưa giải quyết xong lại phát sinh vụ việc mới, đó là công tác giải quyết vẫn đùn đẩy, đơn chuyển lòng vòng, hiệu quả giải quyết thấp. Sửa luật có hết khiếu nại, tố cáo? Đặt câu hỏi liệu cơ chế, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố hiện hành có còn phù hợp với thực tiễn, ông Thuận đề nghị Chính phủ đánh giá lại việc thực hiện những chủ trương, giải pháp để khắc phục tình trạng, các giải pháp được đề xuất nhưng không được thực hiện hoặc thực hiện với hiệu quả thấp, giải pháp cũ chưa thực hiện xong hoặc chưa được thực hiện lại đưa ra giải pháp mới. Hai vấn đề khiến Thường vụ QH tỏ ra sốt ruột là khiếu nại, tố cáo kéo dài, nội dung liên quan chủ yếu đến đất đai và người bị tố cáo là cán bộ, công chức. Chính phủ nhấn mạnh giải quyết khiếu nại tố cáo là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt nhưng Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình nói điều quan trọng hơn là phải hành động. Bất cứ đơn khiếu nại, tố cáo thuộc cấp nào phải dứt khoát tập trung giải quyết "đến nơi đến chốn, không để kéo dài". Ông kiên quyết định mức số lượng đơn tồn đọng không được phép quá 30%, còn cơ bản phải giải quyết hết trong năm. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng để giải quyết tận gốc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, nhất thiết phải sớm sửa Luật Đất đai. Trong khi đó, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lại không tin tưởng việc sửa đổi luật có thể thay đổi thực trạng, thậm chí cho rằng khiếu nại, tố cáo về đất đai sẽ tiếp tục gia tăng, nhất là khi chính sách đền bù cho người thu hồi đất theo kiểu ngày càng tăng lên, người bị thu hồi sau có lợi ích đền bù lớn hơn người thu hồi trước. "Cần đầu tư suy nghĩ như thế nào, bởi không chỉ đơn giản chính sách đất đai cần hoàn thiện sẽ làm giảm khiếu nại. Tôi tin rằng khiếu nại sẽ còn tăng. Không có hy vọng giảm", ông Vượng nói. Để giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài, ông Vượng đặt niềm tin vào một bộ máy mới được thành lập với tập hợp cán bộ từ các bộ ngành liên quan có khả năng, năng lực để tham gia tập trung giải quyết. Bởi đã nhiều năm kiến nghị với nhiều giải pháp xong tất cả lại vào đấy. Xuân Linh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201009/don-khieu-nai-to-cao-van-chay-long-vong-937851/