Đón giỗ Tổ tại Đồng Nai

Dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 này, người dân Đồng Nai nếu không có điều kiện về đất Tổ Phú Thọ có thể tìm về 7 địa điểm thờ cúng Vua Hùng tại các địa phương trong tỉnh để cùng hướng về cội nguồn.

Các tầng lớp nhân dân dâng hương Vua Hùng tại công viên văn hóa Hùng Vương (huyện Trảng Bom). Ảnh: S.Thao

Theo đó, lễ giỗ Tổ tại các điểm thờ cúng Hùng Vương ở Đồng Nai sẽ đồng loạt bắt đầu từ 6h30 ngày 18-4 (10-3 âm lịch), cùng thời điểm với đền thờ chính tại tỉnh Phú Thọ.

Nhiều lựa chọn để người dân dự giỗ Tổ

Tùy vào sự thuận tiện ở nơi sinh sống, người dân có thể lựa chọn nơi tổ chức lễ giỗ Tổ gần nhất để tham gia vào sinh hoạt văn hóa truyền thống này.

Cụ thể, người dân khu vực Tân Phú, Định Quán có thể tìm về đền thờ quốc Tổ Hùng Vương tại xã Phú Sơn (huyện Tân Phú). Đền được xây dựng vào năm 1957, trên một quả đồi thấp ven quốc lộ 20. Đây là nơi thờ cúng Hùng Vương được hình thành sớm nhất tại Đồng Nai.

Năm 2017, nơi đây chính thức được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài người dân Đồng Nai, bà con ở các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng), Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) cũng tìm về tỏ lòng kính nhớ nguồn cội.

Trong số các địa điểm thờ cúng Vua Hùng tại Đồng Nai, đền thờ quốc Tổ Hùng Vương ở xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) và đền thờ quốc Tổ Hùng Vương ở phường Bình Đa (thành phố Biên Hòa) đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Còn người dân thành phố Biên Hòa và một số khu vực lân cận có thể dự lễ giỗ Tổ tại đền thờ quốc Tổ Hùng Vương ở phường Bình Đa.

Trưởng ban Quản lý đền thờ quốc Tổ Hùng Vương Nguyễn Văn Cận cho hay, đền thờ được xây dựng vào năm 1968. Năm 2015, nơi đây được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Sau nhiều lần được tỉnh quan tâm thực hiện trùng tu, tôn tạo, mở rộng, diện mạo, quy mô di tích này ngày càng đáp ứng được mong mỏi của người dân cũng như lượng người đến dâng hương vào dịp lễ. Từ khi hình thành đến nay, đền thờ không chỉ là nơi người dân thành phố Biên Hòa đến tưởng nhớ, dâng lễ lên Vua Hùng trong ngày giỗ Tổ, mà còn là nơi người dân các địa phương lân cận tìm về.

Người dân cũng có thể tìm đến Văn miếu Trấn Biên (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) nơi đặt 18 lít nước và 18kg đất lấy từ đất Tổ Phú Thọ để dâng hương. Trong ngày chính lễ, tại đây có nghi thức dâng hương, dâng hoa, dâng bánh chưng, bánh giầy...

Riêng công viên văn hóa Hùng Vương (huyện Trảng Bom), tuy mới hình thành cách nay 9 năm song đây được xem là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có quy mô lớn nhất của tỉnh. Địa điểm này có diện tích gần 11 ngàn m2, hiện là nơi có kiến trúc, cảnh quan hấp dẫn người dân vào mỗi dịp giỗ Tổ. Công viên văn hóa Hùng Vương có các hạng mục: nhà tưởng niệm Vua Hùng, nhà bia, nghi môn và hạ tầng kỹ thuật phục vụ du khách tham quan.

Khác với đền thờ quốc Tổ Hùng Vương ở phường Bình Đa và xã Phú Sơn, công viên văn hóa Hùng Vương mở cửa các ngày trong tuần để người dân đến dâng hương, khấn vái, vui chơi, tham quan chụp ảnh hay tổ chức hoạt động về nguồn.

Còn tại đình Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) và đền thánh Trần Hưng Đạo (phường Xuân Trung, thành phố Long Khánh), Ban Quản lý di tích lịch sử đình Hưng Lộc và Ban quý tế đền thánh Trần Hưng Đạo sẽ tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương với các nghi thức truyền thống cùng với các nơi thờ cúng Vua Hùng trong cả nước.

Riêng tại đền thờ Vua Hùng (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc), tuy không gian thờ phụng khiêm tốn song lễ giỗ Tổ được tổ chức trang nghiêm, thành kính. Nét sinh hoạt văn hóa này được duy trì tại đây đã đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương.

Ngoài ra, nhiều địa phương, các đình đền, các trường học mang tên Hùng Vương trong tỉnh cũng tổ chức lễ giỗ Tổ theo quy mô khác nhau để cộng đồng cùng tham gia.

Nhiều hoạt động dành cho cộng đồng

Cùng với phần lễ chính, các địa điểm tổ chức giỗ Tổ năm nay cũng thực hiện nhiều hoạt động của phần hội để người dân tham gia.

Công viên văn hóa Hùng Vương (huyện Trảng Bom) nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Toàn

Theo đó, các hoạt động thi gói bánh chưng, làm bánh giầy, giao lưu ẩm thực, trò chơi dân gian, cho chữ thư pháp, xem biểu diễn văn nghệ, xem đoàn rước vật phẩm thờ cúng Vua Hùng đi qua các tuyến đường… là đặc sản không thể thiếu ở lễ giỗ Tổ tại Đồng Nai.

Cụ thể, từ 6h, đoàn rước bánh chưng, bánh giầy sẽ khởi hành từ Văn miếu Trấn Biên về đền thờ quốc Tổ Hùng Vương ở phường Bình Đa. Một đoàn rước khác di chuyển từ UBND phường Bình Đa cũng về đền thờ quốc Tổ Hùng Vương ở đây để dâng lễ vật. Trong quá trình di chuyển, các đoàn lân - sư - rồng sẽ biểu diễn để phục vụ người dân.

Lễ giỗ Tổ tại đền thờ Vua Hùng ở phường Bình Đa không chỉ diễn ra vào buổi sáng, mà xuyên suốt hết đêm với các trò chơi dân gian có thưởng, giao lưu văn nghệ…

Trong khuôn khổ lễ giỗ Tổ, UBND huyện Trảng Bom tổ chức giao lưu nghệ thuật truyền thống phục vụ người dân miễn phí. Đồng thời, Ban tổ chức lễ giỗ còn phát động cuộc thi sáng tác ảnh nhanh ngay tại Lễ giỗ Tổ Hùng Vương dành cho những ai có đam mê nhiếp ảnh. Hoạt động này dự kiến thu hút đông đảo người yêu nhiếp ảnh trong tỉnh đến tham gia, sinh hoạt, trải nghiệm trong ngày giỗ Tổ để cùng sáng tạo nên những tác phẩm nhiếp ảnh đẹp.

Một nét sinh hoạt độc đáo khác trong lễ giỗ Tổ ở đền thánh Trần Hưng Đạo (phường Xuân Trung, thành phố Long Khánh) là Ban tổ chức sẽ rước bài vị của quốc Tổ Hùng Vương đi 3 vòng quanh đền để người dân bái vọng thay vì tập trung vào bên trong chính điện để chờ đợi. Đây được xem là nét riêng trong tổ chức lễ giỗ Tổ của đền thánh Trần Hưng Đạo so với các nơi khác.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202404/don-gio-to-tai-dong-nai-ef76699/