Đón đầu bằng Cú hích lớn: Phát triển nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, với mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP lên 8% mỗi năm. Do đó, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào giáo dục đại học và đào tạo kỹ năng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Việt Nam có đủ điều kiện tiên quyết để thực hiện Cú hích lớn thành công trong giáo dục bậc đại học.

Cho dù đã có những tiến bộ lớn về kinh tế từ những năm 80 (thế kỷ XX) trở lại đây, Việt Nam vẫn có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, điều này có thể thấy ở xu hướng tăng trưởng năng suất chậm lại do cạn kiệt nguồn lực sau các chiến lược tăng trưởng giai đoạn đầu.

Kể từ năm 1980, chỉ có 11 quốc gia tăng thu nhập bình quân đầu người bằng 50% hoặc hơn so với mức tăng trưởng của Hoa Kỳ. Tám trong số các quốc gia này là thành viên mới của Liên minh châu Âu, các quốc gia còn lại (Hàn Quốc, Đài Loan và Panama) là những các quốc gia duy nhất ngoài Liên minh châu Âu đã thu hẹp đáng kể khoảng cách thu nhập với Hoa Kỳ, vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.

CẦN ĐẦU TƯ VÀO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ ĐÀO TẠO KỸ NĂNG

Các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình đã thành công trong việc củng cố năng lực công nghệ và quản lý, tạo lợi suất quy mô, đặc biệt là trong các ngành xuất khẩu; họ đã có sẵn hệ thống giáo dục và đào tạo chất lượng cao trước khi bắt đầu đẩy mạnh sản xuất để xuất khẩu.

Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp với mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 năm độc lập vào năm 2045. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 6,5% trong ba thập kỷ qua đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đạt thành tích cao nhất trong khu vực và đạt được Chỉ số phát triển con người cao mặc dù có mức thu nhập quốc gia tương đối thấp.

Xuất khẩu đã tăng ở mức hai con số trong cùng thời kỳ. Chính phủ cam kết sâu sắc với định hướng vượt qua bẫy thu nhập trung bình và gia nhập nhóm ít các quốc gia Đông Á và châu Âu đã thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Để đạt được khát vọng kinh tế của mình, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP lên 8% mỗi năm, duy trì tăng trưởng xuất khẩu và tăng mạnh tỷ trọng đầu tư trong GDP. Ngay cả như vậy, trở ngại đối với tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa được giải quyết. Việt Nam đầu tư chưa đủ vào giáo dục đại học và đào tạo kỹ năng.

Trong khi học sinh các trường trung học cơ sở đạt được kết quả nổi bật trong các bài kiểm tra thành tích học sinh quốc tế, tuyển sinh đại học và chi tiêu công cho giáo dục đại học, nghiên cứu và giáo dục nghề nghiệp lại tụt hậu so với các nước láng giềng. Dữ liệu của UNESCO cho thấy ở Việt Nam chi tiêu công cho giáo dục bậc đại học tính theo tỷ lệ so với sản lượng quốc dân thấp hơn khoảng 10% so với mức trung bình thế giới và chỉ bằng một nửa mức của các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Malaysia.

Vào những năm 1940, nhà kinh tế học Paul Rosenstein-Rodan đã xác định lợi suất quy mô là yếu tố hàng đầu trong sự phát triển của châu Âu thời hậu chiến và ông kết luận rằng sự thay đổi dần dần sẽ không đủ để đưa các nước đi vào con đường tăng trưởng mới. Lý thuyết “Cú hích lớn” của ông là tiền đề cho lý thuyết tăng trưởng mới xuất hiện vào những năm 1980 và 1990, trong đó nhấn mạnh tác động lan tỏa của việc tập trung đầu tư vào một ngành hoặc một khu vực.

Việt Nam hiện cần một Cú hích lớn (một chiến dịch sâu rộng, bền vững và quyết tâm cao do Chính phủ chủ trì) nhằm chuyển đổi nền giáo dục bậc đại học, các tổ chức nghiên cứu và trường dạy nghề. Việt Nam rất cần có hệ thống giáo dục chất lượng hàng đầu, song song với việc thiết lập lộ trình giáo dục cho những người trẻ tài năng bất kể nơi sinh sống và học tập. Đây là yếu tố trọng yếu để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”.

CƠ HỘI ĐỂ KIẾN THIẾT MỘT CÚ HÍCH LỚN

Việt Nam đang có cơ hội để kiến thiết một Cú hích lớn trong giáo dục bậc đại học và nghiên cứu, với sự tham gia từ nhiều bên liên quan, trong đó có các cơ quan chính phủ ở cấp trung ương và địa phương, cũng như các doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân, công ty đa quốc gia, đối tác quốc tế, học giả, giới nghiên cứu, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Mặc dù mỗi đối tượng này có thể có những lý do khác nhau để ủng hộ Cú hích lớn, nhưng tất cả đều sẽ được hưởng lợi từ thành công của Cú hích này.

Hiện nay, Việt Nam hội nhập chặt chẽ vào các hệ thống sản xuất khu vực và toàn cầu, mang lại cho các đối tác quốc tế lợi ích quan trọng đối từ sự tiến bộ của mình, đặc biệt là kỹ năng và chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam. Nhu cầu kinh tế và chính trị thúc đẩy các công ty đa quốc gia phải đa dạng hóa mạng lưới sản xuất, bao gồm chuỗi cung ứng cho hàng hóa sản xuất và mở rộng sang nghiên cứu cơ bản, thiết kế, phát triển và thử nghiệm sản phẩm. Các công ty trong nước đã xây dựng năng lực tiên tiến trong các lĩnh vực mới nổi, như: viễn thông, an ninh mạng, hóa sinh, năng lượng tái tạo và xe điện...

(*) Bà Meredith Woo là Giáo sư tại Đại học Bang Arizona (Arizona State University), trước đây Bà là Chủ tịch của Trường Cao đẳng Sweet Briar, Virginia và Giám đốc trường Nghệ thuật và Khoa học, Đại học Virgina. Ông Jonathan Pincus là chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 38-2023 phát hành ngày 18-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Meredith Woo và Jonathan Pincus (*)

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/don-dau-bang-cu-hich-lon-phat-trien-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-viet-nam.htm