Đón cháu đi học về mà tôi sửng sốt vì câu nói của cháu: Chẳng lẽ 70 tuổi như tôi không thấu đáo bằng thằng bé học lớp 4?

Tôi tin với nhiều đứa bé ở độ tuổi ấy nó vẫn còn ngây ngô, không thể nghĩ xa như cháu tôi được.

Từ ngày về hưu lịch của vợ chồng tôi chỉ quanh quẩn vườn tược, đón cháu, cơm nước ngày 2 bữa phục vụ các con. Nhưng mình già rồi, suy nghĩ rồi cách nhìn nhận nó cũng khác bọn trẻ. Bà nhà tôi thi thoảng có xích mích với con dâu cũng vì khác biệt trong cách dạy cháu. Nói nhiều nó lại bảo: “Thời đại ông bà khác, các cháu khác”.

Câu nói "sốc óc" của thằng bé lớp 4

Thằng cháu nội tôi mới học lớp 4 mà lịch học dày đặc, học ở trường, học thêm Toán, Tiếng Anh, Tin Học rồi còn học đá bóng, bơi… Tôi thấy nó đi học suốt mà không biết có vào đầu được hết không. Nghĩ vừa thương cháu mà cũng vừa bất lực vì bố mẹ nó nói thế nào cũng không nghe. So với những đứa trẻ trong xóm thì tôi thấy nó khá ngoan, có thể tự biết nấu mỳ ăn, cắm cơm, luộc rau mỗi tội hơi trầm tính. Không biết có phải bố mẹ nó bắt nó học quá nhiều?

 Ảnh minh họa (Nguồn AI)

Ảnh minh họa (Nguồn AI)

Chiều qua tôi đón nó đi học về, nó bảo nay thầy Toán bận nên con được nghỉ. Tôi cho nó đi 1 vòng siêu thị, bảo cháu thích gì ông mua cho. Thằng bé phấn khởi ra mặt nhưng cũng ngoan, không đòi hỏi nhiều. Lúc về đi xe vào ngõ thấy thanh niên đi trước có cái ví tiền đút túi quần sau sắp rơi ra tôi mới đi lên nhắc nhở. Cậu ta vội vàng dừng xe chuyển ví lên túi quần đằng trước.

Ngỡ đó chỉ là 1 câu chuyện bình thường mà vào đến nhà thằng cháu nhìn tôi phán 1 câu: “Ông có biết thương người thì khó đến thân không?”. Tôi ngỡ ngàng nhìn nó hỏi sao con lại nói thế. Nó bảo cậu thanh niên kia được ông nhắc nhở mà còn không biết nói cảm ơn. Nó còn để ý đến mức, trong siêu thị cậu thanh niên đó chen ngang không xếp hàng khi thanh toán và tranh cả hộp cà chua cuối cùng trong quầy rau của 1 bà cụ khác. Tôi bắt đầu thấy bất ngờ với khả năng quan sát của thằng bé.

Thế hệ Alpha không đơn giản như ta vẫn nghĩ?

Tối ấy ra sân ngồi chơi, tôi thủ thỉ hỏi nó, cũng muốn nghe nó chia sẻ suy nghĩ xem hiểu được bao nhiêu thứ trên cuộc đời này. Tôi bảo nó mình làm việc tốt xuất phát từ cái tâm của mình, đừng cân đo đong đếm xem được gì mất gì. Vì hôm nay mình làm được việc tốt thì ngày mai mình gặp nạn cũng sẽ có người giúp mình. Thế mà nó phản biện lại: “Với những người không xứng đáng thì không nên giúp ông ạ. Làm sao ông chắc chắn được là hôm nay mình giúp được người ngày thì mai người khác giúp lại mình. Ông hay giúp người mà ông vẫn bị lừa đảo đấy thôi. Ông ngã xe thằng xô vào ông nó còn bỏ chạy. Con thấy mình phải lo cho mình trước đã, chả việc gì phải nghĩ cho người khác. Nhỡ lúc nào ông giúp người ta người ta lại đổ vạ cho ông thì sao?”.

 Ảnh minh họa (Nguồn AI)

Ảnh minh họa (Nguồn AI)

Tôi nghe mà không biết khuyên bảo cháu như nào. Chẳng lẽ 70 tuổi như tôi không thấu đáo bằng thằng bé học lớp 4? Tôi không nghĩ tư duy của 1 đứa trẻ 10 tuổi có thể già đời đến như thế. Nó nói cũng có ý đúng nhưng tôi sợ nó đang hình thành lối suy nghĩ theo chiều hướng ích kỉ. Đúng là không có những tình huống bất ngờ trong cuộc sống thì tôi sẽ không hiểu được bọn trẻ thực sự nghĩ gì.

Tò mò, tôi hỏi nó chuyện bố mẹ nó có hay cãi nhau không, cảm nhận của nó thế nào thì nó đáp gọn lỏn: “Đó là chuyện của người lớn con không quan tâm”. Câu trả lời càng làm tôi thêm lo ngại sự ích kỷ trong nhân cách cháu tôi đang hình thành và có vẻ rất khó sửa.

Tôi có nên nói chuyện này với bố mẹ nó? Mà nói thì các con có tin tôi hay vẫn cho rằng khác biệt thế hệ khiến tôi không hiểu được con cháu? Tôi tin với nhiều đứa bé ở độ tuổi ấy nó vẫn còn ngây ngô, không thể nghĩ xa như cháu tôi được. Còn thời tôi và bố nó thì đúng là 10 tuổi chỉ biết chăn trâu cắt cỏ. Liệu điều tôi lo ngại có đáng để bận tâm?

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/don-chau-di-hoc-ve-ma-toi-sung-sot-vi-cau-noi-cua-chau-chang-le-70-tuoi-nhu-toi-khong-thau-dao-bang-thang-be-hoc-lop-4-172240520224235998.htm