Dominic Thiem: 'Hoa sắt' nở muộn

Dominic Thiem, 'Người sắt' của làng banh nỉ đã trải qua bao khổ luyện và đã ẵm cho mình chiếc cup Grand Slam đầu đời tại Mỹ Mở rộng 2020 danh giá.

Tháng 9 là tháng sinh nhật 27 tuổi của tay vợt người Áo Dominic Thiem. Độ tuổi này thông thường chính là cột mốc đánh dấu độ chín sự nghiệp của một vận động viên. Và Thiem đã kỷ niệm sự kiện sinh nhật của mình bằng chiếc cup Grand Slam “đầu đời” tại Mỹ Mở rộng 2020 danh giá.

Dominic Thiem cầm trên tay danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, chiếc cup Mỹ Mở rộng 2020. (Nguồn: ATP)

Tay vợt người Áo có thể được ví như “bông hoa nở muộn” của thế giới tennis, sau gần một thập kỷ phấn đấu không biết mệt mỏi để khẳng định mình trong làng quần vợt nam thế giới.

Rạng danh nước Áo

Tay vợt hạng 4 ATP sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là huấn luyện viên (HLV) tennis, ở thị trấn Lichtenworth, cách thủ đô Vienna 1 giờ chạy xe. Được làm quen với chiếc vợt từ năm 6 tuổi, Thiem chọn lối chơi phòng ngự khi còn nhỏ cho đến 12 tuổi.

“Tay của Thiem rất khỏe, nhưng tư duy của cậu ấy thiên nhiều về phòng thủ”, HLV Gunter Bresnik – người từng huấn luyện Boris Becker và Patrick McEnroe, chia sẻ. “Nếu cứ đánh trái hai tay, cậu ấy sẽ chỉ là tay vợt bình thường”, ông Bresnik nói tiếp.

Từ đó, ông khuyên Thiem chuyển sang đánh trái một tay. “Mọi người đều nghĩ tôi là thằng ngu”, Bresnik nhớ lại.

Tuy bị dè bỉu, nhưng Thiem luôn luôn đứng về phía thầy và lắng nghe từng lời chỉ bảo, dặn dò. “Khi đó, thầy Bresnik đã coi tôi như một người trưởng thành và tính đường cho tôi đánh chuyên nghiệp”, Thiem tâm sự.

Thời gian chứng minh Bresnik đã đúng. Chỉ sau một năm tập luyện, Thiem từ tốp 20 ở lứa tuổi của mình, trở lại guồng vô địch. Và tay vợt cao 1m85 trở thành một trong những tay vợt đánh trái một tay hay nhất làng banh nỉ lúc này. Những cú vung trái của anh đủ uy lực để có thể ghi điểm ở bất cứ vị trí nào.

Thiem trở thành người hùng ở quê nhà. Người dân Lichtenworth đã treo 4 bảng hiệu lớn dẫn vào thị trấn, với dòng chữ “Quê nhà của Dominic Thiem”. Chàng thanh niên đẹp trai này trở thành 1 trong những tài năng thể thao triển vọng của Áo, sánh ngang David Alaba ở môn bóng đá (Alaba chơi trong màu áo Bayern Munich và đội tuyển quốc gia Áo).

Dominic Thiem thời còn trẻ. (Nguồn: Getty)

‘Người sắt’ của làng banh nỉ

Thiem không phải là mẫu tay vợt có tài năng bẩm sinh như Roger Federer hay “Trai hư” nước Australia Nick Kyrgios. Anh từng phải chuyển sang đánh chuyên nghiệp chỉ vì quá tuổi dự các giải trẻ (giải Challenger dành cho các tay vợt thứ hạng 100 đến 300 ATP). Nhưng điều trăn trở lớn nhất của HLV Bresnik là làm thế nào để cải thiện thể lực cho cậu học trò.

Mùa thu năm 2012, Bresnik gặp và mời Sepp Resnik – cựu VĐV thể dục dụng cụ, bóng đá, Judo, điền kinh và 5 môn phối hợp, đến khu tập luyện Sudstadt. Resnik đến và chỉ dành 10 phút quan sát Thiem đánh tập.

Trở lại, ông nói: “Bresnik này, tôi xem đủ rồi. Chàng trai đó có thể làm mọi thứ từ hông trở lên, nhưng chẳng thể làm gì từ hông trở xuống”. Thế là từ mùa Đông năm đó, thầy trò ông Bresnik bắt đầu hợp tác theo chế độ tập luyện của Resnik, bao gồm 15 km chạy bộ mỗi đêm ở công viên. Đêm đầu tiên, Resnik đếm được 16 lần Thiem phải dừng chạy để đi bộ. Hai tuần sau, chàng trai trẻ chỉ cần 2 lần đi bộ.

Theo triết lý của Resnik, địa điểm tập luyện tốt nhất không phải là phòng gym, mà ở ngoài trời. Resnik và Thiem không nâng tạ ở trong nhà, mà vào rừng nâng thân cây, không dùng bể bơi trong khu thể thao, mà tìm đến sông suối.

“Chúng tôi dành hai tiếng đi bộ trong rừng’, rồi mang khúc gỗ 25kg trên vai và tiếp tục đi thêm 2 tiếng nữa. Có dịp, tôi đánh thức Thiem lúc nửa đêm và yêu cầu hít đất trong 45 phút”, ông nói.

Trước khi làm việc cùng Resnik, Thiem đứng ngoài tốp 300 ATP. Nhưng chỉ sau 8 tháng, anh nhảy vọt lên vị trí 150, tính cả 2 tháng nghỉ thi đấu vì phẫu thuật ruột. Resnik sẽ thất bại, nếu học trò của ông không có ý chí sắt đá, nghị lực phi thường như Thiem. Cũng chính từ đây, Thiem được người ta gắn cho cái tên “Người sắt”.

Năm 2018, Thiem thi đấu và thắng nhiều trận nhất ở ATP. Thời gian tập luyện của tay vợt người Áo có lẽ cũng chẳng thua kém ai. Nhắc đến Thiem, Federer từng nói: “Thiem khá tương đồng với Rafael Nadal, tức là thuộc nhóm tay vợt có chế độ tập luyện rất khắc nghiệt. Tôi ngưỡng mộ họ vì tôi không bao giờ làm được như thế”.

Tay vợt hạng 4 ATP hứa hẹn sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, và là đối thủ đáng gờm của các đàn anh. (Nguồn: Getty)

Cần cù bù thông minh

Giống như bậc tiền bối - huyền thoại đồng hương Thomas Muster, sở trường của Thiem là mặt sân đất nện, nơi anh đoạt 8 trong 12 danh hiệu ATP. Thiem nằm trong số ít tay vợt từng hạ Nadal 3 lần trên sân đất nện, chỉ sau Djokovic (7 lần).

Nhưng tay vợt điển trai chưa từng đi quá tứ kết Grand Slam sân cỏ và sân cứng. Với ý chí sắt đá như Thiem, anh hiển nhiên muốn cải thiện khả năng trên sân cứng.

Trước thềm Indian Wells Masters 2019, Thiem tìm đến sự trợ giúp của Nicolas Massu. Cựu tay vợt người Chile cũng ưa đánh trên sân đất nện, nhưng thành quả lớn nhất sự nghiệp của ông lại diễn ra trên sân cứng: Huy chương vàng Olympic 2004.

Massu không tiết lộ nhiều về lợi ích ông mang lại cho Thiem: “Tôi chỉ muốn cậu ấy chơi tấn công nhiều hơn trên sân cứng”, ông nói. Và công sức của thầy trò đã được đền đáp ngay ở giải đầu tiên làm việc cùng nhau.

Thiem tiến một mạch đến bán kết Indian Wells mà không thua set nào. Sau đó anh lần lượt cho Raonic và Federer phơi áo. Ít ai ngờ danh hiệu Masters 1000 đầu tiên trong sự nghiệp của “Hoàng tử sân đất nện” lại đến từ mặt sân cứng, sau 2 lần thua ở chung kết trên sân đất nện!

Lao động siêu cần cù và những nỗ lực vươn lên không biết mệt mỏi của Thiem đã được đền đáp xứng đáng bằng danh hiệu Grand Slam “đầu đời” ở Mỹ Mở rộng vừa qua. Nhiều chuyên gia dự đoán tay vợt người Áo sẽ còn tiến xa trong sự nghiệp của mình. Năm ngoái Thiem đã hạ Djokovic trên đường vào chung kết Pháp Mở rộng, nhưng thua Nadal ở trận chung kết. Tại giải Australia Mở rộng vào tháng 1 năm nay, anh loại Nadal ở tứ kết nhưng lại thất bại trước Djokovic ở chung kết.

Trước sự kính nể của làng banh nỉ, Thiem chí khiêm tốn đáp lại: “Tôi là mẫu tay vợt cần tập luyện thật nhiều, nếu không, sẽ không chơi tốt”. Và nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp “Người sắt” lần đầu tiên lên đỉnh ở Mỹ Mở rộng 2020, hy vọng anh sẽ tiếp tục thành công ở Pháp Mở rộng cận kề...

Xuân Hồng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dominic-thiem-hoa-sat-no-muon-123897.html