Đối tượng lừa đảo chạy chế độ chiếm đoạt cả tỷ đồng: đối diện khung hình phạt cao nhất?

Chuyên gia pháp lý nhận định, với thủ đoạn, tính chất và hành vi của đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ của nhiều người để chạy chế độ chính sách đã xâm hại tới nhiều khách thể và phải đối diện với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Đối tượng Phạm Văn Yên bị cáo buộc lừa đảo chạy chế độ chính sách để chiếm đoạt cả tỷ đồng. Ảnh: CQCA cung cấp

Vụ việc lừa đảo

Ngày 11/4, CA tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Văn Yên, SN 1954, trú tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bìnhđể tiếp tục điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Theo CQĐT, lợi dụng nhu cầu muốn hưởng chế độ chính sách của nhiều người, đối tượng Phạm Văn Yên đã tự nhận mình đang là thành viên của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đảm nhiệm chức danh Phó giám đốc Văn phòng đại diện của Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử tại tỉnh Thái Bình, có thể giúp nhiều người được hưởng chế độ trợ cấp khuyết tật, bệnh binh hàng tháng.

Để tạo niềm tin, đối tượng Phạm Văn Yên đã làm giả các quyết định về việc trả trợ cấp bệnh binh, khuyết tật hàng tháng do Yên tự ký và đóng dấu. Hàng tháng, Yên chuyển tiền vào tài khoản của bị hại với nội dung giả mạo là tiền trợ cấp bệnh binh, khuyết tật, qua đó tạo được niềm tin với các nạn nhân. Chỉ từ tháng 1/2023 đến tháng 2/2024 đã có khoảng 100 người bị hại đưa tiền cho Phạm Văn Yên để làm chế độ bệnh binh, chế độ khuyết tật, tổng số tiền đối tượng Phạm Văn Yên chiếm đoạt là hơn 1 tỷ đồng. Tại CQĐT, Yên bước đầu khai nhận, số tiền này được dùng vào mục đích tiêu xài cá nhân chứ không chạy chế độ như hứa hẹn với mọi người...

Nhận định từ luật sư

Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc Cơ quan An ninh điều tra CA tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với đối tượng Phạm Văn Yên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” là có cơ sở.

Về hành vi chiếm đoạt tài sản, luật sư Nguyễn Hồng Thái nêu quan điểm, các tội phạm về sở hữu hiện nay xuất hiện khá phổ biến, xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội kéo theo sự gia tăng của các tội phạm về sở hữu như trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản… và pháp luật quy định những hình phạt thích đáng cho những người thực hiện các hành vi nêu trên.

Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng Phạm Văn Yên đã thỏa mãn dấu hiệu của tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50-200 triệu đồng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Còn nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xem xét mức hình phạt tối đa tù chung thân. “Với số tiền chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng như cáo buộc của CQĐT, đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có mức hình phạt đến 20 năm tù hoặc tù chung thân” - Luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định.

Hình phạt bổ sung với người phạm tội là phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết thêm, hành vi làm giả con dấu, giả mạo chữ ký tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi gây ra, người vi phạm bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.Tuy nhiên, ở những vụ việc làm giả con dấu, giả chữ ký như vụ án trên đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội danh quy định tại Điều 341,BLHS năm 2015 về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo đó, với hành vilàm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, người phạm tội có thể đối diện với mức hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm, mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.Như vậy, đối chiếu với quy định nêu trên,ngoài việc bị cơ quan chức năng phạt tiền, đối tượng Phạm Văn Yên còn phải đối diện với án phạt tù nghiêm khắc.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/doi-tuong-lua-dao-chay-che-do-chiem-doat-ca-ty-dong-doi-dien-khung-hinh-phat-cao-nhat-377052.html