Đồi trồng sầu riêng ngay điểm sạt lở trên đèo Bảo Lộc có một phần đất rừng

Sau khi rà soát, cơ quan chức năng xác định đồi trồng sầu riêng trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) có một phần nằm ngoài và một phần trong quy hoạch 3 loại rừng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra hiện trường sạt lở đèo Bảo Lộc.

Ngày 2/8, nguồn tin VietNamNet cho biết, Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) vừa có báo cáo về tình hình quy hoạch tại khu vực chốt CSGT đèo Bảo Lộc – nơi xảy ra sạt lở khiến 3 CSGT hy sinh, một người dân tử vong và các vấn đề liên quan vườn sầu riêng trên đồi.

Trong báo cáo của Hạt Kiểm lâm, vị trí đất bị sạt lở tại chốt CSGT đèo Bảo Lộc thuộc tiểu khu 581B, thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai). Khu vực này trước đây thuộc đất lâm nghiệp do Lâm trường Đạ Huoai quản lý, đến năm 1999 bàn giao cho Ban quản lý rừng Nam Huoai.

Năm 2008, tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng giai đoạn 2008-2020, phần diện tích khu vực trên (gồm chốt CSGT đèo Bảo Lộc, phần diện tích trồng sầu riêng bị sạt lở và một phần diện tích miếu Ba Cô) là đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng với diện tích khoảng 2,7 ha.

Hiện trường sạt lở, phía trên là đồi trồng sầu riêng.

Đến năm 2013, tỉnh Lâm Đồng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tại huyện Đạ Huoai, giai đoạn 2013-2020, thì phần diện tích từ chốt CSGT đến khu vực miếu Ba Cô khoảng hơn 0,6 ha (chiều rộng tính từ mép đường vào chân taluy dương phía sau chốt đến miếu Ba Cô rộng khoảng 29m) là đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng; 2,1ha còn lại được đưa vào quy hoạch 3 loại rừng.

Báo cáo của Hạt Kiểm lâm xác định, phần nhà của chốt CSGT không thuộc diện tích quy hoạch 3 loại rừng.

Còn diện tích đất bị sạt trượt, gồm: một phần diện tích nằm ngoài và một phần nằm trong quy hoạch 3 loại rừng. Phần đất này do bà Đ.T.L (người địa phương) canh tác cây nông nghiệp trước năm 1985 đến nay. Hiện, khu vực này được bà L. trồng cây sầu riêng, khoảng 3 năm tuổi.

Khối lượng đất đá sạt lở nằm trong khu vực trồng sầu riêng.

Trong khi đó, trả lời báo chí, bà Đ.T.L - chủ vườn sầu riêng cho biết, phần đất trên được gia đình bà khai hoang trước năm 1975, canh tác từ đó tới nay. Tại khu vực đất trên, trước năm 2019, bà L. trồng bơ, mít và một số loại cây ăn trái khác. Đến năm 2020, gia đình bà chuyển quyền sản xuất cho cháu trai gọi bằng cô, vì những loại cây này kém chất lượng. Sau đó, người cháu trai cải tạo phần đất trên để trồng cây sầu riêng.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, ngày 31/7, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo về các vấn đề liên quan chốt CSGT đèo Bảo Lộc.

Cụ thể hơn, theo ông Hiệp, năm 1993, trạm CSGT được xây ở khu vực đèo Bảo Lộc, nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự giao thông. Các điều kiện pháp lý liên quan đến trạm này đều được thực hiện đầy đủ, chuyển đổi từ đất rừng sang đất xây dựng.

Hiện trường sạt lở khiến 3 CSGT hy sinh và một người dân.

Liên quan sự việc trên, hôm 1/8, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong đó quy định rất rõ về quy chế quản lý và sử dụng với 3 loại rừng: phòng hộ, đặc dụng, sản xuất. Vị trí sạt lở là rừng phòng hộ. Rừng phòng hộ phải trồng cây bản địa có bộ rễ phát triển, lá không rụng theo mùa.

Khu vực sạt lở thuộc đồi trồng sầu riêng trên đất rừng phòng hộ nên phải có trách nhiệm của địa phương về quy hoạch, rà soát lại đất rừng phòng hộ và trồng theo quy định.

Ô tô nằm trong đống đổ nát.

Trước đó, ngày 30/7, khối lượng lớn đất đá trên đồi cao nơi trồng sầu riêng bị sạt lở xuống chốt CSGT đèo Bảo Lộc. Lúc này, 3 chiến sỹ CSGT thuộc Trạm CSGT Madagui và anh Phạm Ngọc Anh (người dân tới hỗ trợ) đang di chuyển tài sản, đồ đạc tại chốt đã bị vùi lấp, mất tích. Đến 12h ngày 31/7, thi thể nạn nhân cuối cùng được tìm thấy.

Xuân Ngọc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doi-trong-sau-rieng-ngay-diem-sat-lo-tren-deo-bao-loc-co-mot-phan-dat-rung-2172739.html