'Đổi trắng thay đen'

'Ba tổ chức nhân quyền Việt Nam phản biện báo cáo của Việt Nam đệ nạp cho Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc' là nội dung đang được các hội nhóm 'dân chủ' tích cực lan truyền. Theo thông tin được rêu rao, cái gọi là 'Mạng lưới nhân quyền Việt Nam', 'Tổ chức Người Bảo vệ nhân quyền' và 'Hội Nhà báo độc lập Việt Nam' đã bắt tay với nhau để xây dựng một báo cáo dài 24 trang với nội dung 'trình bày việc chính phủ Việt Nam thực hiện các quy định của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị thông qua các sự kiện thực tế'. Dĩ nhiên, như bản chất vốn có, các 'tổ chức nhân quyền' này tiếp tục thể hiện tư duy lệch lạc, cái nhìn phiến diện, sai sự thật về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam nhằm mục đích chống phá chính quyền.

Thực hiện cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã tiến hành rà soát và hoàn thiện báo cáo lần thứ IV gửi Hội đồng Nhân quyền. Theo dự kiến, Hội đồng Nhân quyền sẽ thông qua kết quả rà soát với Việt Nam tại khóa họp thứ 57 (diễn ra tháng 9-2024). Lợi dụng danh nghĩa bảo vệ dân chủ, nhân quyền, các hội nhóm chống phá cũng coi đây là “thời cơ vàng” để công kích đất nước. Một trong những thủ đoạn được chúng thực hiện là cóp nhặt, xào xáo, nhào nặn thông tin, xây dựng những báo cáo có nội dung sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam và gửi đến các cơ quan của Liên hợp quốc. Trong báo cáo có tiêu đề “Alternative report on the list of issues related to the international covenant on civil and political rights for the fourth reporting cycle of the socialist republic of Vietnam” (tạm dịch: Báo cáo thay thế các vấn đề liên quan đến Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cho kỳ báo cáo thứ tư của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”, “Tổ chức Người Bảo vệ nhân quyền” và “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” đưa ra, những thông tin thiếu chính xác về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục được rêu rao. Những kẻ này cho rằng: “Người dân bị tước quyền lựa chọn hệ thống chính trị và đại diện của mình một cách hòa bình”, “những sai sót trong tố tụng hình sự đã dẫn đến kết án tử hình oan uổng”, “các tín đồ tôn giáo tiếp tục phải chịu sự phân biệt đối xử và kỳ thị”… Với những luận điệu được đưa ra, giới “dân chủ” quy kết “Chính phủ Việt Nam vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”, “Chính phủ Việt Nam đáng bị cộng đồng quốc tế lên án” (?!).

Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc - UPR ra đời từ năm 2008 nhằm thúc đẩy các quốc gia thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền cũng như tăng cường năng lực thực thi nhân quyền thông qua tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm trên cơ sở nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch và xây dựng. Theo cơ chế này, tất cả quốc gia của Liên hợp quốc đều phải đưa ra trước Hội đồng Nhân quyền để đánh giá về việc thực hiện quyền con người với chu kỳ 4 năm (cho kỳ thứ nhất) và 4,5 năm 1 lần (kể từ chu kỳ thứ hai trở đi). Có thể khẳng định, Việt Nam luôn nghiêm túc, nỗ lực trong thực hiện các cam kết về vấn đề bảo đảm nhân quyền. Những kết quả mà nước ta đạt được luôn được bạn bè quốc tế tin tưởng và đánh giá cao. Ngày 11-10-2022, Việt Nam lần thứ hai được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Quay lại với bản “báo cáo thay thế” đang được giới “dân chủ” lan truyền, không khó để thấy các đối tượng xấu tiếp tục sử dụng lại chiêu bài đánh tráo khái niệm, “vẽ quạ thành công”. Một mặt, chúng phớt lờ những kết quả tích cực mà Việt Nam đã đạt được và xoáy sâu, thổi phồng những mặt hạn chế để tạo ra bức tranh đầy màu sắc u ám về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam; mặt khác, những kẻ này tích cực ca ngợi các “hình mẫu ngược”, cố tình “đổi trắng thay đen”, khoác lên mình những kẻ chống phá tấm áo “dân chủ” nhằm đánh lừa dư luận. Trên cơ sở phân tích các quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình, xét xử độc lập…, nhiều quan điểm lệch lạc, sai trái, vô căn cứ đã được chúng lồng ghép, chia sẻ. Núp dưới vỏ bọc nhân quyền là mưu đồ chống phá đất nước, gây sức ép, cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là điều không thể chấp nhận.

Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người, luôn coi nhân dân là trung tâm của phát triển. Những năm qua, nước ta đã triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm và thúc đẩy quyền con người một cách toàn diện, bao gồm: Cải cách hệ thống pháp luật về quyền con người; tiếp tục tăng cường và bảo vệ các quyền con người trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị; đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; giáo dục về quyền con người; tiếp tục gia nhập các chuẩn mực quốc tế về quyền con người; thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người; hợp tác quốc tế về quyền con người. Trong một thế giới có nhiều biến động, thậm chí là bất ổn như hiện nay, chúng ta vẫn giữ vững môi trường an toàn, hòa bình, ổn định để phát triển. Đây là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân, khẳng định sự đúng đắn trên con đường cách mạng mà chúng ta đang đi.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/153075/doi-trang-thay-den