Đối thoại với doanh nghiệp, ngân hàng hứa giảm lãi suất

Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM khẳng định với mức lãi suất quá cao, lên đến 14%-15%/năm như hiện nay thì khó có thể phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Câu chuyện doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốnvà lãi suất cho vay quá cao một lần nữa làm nóng hội nghị đối thoại ngân hàng - DN diễn ra ngày 28-2. Hội nghị do UBND TP.HCM, Sở Công Thương và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM phối hợp tổ chức.

Có tài sản vẫn không được vay

Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất thương mại Mebipha, chia sẻ: Chúng tôi có tài sản nhưng không được định giá để đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Theo đó, trải qua hơn hai năm dịch COVID-19, khối tài sản còn lại của công ty là đất nông nghiệp ở các tỉnh và đất thuê trả tiền hằng năm ở các khu công nghiệp.

11.000 tỉ vay ưu đãi

Tại hội nghị, 16 ngân hàng thương mại ở TP.HCM đã ký cam kết cho 64 DN vay 11.000 tỉ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm và trung, dài hạn 10%/năm phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Thế nhưng đem đất nông nghiệp đi thế chấp thì bị ngân hàng định giá rất thấp, thời gian phê duyệt hồ sơ kéo dài từ hơn một tháng đến hai tháng. Còn đất thuê trả tiền hằng năm tại các khu công nghiệp thì bị từ chối, không ngân hàng nào đồng ý cho vay.

“Vậy Nhà nước, ngân hàng có cách nào để tháo gỡ những khó khăn này giúp DN có vốn sản xuất, kinh doanh?” - bà Lâm Thúy Ái tha thiết.

Cùng ý kiến, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, cho biết: Hiện nay các ngân hàng định giá đất nông nghiệp thấp hơn rất nhiều so với thị trường, dẫn đến việc các DN sản xuất nông nghiệp không đủ sức cạnh tranh với các DN khác. Không chỉ vậy, trước đây ngân hàng vẫn cho vay bằng tài sản bảo đảm là đất nông nghiệp ở các tỉnh nhưng hiện đem tài sản bảo đảm này gõ cửa ngân hàng thì đều bị từ chối.

Ông Vũ nhấn mạnh: “Lãi suất cho vay không ổn định đã gây khó khăn rồi, giờ đây ngân hàng lại “kén cá chọn canh”, từ chối nhận tài sản bảo đảm là đất nông nghiệp ở các tỉnh. Điều này càng đẩy các DN sản xuất nông nghiệp như chúng tôi vào chỗ khó khăn hơn”.

DN gặp khó vì lãi suất cho vay cao

Lãnh đạo Công ty Nệm Vạn Thành nêu thực tế lợi nhuận hằng năm của công ty chỉ đạt 10%-15%, chưa kể các chi phí đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ... Thế nhưng lãi suất cho vay hiện lên tới trên 10%/năm là quá cao, tạo gánh nặng lớn cho nhà sản xuất, kinh doanh.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN cơ khí - điện TP.HCM, kể bản thân ông cũng là DN nên có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng. Có ngân hàng trước đây lãi suất hợp lý nhưng sau này cứ từ từ tăng lên. Khi thấy lãi suất cho vay tăng lên quá cao, không chịu nổi, công ty muốn tất toán khoản vay và rút tài sản thế chấp sang ngân hàng có lãi suất cho vay hợp lý hơn. Nhưng để xin rút tài sản thế chấp của chính mình cũng vô cùng gian nan.

Phát biểu tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp cho rằng với lãi suất cao như hiện nay họ không thể trụ nổi. Ảnh: TL

“Chỉ có việc rút tài sản bảo đảm ra mà nhân viên tín dụng cứ viện cớ là sếp bận, chưa coi, chưa ký… suốt từ tuần này sang tuần khác. Tôi không hiểu ngân hàng làm việc kiểu gì? Cách làm việc như vậy cho thấy ngân hàng và DN đang có sự bất bình đẳng một cách vô lý!” - ông Tống bức xúc.

Chủ tịch Hội DN cơ khí - điện TP.HCM cũng cho hay trong số những hội viên, có đơn vị khóc vì lãi suất ngân hàng quá cao. Có trường hợp DN đã được cấp hạn mức cho vay nhưng đến thời điểm giải ngân, ngân hàng nói không có tiền. Trong khi đó, máy móc đã nhập về đến cảng khiến DN phải tốn thêm hàng trăm triệu đồng cho chi phí lưu cảng. Thử hỏi công bằng ở đâu?

“Qua báo chí chúng tôi được biết có chương trình cho vay với lãi suất chỉ 5,5%/năm nhưng tôi cho rằng mức lãi suất đó chỉ có… trong mơ. Chúng tôi băn khoăn là tại sao có DN được vay với lãi suất thấp như vậy mà mình phải chịu mức lãi suất trên 10%/năm, trong khi xét thấy mình hoàn toàn đúng đối tượng” - ông Tống thắc mắc.

Ngân hàng hứa sẽ giảm lãi suất

Phản hồi ý kiến từ các DN, ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết: Theo chính sách tín dụng trong năm nay, chúng tôi tập trung đẩy mạnh tín dụng vào các DN sản xuất trong khu chế xuất. Đối với những khu đất thuê hằng năm nhưng đã trả trước tiền hạ tầng một lần, chúng tôi vẫn có thể xem xét định giá quyền phát sinh trên hợp đồng thuê; còn với tài sản trên đất nhà xưởng vẫn thế chấp được với giá trị tương ứng.

Đối với đất nông nghiệp, nhất là đất nông nghiệp ở tỉnh, ngân hàng định giá đất căn cứ trên cơ sở giá thị trường. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây có thời điểm giá đất nông nghiệp ở một số khu vực bị đẩy lên rất cao tới 10-15 triệu đồng/m2. Vì vậy, ngân hàng không thể định giá theo mức giá đất bị thổi phồng, mà phải định giá trong thời điểm thị trường ổn định trong thời gian dài.

Liên quan đến lãi suất, tổng giám đốc OCB nhấn mạnh lãi suất cao cũng là rủi ro lớn với ngân hàng. Bởi khi chi phí tài chính của DN tăng cao dẫn đến khả năng khó trả nợ, phát sinh nợ xấu và đây là nỗi ám ảnh lớn nhất của ngành ngân hàng. Vì vậy trong vòng vài tuần tới lãi suất có thể sẽ giảm nhanh.

Liên quan đến thắc mắc về chương trình lãi suất cho vay chỉ 5,5%/năm, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh nhấn mạnh: Đây là chương trình cho vay ưu đãi ngắn hạn 3-6 tháng bằng tiền đồng dành cho các DN thuộc năm nhóm ngành gồm: Xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao. Mức trần lãi suất cho vay hiện nay không vượt quá 5,5%/năm, còn năm ngoái mức trần chỉ có 4,5%/năm. Tổng dư nợ tính đến thời điểm hiện tại của chương trình đạt khoảng 200.000 tỉ đồng.

“Nói bằng số liệu như vậy để thấy cơ chế chính sách đã đi vào thực tiễn, chứ không phải NHNN nói ra rồi để đó và chẳng có DN nào tiếp cận được. Trong suốt 10 năm qua, chương trình này đã hỗ trợ rất nhiều cho DN. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh lần nữa là đã hỗ trợ với lãi suất ưu đãi thì phải có điều kiện đi kèm. Đó là DN phải đáp ứng đúng, đủ điều kiện tín dụng; DN nhỏ và vừa phải công khai, minh bạch về tài chính, sổ sách kế toán rõ ràng, có kết quả kinh doanh dương ba năm liền kề trước thời điểm vay vốn” - ông Lệnh nói.

Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cũng nhìn nhận lãi suất tăng cao là tình trạng chung sau nhiều lần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Tuy vậy, hiện lãi suất cho vay đang giảm nhanh hơn lãi suất huy động và trong thời gian tới lãi suất sẽ giảm dần theo diễn biến thị trường trong nước và quốc tế.

Cần tìm cách giảm lãi suất cho vay

Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết ông đánh giá cao cuộc đối thoại giữa ngân hàng và DN hôm nay. Song vẫn cần có nhiều cuộc đối thoại thẳng thắn như thế này để tìm được tiếng nói chung, từ đó có thể hợp tác trên tinh thần thực sự lắng nghe và cùng nhau giải quyết để đôi bên cùng có lợi.

“Nếu bất bình đẳng trong thực tiễn phát sinh do cơ chế đặt ra thì chúng ta phải kiến nghị sửa cơ chế. Còn nếu vướng mắc chỉ là câu chuyện của từng trường hợp cụ thể thì không nên khái quát thành vấn đề lớn, bởi như vậy sẽ dẫn đến việc nhận diện vấn đề không chính xác” - ông Mãi lưu ý.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TL

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị NHNN Chi nhánh TP.HCM nghiên cứu thêm các kênh kết nối khác để DN có thể thường xuyên phản ánh các vướng mắc, kiến nghị đến cơ quan quản lý và lãnh đạo TP.

Ông cũng cho rằng vốn và lãi suất là hai vướng mắc lớn nhất của các DN mà ông có dịp tiếp xúc từ cuối năm ngoái đến nay. Do đó, các ngân hàng thương mại cần rà soát, xem xét cắt giảm các chi phí vô danh, kiểm tra xem có phí bôi trơn, phí ngoài lãi suất không… qua đó tạo dư địa hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ DN thoát khỏi giai đoạn khó khăn hiện nay.

“NHNN và các ngân hàng thương mại cũng cần quan tâm đến việc cơ cấu lại nợ, các vấn đề về lãi suất, tín dụng ưu đãi cho DN” - lãnh đạo UBND TP.HCM nói.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/doi-thoai-voi-doanh-nghiep-ngan-hang-hua-giam-lai-suat-post721860.html