Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam

Ngày 29-7, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Tọa đàm 'Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam'.

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045, việc đánh giá nền kinh tế thị trường Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng và có ý nghĩa. Tuy nhiên, để theo dõi và đánh giá thường kỳ mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường, chúng ta cần dựa vào một bộ chỉ số có tính quốc tế để so sánh với các nước trên thế giới.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

GS, TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: Hiện nay trên thế giới có hai bộ chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường. Bộ chỉ số thứ nhất là Index of Economic Freedom do Quỹ di sản và Tạp chí phố Wall của Mỹ xây dựng từ năm 1995. Bộ chỉ số thứ hai là Economic Freedom of the World do Viện Fraser Institute (Canada) xây dựng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi nền kinh tế càng phát triển, mối quan hệ giữa tự do kinh tế và tăng trưởng kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này có hàm ý rất rõ ràng với Việt Nam do nền kinh tế của nước ta đã sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp.

Tham luận về sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, PGS, TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học NEU đã chỉ ra các quy tắc, phương pháp luận quan trọng trong việc xây dựng chỉ số Economic Freedom of the World và nhóm tiêu chí đánh giá chỉ số tự do kinh tế. Cụ thể, các tiêu chí đánh giá bao gồm: Quy mô của Chính phủ; hệ thống pháp luật và các quyền sở hữu; đồng tiền tốt; tự do thương mại quốc tế; quy định điều tiết về tín dụng; lao động và kinh doanh.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đồng quan điểm cho rằng nhà nước và thị trường là hai thành tố cơ bản không thể thiếu của kinh tế thị trường hiện đại. Ngoài ra, sự khác biệt của kinh tế thị trường hiện đại và kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nằm ở vai trò của Nhà nước nhiều hơn, tốt hơn trong quá trình phát triển và việc giải quyết các vấn đề xã hội.

 TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đổi mới kinh tế giai đoạn đến 2030 là việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận. Trong đó, trọng tâm là việc Nhà nước chủ động giảm bớt và thay đổi vai trò, vị trí, chức năng của mình, qua đó làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước với thị trường. Ngoài ra, làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động sản xuất đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong phân bổ nguồn lực xã hội.

TS Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh, để xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại trong giai đoạn tới, chúng ta cần chú ý tới việc xây dựng các giải pháp cải cách gắn với các con số cụ thể thay vì chỉ dừng lại ở cấp độ lý luận.

Tin, ảnh: LƯU PHƯƠNG ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/doi-thoai-ve-the-che-kinh-te-thi-truong-viet-nam-629340