Đối thoại Nga-Mỹ và ngòi nổ chực chờ

Đối thoại Nga và Mỹ, nếu diễn ra sẽ mở đầu nỗ lực nhằm giảm căng thẳng giữa các bên liên quan đến tình hình tại Ukraine. Song đây chỉ là một trong những kịch bản phía trước...

Nga gặp khó nếu xảy ra xung đột quân sự với Ukraine, đối đầu quân sự với Mỹ, NATO, bị trừng phạt kinh tế mạnh hơn. (Nguồn: Getty)

Nga gặp khó nếu xảy ra xung đột quân sự với Ukraine, đối đầu quân sự với Mỹ, NATO, bị trừng phạt kinh tế mạnh hơn. (Nguồn: Getty)

Phong cách Nga

Kết thúc hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ ngày 7/12, Tổng thống Putin bộc lộ với truyền thông: Chúng tôi nhất trí sẽ tiếp tục cuộc thảo luận; chúng tôi sẽ làm việc một cách liên tục; chúng tôi sẽ trao đổi về các ý tưởng của mình trong vài ngày tới; sau một tuần nữa sẽ đưa ý tưởng cho Mỹ xem xét.

Đúng 10 ngày sau (17/12), Bộ Ngoại gia Nga công bố dự thảo thỏa thuận 8 điểm gửi Mỹ và NATO. Hai dự thảo cho hai đối tượng khác nhau, nhưng có nhiều điểm chung, liên quan chặt chẽ với nhau, “tuy hai mà một”.

Nội dung dự thảo thỏa thuận có thể khái quát thành “năm không”. Một, NATO không mở rộng thêm, không kết nạp Ukraine. Hai, không triển khai thêm quân, vũ khí ở các nước đã kết nạp từ những năm trước. Ba, Mỹ và NATO không tiến hành các hoạt động quân sự ở Ukraine, Đông Âu, vùng Caucsus và Trung Á. Bốn, không triển khai tên lửa tầm trung, tầm ngắn, có thể tiến công vào lãnh thổ phía bên kia. Năm, Nga và Mỹ không triển khai vũ khí hạt nhân ngoài lãnh thổ.

Ngay, luôn, trực diện và cụ thể. Đó là phong cách Nga, đồng thời cũng là sự cấp thiết từ bối cảnh quốc tế và quan hệ phức tạp, “nóng” với Mỹ và đồng minh. Theo Nga, quan hệ với Mỹ, NATO đang ở đỉnh của căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ xung đột quân sự. Nếu bỏ qua cơ hội, để tình hình vượt tầm kiểm soát, sẽ là quá muộn.

Nga bày tỏ sẵn sàng đàm phán, mong muốn giảm căng thẳng với Mỹ và NATO, xây dựng quan hệ “ổn định, có thể đoán định”. Nhưng phải trên cơ sở cam kết an ninh “giấy trắng mực đen”. Bởi Mỹ và NATO đã không thực hiện lời hứa miệng từ những năm 1990.

Nga sẽ gặp khó khăn nếu xảy ra xung đột quân sự với Ukraine, đối đầu quân sự với Mỹ, NATO, bị trừng phạt kinh tế mạnh hơn. Nhưng chủ động đề xuất thỏa thuận không chứng tỏ Moscow ở thế bị động, thế yếu.

Nếu Mỹ và NATO không thiện chí, buộc Nga phải có hành động. Trong đó có việc triển khai tên lửa ở phần lãnh thổ châu Âu của mình. Vấn đề còn lại nằm ở phía Mỹ và NATO.

Toan tính của Mỹ và NATO

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington đã chuẩn bị cơ bản cho đối thoại và sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh châu Âu. Cố vấn Jake Sullivan đặt vấn đề có đi có lại trong đối thoại, nhưng cũng cảnh báo có những điều không thể chấp nhận được.

NATO lập tức phản bác đề xuất 8 điểm của Nga, với thái độ cứng rắn.

Theo họ, kết nạp thành viên, bố trí lực lượng quân sự là công việc nội bộ của NATO. Nga không có quyền can thiệp. Mỹ cùng đồng minh thảo luận sẵn kế hoạch, biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh hơn, “điểm huyệt” xương sống tài chính, năng lượng, cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính, thương mại do phương Tây chi phối.

Đáng chú ý, chính phủ mới ở Đức có biểu hiện cứng rắn hơn trước. Berlin trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga, ủng hộ các biện pháp trừng phạt, tuyên bố Dòng chảy phương Bắc 2 không đáp ứng tiêu chuẩn, sẵn sàng “đóng băng”. Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói không cho phép Moscow yêu cầu các thành viên NATO phải “hành xử ra sao”.

Đây sẽ là cản trở lớn nhất, vấn đề khó dung hòa nhất cho các cuộc đối thoại giữa Mỹ, NATO với Nga. Nhưng trong lòng đồng minh, cũng có quan điểm linh hoạt hơn. Pháp ủng hộ đối thoại, không muốn chiến tranh lạnh với Nga.

Kiev luôn mong muốn NATO hành động kiên quyết, mạnh mẽ hơn, nhất là kết nạp Ukraine. Khi đó, Ukraine sẽ có chỗ dựa chắc chắn để giải quyết xung đột ở miền Đông bằng quân sự và xa hơn là thu hồi Crimea.

Mỹ và NATO sử dụng “con bài” Ukraine để chống Nga. Ukraine lợi dụng Mỹ và NATO để đối phó với Nga. Ý đồ đó làm cho quan hệ Mỹ, NATO với Nga càng phức tạp, căng thẳng, nguy hiểm.

Ý đồ, động thái của Mỹ và đồng minh xuất phát từ sự tin tưởng vào ưu thế kinh tế, ngoại giao, quân sự và nhận định Nga bất lợi, chưa thực sự muốn đối đầu quân sự với Mỹ và NATO. Nên Mỹ và đồng minh vẫn gia tăng sức ép toàn diện, nhằm giành ưu thế, quyền chủ động, buộc Nga phải xuống thang.

Toan tính như vậy, nhưng thực tế lại là chuyện khác.

Có quá nhiều đối lập giữa Mỹ và Nga trong vấn đề Ukraine. (Nguồn: WSJ)

Có quá nhiều đối lập giữa Mỹ và Nga trong vấn đề Ukraine. (Nguồn: WSJ)

Dư luận quốc tế

Dư luận quốc tế có góc nhìn khác nhau về thái độ và hành động của các bên. Phương Tây bình luận Nga cố tình đưa ra các yêu cầu phi thực tế, nhằm “gây nhiễu”, hoặc tạo dư địa cho đối thoại, đàm phán, để có thể lùi mà không quá thua thiệt.

Có học giả nhận xét, vị trí triển khai lực lượng quân sự của Nga cách xa biên giới Ukraine hơn đợt triển khai đầu năm 2021 và Nga chưa có ý định tấn công quân sự.

Cũng có ý kiến nói Mỹ và NATO đặt ra “tiêu chuẩn kép” trong quan hệ quốc tế. Trong khi phản đối Nga triển khai lực lượng quân sự trên lãnh thổ đe dọa Ukraine, thì Mỹ và NATO lại cho mình quyền hành động tương tự với Nga.

Một số chuyên gia quốc tế cho rằng Mỹ và NATO tuyên bố cam kết ủng hộ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhưng thực chất là tận dụng con bài chiến lược để mở rộng thế bố trí quân sự, buộc Nga bị động đối phó. Thậm chí, họ có thể khiêu khích, đẩy Nga sa lầy vào cuộc chiến ở Ukraine.

Góc nhìn khác nhau, tùy thuộc vào mức độ quan hệ với các bên và lợi ích quốc gia, dân tộc. Đa số quốc gia ủng hộ đối thoại, đàm phán và mong muốn các bên có bước đi giảm căng thẳng, kiềm chế xung đột.

Mỹ và NATO sử dụng “con bài” Ukraine để chống Nga. Ukraine lợi dụng Mỹ và NATO để đối phó với Nga. Ý đồ đó làm cho quan hệ Mỹ, NATO với Nga càng phức tạp, căng thẳng, nguy hiểm.

Những kịch bản

Với bối cảnh tình hình và ý đồ của các bên, có thể dự báo một số kịch bản sau:

Một là, chưa tiếp tục hội nghị thượng đỉnh bởi ý đồ và lập trường của hai bên quá xa nhau. Tình hình sẽ kéo dài đến khi có đột biến hoặc quan hệ căng thẳng, nguy cơ cao xảy ra đối đầu quân sự, buộc thượng đỉnh hai bên phải vào cuộc. Đây là kịch bản ít khả năng nhưng vẫn có thể xảy ra.

Hai là, cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra sau một thời gian ngắn, để quan chức hai bên chuẩn bị, trao đổi kỹ lưỡng về những vấn đề cần và có thể trao đổi. Hội nghị thượng đỉnh cũng có thể như kỳ trước, không đột phá, chưa có một kết quả rõ ràng nào, nhưng không đóng sập cánh cửa đối thoại. Điều quan trọng nhất là vẫn ưu tiên “kênh ngoại giao”.

Hoặc hai bên cùng có bước nhượng bộ nhỏ, gút lại một số điểm có thể cùng chấp nhận, mở đường cho cuộc đối thoại tiếp theo.

Đây là kịch bản có khả năng xảy ra và là mong muốn của nhiều quốc gia.

Ba là, đối thoại, ngoại giao bế tắc, xảy ra đối đầu quân sự giữa Mỹ, đồng minh, Ukraine và Nga. Kịch bản này rất ít khả năng xảy ra, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn.

Cả Mỹ, đồng minh và Nga không thực sự sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh, mà hậu quả sẽ vô cùng tàn khốc. Các răn đe, cảnh báo trừng phạt của Mỹ và đồng minh đều gắn với giả thiết “Nga tấn công Ukraine”.

Mà Nga thì không muốn sa lầy; cần môi trường ổn định, dễ đoán định để phục hồi, phát triển đất nước. Nên Nga sẽ không chủ động gây xung đột, trừ phi Mỹ, đồng minh hành động trước.

Tuy nhiên, xung đột quân sự, chiến tranh có thể xảy ra, nếu một bên tính toán sai lầm về chiến lược, dựa trên thông tin tình báo không đầy đủ, chính xác, thông tin giả, như đã từng xảy ra trong quá khứ.

Mỹ và NATO hy vọng với sự hỗ trợ vũ khí, phương tiện, ngoại giao, Ukraine đủ sức đối đầu, lôi kéo Nga vào cuộc chiến cục bộ và bị sa lầy. Mỹ và NATO sẽ đứng sau trục lợi.

Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-thoai-nga-my-va-ngoi-no-chuc-cho-168732.html