Đối thoại góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ngành Nông nghiệp

Năm 2021, lần đầu tiên tỉnh Ninh Bình triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DCCI), tuy nhiên Sở Nông nghiệp và PTNT chưa xếp thứ hạng cao. Với quyết tâm nâng cao điểm số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương trong năm 2022, Sở Nông nghiệp & PTNT đã có nhiều giải pháp, trong đó một giải pháp quan trọng được ngành triển khai đó là tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến và đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, HTX để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Anh Tuấn

Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, HTX để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Anh Tuấn

Đối thoại để chia sẻ

Được đánh giá là lực lượng nòng cốt trong phát triển chuỗi giá trị nông sản và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển, những năm qua, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ngày càng tham gia sâu rộng vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua các hình thức cung ứng vật tư đầu vào, liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản,… góp phần nối dài chuỗi giá trị nông sản và tạo ra giá trị gia tăng. Nhiều năm nay không có hiện tượng giải cứu nông sản sản xuất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT chia sẻ: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong những năm qua mối liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp với HTX chưa nhiều, chưa bền vững và đang gặp phải rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và tình hình thế giới.

Để góp phần vượt qua khó khăn, thách thức hiện nay cho doanh nghiệp, HTX thì sự chia sẻ tâm tư, nguyên vọng của doanh nghiệp, HTX với cơ quan quản lý Nhà nước cũng như tìm tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và HTX, giữa các HTX để cùng nhau hợp tác, phát triển là rất quan trọng.

Chính vì vậy, để các doanh nghiệp cùng đồng hành với ngành Nông nghiệp nói riêng và sự phát triển của kinh tế Ninh Bình nói chung, ngành Nông nghiệp đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc thực thi các chính sách của Nhà nước trong thực tế...

Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã thẳng thắn nêu rõ những khó khăn, vướng mắc có thể trở thành "rào cản", đòi hỏi ngành Nông nghiệp và tỉnh Ninh Bình cần tập trung tháo gỡ, đó là: Những tồn tại về thủ tục đăng ký chứng nhận sản xuất nông nghiệp an toàn VietGAP; về những khó khăn trong đầu tư hệ thống điện, đường giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng vùng sản xuất rau, hoa, quả, thủy sản an toàn; về hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và các giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh cho biết: Kim Sơn được xác định là vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh, chính vì vậy ngay từ khi thành lập Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Bình Minh đã đầu tư theo hướng công nghệ cao.

Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của Công ty hiện tại là các chính sách về đất đai tại vùng bãi bồi chưa ổn định. Bên cạnh đó, Công ty cũng mong muốn chính quyền các cấp quan tâm hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thủy sản tại vùng bãi ngang. Hỗ trợ các doanh nghiệp về quan trắc môi trường tự động, xử lý sau sản xuất các khâu bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Phạm Công Chất, giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh cho rằng: Ninh Bình nên phát triển nông nghiệp theo hướng phục vụ du lịch. Ngoài việc xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp thì việc cung cấp thực phẩm sạch cho ngành du lịch đang bị các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn "bỏ ngỏ".

Chính vì vậy, các chính sách hoạch định của ngành Nông nghiệp cũng nên chú trọng việc xây dựng thị trường hàng hóa nông sản chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của ngành "công nghiệp không khói" trong và ngoài tỉnh.

Tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn"

Cùng với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Ninh Bình hiện có 343 HTX, trong đó có 131 HTX chuyên ngành và có 307 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất, đại diện cho xã viên tổ chức sản xuất, liên kết với doanh nghiệp nông nghiệp trong tiêu thụ nông sản... Vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp và HTX lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh.

Đồng chí Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: "Các ý kiến đề xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp là cơ sở quan trọng để ngành Nông nghiệp Ninh Bình đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.

Đồng thời, trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả hơn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Đặc biệt, khi tỉnh Ninh Bình đang tích cực thực hiện bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương thì việc trao đổi thẳng thắn với doanh nghiệp, tháo gỡ những "điểm nghẽn" được xem là "chìa khóa" nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư trên địa bàn.

Ninh Bình đang hướng tới khai thác lợi thế các tiểu vùng kinh tế sinh thái, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sản xuất hướng hữu cơ và các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chính vì vậy, một nền tảng tốt, cơ chế tốt sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa vào ngành Nông nghiệp.

Do đó, tỉnh xác định trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện hiện quả các cơ chế chính sách đã ban hành và xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ kinh tế nông nghiệp, ưu tiên hình thành các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản có giá trị kinh tế, đủ sức cạnh tranh cao; đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Nguyễn Thơm - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doi-thoai-gop-phan-nang-cao-chi-so-nang-luc-canh-tranh-nganh/d20220524173818970.htm