Đối thoại định kỳ: Giải tỏa khúc mắc trong quan hệ lao động

Tiền lương và các chế độ đãi ngộ thấp, thái độ ứng xử với công nhân không đúng mực là nguyên nhân chính của hầu hết các vụ đình công, ngừng việc tập thể đã từng xảy ra. Thực tế này cho thấy, việc tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc để nắm bắt và giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người lao động chính là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn mầm mống đình công, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.

Hài hòa quan hệ lao động

Là một doanh nghiệp nước ngoài có 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản với gần 22 ngàn lao động song mối quan hệ lao động tại công ty TNHH Canon Việt Nam (trụ sở chính đóng tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội cùng hai nhà máy tại Quế Võ và Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh luôn được giữ ổn định, hài hòa. Điều này có được là bởi công ty luôn chú trọng làm tốt việc đối thoại với người lao động.

NLĐ luôn quan tâm đến cơ chế, chính sách về lương, bảo hiểm....

Bà Phạm Thị Vân Anh, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, với số lượng lớn gần 22 nghìn lao động, theo luật, việc tổ chức đối thoại định kỳ 3 tháng/lần sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, từ đầu năm 2014, doanh nghiệp đã tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, định kỳ tổ chức đối thoại với người lao động.

Nội dung các buổi đối thoại tập trung vào 3 vấn đề chính: Bảo đảm điều kiện làm việc tại các phòng, ban; chế độ phúc lợi cho người lao động; tình hình sản xuất - kinh doanh tại công ty. Các yêu cầu, kiến nghị của công nhân tại các buổi đối thoại đã được lắng nghe, giải quyết kịp thời.

“Riêng trong năm 2016, Công đoàn đã tổng hợp được 2.733 ý kiến của CNLĐ thuộc 604 vấn đề, Công đoàn đã tổ chức hội nghị Người lao động và 04 cuộc đối thoại, thương lượng với công ty giải quyết 87,9%, còn lại 12,1% ý kiến đang tiến hành thương lượng giải quyết”- Bà Phạm Thị Vân Anh cho biết.

Tại Công ty Cổ phần hãng sơn Đông Á (địa bàn huyện Gia Lâm), những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, song công ty vẫn giữ được đà tăng trưởng, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

Bà Trần Thị Tuấn Anh, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm nhận xét: "Một trong những yếu tố tạo nên thành công cho Công ty cổ phần hãng sơn Đông Á là BCH CĐ công ty đã phát huy được vai trò của mình, chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với ban lãnh đạo quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong đó có việc, tổ chức tốt hội nghị Người lao động để phát huy quyền dân chủ và đối thoại trực tiếp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng người lao động".

Tại Hội nghị Người lao động năm 2017 được tổ chức hồi đầu tháng 3/2017 mới đây, Tổng Giám đốc Công ty đã trực tiếp đối thoại với người lao động. Những ý kiến của người lao động tập trung đề nghị giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của CNLĐ như đề nghị tiếp tục điều chỉnh lương cho công nhân trực tiếp sản xuất, tính thêm lương trách nhiệm cho tổ trưởng vào tháng lương thứ 13,14, tham gia bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, có thưởng đối với bộ phận hành chính và kế toán v.v.. đều được Tổng Giám đốc ghi nhận, giải đáp một cách thỏa đáng khiến CNLĐ rất phấn khởi.

Tương tự, tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm), sự phối hợp tích cực giữa chủ sử dụng lao động và CĐCS trong việc định kỳ tổ chức đối thoại, lắng nghe và giải đáp kiến nghị của công nhân cũng giúp cho mối quan hệ lao động trong công ty luôn hài hòa.

Ông Ngô Ngọc Vinh - Chủ tịch CĐ Cty TNHH Điện Stanley Việt Nam cho biết, ngoài tổ chức đối thoại định kỳ, Công ty còn xây dựng hòm thư góp ý đặt tại 16 vị trí trong nhà máy để đoàn viên, người lao động tham gia đóng góp ý kiến, bày tỏ nguyện vọng.

Tổng Giám đốc công ty phối hợp với Công đoàn tổ chức và trực tiếp điều hành Ủy ban Đạo đức - Văn hóa của doanh nghiệp, hằng tháng rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành; đưa ra các quyết sách phù hợp với kiến nghị, yêu cầu của CNLĐ.

Nổi bật như công ty đã kịp thời tuyển dụng thêm 1 bác sĩ, thực hiện đúng theo Thông tư liên tịch số 14 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế và Tổng LĐLĐ Việt Nam; từ đầu năm 2016, doanh nghiệp tính tất cả phụ cấp vào tiền lương làm thêm (được trả 150% lương). Tại các cuộc đối thoại, hầu hết những kiến nghị hợp lý của công nhân đều được Ban Giám đốc giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, khoảng cách giữa Ban Giám đốc và công nhân được rút ngắn, năng suất lao động cũng ngày một tăng.

Tăng cường hơn nữa việc tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp

Năm 2016, UBND và LĐLĐ Thành phố đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc CNLĐ Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Tại đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã trực tiếp trả lời 33 kiến nghị tập trung vào các vấn đề liên quan thiết yếu đến quyền lợi, đời sống của NLĐ.

Sau Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký Văn bản số 3161/UBND-KT ngày 30/5/2016 chỉ đạo 13 sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện liên quan giải quyết các đề xuất của CNLĐ và doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn Thành phố.

Từ những ví dụ trên cho thấy, đối thoại tại nơi làm việc là giải pháp tốt nhất để tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động, tránh những hậu quả về tranh chấp lao động và đình công. Thông qua đối thoại, doanh nghiệp và người lao động sẽ hiểu nhau hơn, cùng hợp tác vì lợi ích chung.

Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của việc đối thoại tại nơi làm việc đối với việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, các cấp CĐ Thủ đô đã luôn quan tâm chú trọng thực hiện hoặc chỉ đạo thực hiện các hoạt động này.

Ở cấp thành phố, hàng năm, UBND phối hợp với LĐLĐ Thành phố đều tổ chức các cuộc đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo chính quyền, chủ doanh nghiệp với CNLĐ tại các KCN&CX. CĐ các cấp cũng phối hợp với chính quyền tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại giữa CĐ- người sử dụng lao động- NLĐ để nắm diễn biến tình hình, tư tưởng, giải quyết những kiến nghị và các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đoàn viên.

Ở cấp cơ sở, rất nhiều doanh nghiệp cũng thực hiện một cách thường xuyên, định kỳ và tự nguyện việc đối thoại với những hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức hội nghị người lao động hàng năm; có đơn vị giám đốc gặp gỡ CNLĐ tại nhà máy, xưởng sản xuất để trao đổi thông tin, giải quyết những yêu cầu từ phía tập thể lao động… Từ các cuộc đối thoại những vấn đề NLĐ quan tâm đều được đề cập đầy đủ và công khai biện pháp giải quyết.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của LĐLĐ Thành phố, hiện nay bên cạnh các doanh nghiệp quan tâm và thực hiện tốt việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, vẫn còn có nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức được hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, hoặc có tổ chức nhưng nội dung và chất lượng chưa đảm bảo; thành phần tham gia chưa đầy đủ theo quy định. Ban chấp hành CĐCS ở một số đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa phát huy được hết vai trò của mình trong việc phối hợp với DN tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.

Được biết, Nghị định 60/2013/NĐ-CP bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện việc đối thoại định kỳ. Việc tổ chức đối thoại không cố định về mặt thời gian, doanh nghiệp có thể lựa chọn thời gian phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị. Khi đối thoại, không nhất thiết phải có đầy đủ NLĐ, Ban Giám đốc mà mỗi bên chỉ cần 3 đại diện.

Nhiều chuyên gia quan hệ lao động cho rằng, khi đối thoại, CĐCS nên khuyến khích người lao động tham gia đóng góp ý kiến để hỗ trợ DN phát triển ổn định. Khi các bên đã tìm được tiếng nói chung thì mọi gút mắc trong quan hệ lao động sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/doi-thoai-dinh-ky-giai-toa-khuc-mac-trong-quan-he-lao-dong-51085.html