Đổi thay từ xứ sở Kỳ Nam

Ba Tơ - địa danh gắn với cuộc khởi nghĩa nổ ra trước Cách mạng tháng 8/1945 đến 5 tháng (14/3/1945) và sau 79 năm, vùng đất này đã có nhiều đổi thay, núi rừng thấp thoáng những căn nhà đẹp. Cứ thế, ngôi nhà sàn xây bằng bê - tông của người trúng kỳ nam cách đây 17 năm xem ra đã khá lạc hậu với những nông dân tần tảo hơn 20 năm trồng cây keo lai.

Nổi bật giữa rừng xanh

Cách đây 17 năm, thông tin bùng nổ "như bom" ở làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, là trường hợp ông Phạm Văn Xắc trúng khối kỳ nam giá bạc tỷ. "Ông Xắc trúng rất nhiều và vẫn còn cất trong rừng. Khối kỳ nam bán ra kiếm được cả ký vàng...", tin tức giống như cơn bão lướt qua vùng cao và thường được thêu dệt. Ngày đó, tôi từng lên Ba Tơ thăm ngôi nhà sàn bằng bê-tông của ông Xắc nằm trên sườn đồi.

Chuyện "ngôi nhà kỳ nam" từng nghe bà con kể khắp các buôn làng. Giờ đây, nhà sàn bê-tông lại xuất hiện đẹp hơn ở xã Ba Điền. Tại làng Tương, anh Phạm Văn Bợp và vợ đang dọn vệ sinh, tự trang trí lại ngôi nhà sàn sau 2 tháng thi công, mới hoàn thành với chi phí hơn 350 triệu đồng. Gần đó, vài gia đình đang dọn đồ ra giữa sân để cúng các vị thần. Bà con gật gù khi nghe tôi so sánh khối kỳ nam 17 năm về trước, ông Xắc chỉ hưởng được 1 lần; không bằng rừng keo bạt ngàn trên những dãy núi, con cháu có thể dựa vào đó để sống đời bền vững, nhà sàn bê - tông thay thế cho những căn nhà gỗ sẽ giúp bà con ổn định cuộc sống.

Ngôi nhà sàn khá đẹp của gia đình anh Phạm Văn Bợp

Người dân nói về ngôi nhà sàn của ông Xắc được xây bằng xi-măng, đổ 12 trụ bê-tông, nhưng bây giờ nhà của bà con ở xã Ba Điền xây còn đẹp hơn, phủ kín gạch men từ trong nhà ra đến tường ngoài, có nhà làm tới 20 trụ. Nhưng có một điều hơn hẳn và chưa có tiền lệ ở vùng cao này, đó là người dân đã có tiền để làm nhà sàn bằng bê-tông, sàn nhà lót gạch men lau láng bóng, mọi người bước lên cầu thang đều bỏ dép dưới đất. Toàn bộ lan can ngôi nhà đều được chạm trổ, đánh véc-ni, tường màu trang nhã, ngôi nhà luôn được thiết kế quay ngang hông song song với mặt đường để "khoe dáng".

Một cán bộ kiểm lâm nói với tôi: "Cứ bám theo con đường này, vòng qua những ngôi làng phía sau lưng trụ sở UBND xã Ba Điền sẽ gặp những ngôi nhà sàn bê-tông rất đẹp, đó là nhờ nhiều năm qua, bà con trồng keo nên bây giờ cuộc sống đã khởi sắc hơn". Ngay tại 1 con dốc lởm chởm đá ngay chân núi, tôi đã nghe âm thanh lách cách vang ra từ ngôi nhà to nhất xóm của vợ chồng chị Phạm Thị Ý. Suốt gần 3 tháng, ngôi nhà này, được thiết kế 5 mái, luôn ầm ĩ âm thanh của máy cưa đá, gạch men. Chị Ý cho thợ lót gạch men màu trắng toàn bộ 2 bên hiên nhà. Trước mặt nhà chị là 2 ngôi nhà sàn được xây dựng trang nhã, hiên nhà dán hoa văn, dọc 2 bên ban công là lan can gỗ được đánh véc-ni láng bóng. Phía sau là rừng keo bạt ngàn xanh mướt, vì vậy ngôi nhà màu trắng của chị Ý nổi bật giữa thảm xanh thiên nhiên.

Ông Phạm Văn Thì - người có uy tín ở làng Tương, xã Ba Điền - cùng người con trai cũng đã xây dựng ngôi nhà rất ấn tượng. Đi từ nhà ra hiên, ông Thì giới thiệu công sức lao động cần cù suốt mấy chục năm qua của gia đình, hiện tài sản của cả nhà là 9 con trâu cùng với rừng keo đang chờ ngày thu hoạch.

Ở một nơi nằm cách Ba Tơ nhiều dãy núi, thuộc xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, gần 10 năm trước, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Ka Dong được chuyển ra khu tái định cư, nhường đất xây dựng thủy điện, nơi ở mới là những ngôi nhà được xây rất đẹp. Nhưng sau đó vài năm, những ngôi nhà này vẫn bỏ hoang vì đồng bào thích ở nhà sàn gỗ hơn, không thích nhà xây, sàn lát gạch men và tường bằng xi - măng.

Những ngôi nhà sàn ẩn hiện giữa núi rừng bạt ngàn cây keo lai, mang lại đời sống mới cho bà con dân tộc Hrê

Trong khi đó, ở xã Ba Điền, bà con đồng bào dân tộc Hrê xây nhà theo phong cách pha trộn nửa thành phố nửa vùng sơn cước rất đẹp. Nhà mới tiện lợi cho việc bảo quản lúa, đẩy lùi "con ma" hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân.

Trâu và rừng hơn Kỳ Nam

Đi dọc các xã vùng cao, giáp biên giới của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi đâu cũng bạt ngàn những cánh rừng trồng keo, trùng trùng điệp điệp. "Có keo, có tiền, cuộc sống có đỡ khó khăn?", nghe tôi hỏi điều này, nhiều bà con đồng bào dân tộc Pa Kô cho biết "vẫn đủ ăn". Ở vùng cao này, bà con dù nghèo nhưng vẫn sống vui, nhất là khi tổ chức tiệc sinh nhật, có gia đình làm sinh nhật lớn cho con với 50 mâm.

Còn ở vùng cao thuộc huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, đồng bào dân tộc Hrê đã trải qua 20 năm trồng cây keo lai trên các dãy núi và sườn đồi dốc, cộng với việc nuôi trâu. Đi đâu cũng một màu xanh bạt ngàn của cây keo lai trong lành, mát rượi. Bà con dân tộc nơi đây có truyền thống cần cù, tiết kiệm, đã biết gửi tiền vào ngân hàng nhờ giữ hộ.

Giá thu mua keo những năm đầu là 700 ngàn đồng/tấn, thời gian gần đây đã lên 1,5 triệu đồng/tấn. Sau 20 năm, bà con bắt đầu xây nhà bê-tông từ 350 triệu đến hơn 1 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Văn Ênh - Phó chủ tịch UBND xã Ba Điền, cuộc sống của bà con đã thay đổi nhờ định hướng phát triển của chính quyền, bên cạnh sự nỗ lực, kiên trì của mỗi người dân. Người Hrê vẫn luôn nghĩ về thần linh trú ngụ ở cối giã gạo (abao), bếp lửa (t/nuh), ché rượu (t/nuh), nhưng vị thần mang lại sự ấm no cho bà con chính là những cánh rừng keo, những đàn trâu, tư tưởng không trông chờ, ỷ lại mà róc rách như dòng sông Rhe, chảy hoài những ước mơ xóa đói, giảm nghèo.

Ba Tơ là địa danh lịch sử nổi tiếng cả nước. Vào trưa 10/3/1945, ông Phạm Kiệt và đồng đội nhận được tin Nhật đảo chính Pháp. Ngay tối hôm đó, chi bộ quyết định lãnh đạo khởi nghĩa. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, tỏ ra rất nhạy bén trước cục diện mới, kịp thời chớp thời cơ, hành động với quyết tâm lớn, đưa đến thành công của Cách mạng tháng 8". Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã tạo tiền đề cho phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ, tiến tới giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đồng thời có ảnh hưởng to lớn đến phong trào cách mạng của các tỉnh Trung Bộ và là trang sử ngời sáng trong lịch sử đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân Quảng Ngãi.

HOÀI ÂN - LÊ CHƯƠNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/doi-thay-tu-xu-so-ky-nam_159956.html