Đổi thay ở xã Thanh

Là một trong 11 xã biên giới của huyện Hướng Hóa, xã Thanh là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Những năm trước đây, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, đời sống người dân khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Những năm trở lại đây, với sự đồng thuận và quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững đã làm thay đổi đời sống và cảnh quan bộ mặt nông thôn xã biên giới này.

Đường vào khu sản xuất thôn A Ho, xã Thanh, huyện Hướng Hóa được xây dựng hoàn thành bằng nguồn vốn chương trình MTQG 1719 -Ảnh: N.Đ.P

Đường vào khu sản xuất thôn A Ho, xã Thanh, huyện Hướng Hóa được xây dựng hoàn thành bằng nguồn vốn chương trình MTQG 1719 -Ảnh: N.Đ.P

Xã Thanh hiện có 863 hộ với 4.246 nhân khẩu, trong đó đồng bào Vân Kiều chiếm 97%, sinh sống ở 6 thôn, gồm Ba Viêng, Thôn 10, Thanh 1, A Ho, Thanh Ô, thôn Mới. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với các chương trình, dự án, kết quả bước đầu thực hiện các chương trình MTQG, đời sống của bà con dân bản và cảnh quan bộ mặt nông thôn xã biên giới này đã có nhiều đổi thay tích cực.

Chủ tịch UBND xã Thanh Hồ A Cất cho biết: những năm qua đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, từ khi có chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ 2021 - 2025 (chương trình MTQG 1719), các công trình đường giao thông, nước sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng, hỗ trợ xây dựng nhà ở... đã được triển khai. Hiện nay, các công trình đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào trong toàn xã.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn như chính sách trợ cước, trợ giá các mặt hàng thiết yếu, vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, chuyển đổi nghề... đã có tác động trực tiếp, góp phần cải thiện đời sống, sản xuất của người dân, nhất là các hộ nghèo.

Anh Hồ Văn Thông ở thôn A Ho thuộc hộ nghèo của xã chia sẻ: “Trước đây, đời sống kinh tế của gia đình tôi chủ yếu dựa vào nương rẫy nên luôn khó khăn, thiếu thốn, không có tiền tích lũy để làm nhà, gia đình tôi sống trong ngôi nhà sàn tạm bợ. Vừa qua, nhờ nhà nước quan tâm hỗ trợ và cho vay ưu đãi nên đã làm được ngôi nhà sàn kiên cố, vợ chồng tôi rất mừng. Khi có nơi ở tươm tất rồi, gia đình tôi sẽ tích cực trồng sắn, trồng chuối, chăn nuôi bò, dê, gà để có thu nhập và dần thoát khỏi diện hộ nghèo”.

Cùng với việc giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, các hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp trong sản xuất như giống cây trồng, vật nuôi, phân bón; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Qua đó, giúp cho người dân dần thay đổi tập quán canh tác và chăn nuôi, mạnh dạn áp dụng các mô hình mới trong sản xuất.

Hiện nay, xã có 959 ha sắn, 36 ha khoai lang, 68 ha ngô, 65,9 ha rau đậu các loại, 30 ha cao su, 88,5 ha chuối, 15 ha cây ăn quả các loại. Tổng đàn gia súc 3.771 con. Tổng đàn gia cầm trên 6.630 con. Ông Hồ A Cất chia sẻ thêm, trong năm 2023, tổng các nguồn vốn phân bổ hơn 6,3 tỉ đồng, trong đó cùng với hỗ trợ chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất, bảo vệ rừng, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, xã đã triển khai xây dựng đường vào khu sản xuất ở các thôn: Thanh Ô, thôn Mới, A Ho, Thanh 1, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ba Viêng, thôn Mới.

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình MTQG 1719 để người dân sớm được thụ hưởng chính sách và vươn lên thoát nghèo. Trong đó, xã sẽ tập trung nguồn vốn cho việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp; đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều...

Nhờ đời sống kinh tế phát triển nên nhận thức của đồng bào cũng được nâng lên rõ rệt, các mặt của đời sống xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Năm học 2022-2023 toàn xã có 331 cháu mầm non, 553 học sinh tiểu học, 367 học sinh trung học cơ sở. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân được quan tâm với đầy đủ nguồn nhân lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch cũng như khám, chữa bệnh. Quốc phòng- an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định.

Hiệu quả từ việc triển khai các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua đã tiếp thêm động lực cho người dân xã Thanh vươn lên thoát nghèo, cùng chung sức, chung lòng xây dựng địa phương vùng biên giới này ngày một đổi thay.

Nguyễn Đình Phục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/doi-thay-o-xa-thanh-185546.htm