Đổi thay ở vùng cao Nậm Xây

Trở lại xã Nậm Xây (Văn Bàn) hôm nay, mọi người sẽ thấy thủ phủ 'vàng tặc' một thời giờ đã có diện mạo mới. Đường đến các thôn, bản được đổ bê tông, người dân đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng bản làng trù phú và bình yên.

Ai đã từng đến vùng đất Nậm Xây vào khoảng trước năm 2010 - 2012, hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh những thôn, bản người Mông, người Dao nghèo khó, lạc hậu, giao thông khó khăn… Trò chuyện với chúng tôi, bà Triệu Thị Mắn ở thôn Nậm Van nhớ lại: Thời điểm “cơn bão” vàng tràn qua Nậm Xây thật khủng khiếp, nó đã gây khổ đau cho rất nhiều gia đình. Cuộc sống của người Mông, người Dao nơi đây vốn rất bình yên, nhưng vào năm 2010, khi nạn đào đãi vàng “thổ phỉ” bùng phát mạnh, những người đàn ông, thanh niên ở các thôn, bản bị các “bưởng vàng” kéo lên núi làm phu đào vàng cho họ. Vàng đâu không thấy, chỉ thấy sự chết chóc và tệ nạn mang trở lại bản làng. Chính quyền các cấp đã kịp thời vào cuộc ngăn chặn nạn đào đãi vàng trái phép, trả lại bình yên cho mảnh đất này...

Thêm vào câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Hoàng Minh Tuân, Phó Trưởng Công an xã Nậm Xây cho biết thêm: Những năm 2008 - 2010, các lò vàng “thổ phỉ” hoành hành, các nhóm tội phạm, xã hội đen tranh giành địa bàn khiến Nậm Xây trở thành điểm nóng về mất an ninh, trật tự. Nhưng hôm nay đã khác, các lò vàng “thổ phỉ” đã đóng, đàn ông trong xã trở về với ruộng vườn, nương đồi chí thú làm ăn; an ninh, trật tự được lập lại, tệ nạn xã hội được kéo giảm.

Đến thôn Phiêng Đoóng, chúng tôi được Bí thư Chi bộ thôn Triệu Phúc Nguyện đưa đi tham quan một vòng quanh thôn. Đường giao thông ở Phiêng Đoóng giờ rộng rãi, xe máy, ô tô có thể bon bon chạy. Vừa đi, anh Nguyện vừa kể những câu chuyện về một thời gian khó. Nếu như không có chương trình xây dựng nông thôn mới và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thì không biết cuộc sống người dân nơi đây sẽ ra sao.

“Bản thân tôi năm 2010, thấy đàn ông trong thôn bỏ lên rừng đào vàng, tôi cũng khăn gói đi theo, xin vào làm cho một lò vàng thổ phỉ. Sau đó bị chủ lò rủ rê, tôi về nhà bán hết trâu, bò mang tiền lên đầu tư mua máy móc cùng làm. Vậy nhưng trái với những gì mình mong đợi, sau gần 2 năm lăn lộn, tôi đã phải xuống núi với 2 bàn tay trắng. Đấy là bài học cay đắng nhất trong đời, nhưng dù sao mình cũng sớm nhận ra, trở về với vợ con, bản làng để làm lại từ đầu. Nhìn tấm gương của tôi, giờ không có đàn ông, thanh niên nào ở Phiêng Đoóng còn muốn lên núi làm vàng nữa mà ở nhà tập trung phát triển kinh tế. Những trang trại lợn, trang trại nuôi dúi và cá nước lạnh do người dân trong thôn làm chủ mọc lên ngày càng nhiều. Thôn có 90 hộ thì đã có hơn 30 hộ thuộc diện khá, giàu…” - anh Nguyện nói.

Chia tay Phiêng Đoóng, theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân xã, chúng tôi đến thôn Nậm Van để “mục sở thị” mô hình nuôi dúi của vợ chồng tỷ phú trẻ Triệu Thị Mùi. Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại nuôi dúi của gia đình mình, chị Mùi kể: Trước đây, gia đình tôi chỉ tập trung cấy lúa, trồng ngô và chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, thu nhập không cao. Nhờ sự hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ năm 2020, gia đình tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng và mua 10 cặp dúi bố mẹ về nuôi.

Trung bình mỗi năm, trang trại nuôi dúi của vợ chồng chị Triệu Thị Mùi xuất chuồng khoảng 200 con dúi giống và dúi thịt thương phẩm, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 200 triệu đồng.

Từ mô hình của gia đình mình, tôi đã hỗ trợ, hướng dẫn một số hộ khác trong thôn xây dựng mô hình nuôi dúi với mong muốn tạo dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả tại thôn.

Chị Mùi tâm sự.

Theo thống kê chưa đầy đủ của địa phương, Nậm Xây đang có hàng chục trang trại chăn nuôi tổng hợp liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, như mô hình nuôi dúi, nuôi lợn đen và gà bản địa, nuôi ếch, nuôi cá nước lạnh… Dù các mô hình phát triển kinh tế chưa lớn nhưng đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Mạnh Hà thông tin: Nậm Xây là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Bàn, có 6 thôn, bản với 551 hộ người dân tộc Dao, Mông, Tày. Nậm Xây được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, đồng đất phì nhiêu, đây là điều kiện rất tốt để phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhưng cái khó nhất là trình độ dân trí của người dân chưa cao, vẫn tồn tại hủ tục, một số người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Xã mới đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới. Vì thế, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ xã đã xác định phải thay đổi được nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Lãnh đạo xã xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó tập trung vận động trưởng thôn và những người có uy tín trong đồng bào thực hiện làm mẫu trước. Cùng với đó, chính quyền xã tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất với các hộ ở địa phương để thúc đẩy sản xuất hàng hóa.

Đồng chí La Văn Toan, Chủ tịch UBND xã cho biết: Một thành tích nữa rất quan trọng trong năm 2023 mà xã Nậm Xây làm được đó là đã quy hoạch được vùng trồng lúa nếp đặc sản địa phương ở cánh đồng của 3 thôn trung tâm xã với hơn 70 ha để liên kết với doanh nghiệp xây dựng sản phẩm OCOP “Lúa nếp bản địa Nậm Xây”. Cùng với đó, hầu hết hộ trong xã đã mạnh dạn tham gia các dự án trồng cây ăn quả, trồng quế… góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập.

“Điểm nhấn quan trọng nhất đối với Nậm Xây bây giờ là hệ thống giao thông nông thôn đã được đầu tư đồng bộ với 4 tuyến đường trục xã và 5 tuyến đường trục thôn có tổng chiều dài 22,912 km giúp phá thế độc đạo về giao thông, tạo mạng lưới giao thông thông suốt giữa các thôn trong xã, tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân…” - đồng chí La Văn Toan, Chủ tịch UBND xã chia sẻ.

Hôm nay, dù vẫn còn bộn bề khó khăn, nhưng vùng cao Nậm Xây đã có một diện mạo tươi sáng.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/doi-thay-o-vung-cao-nam-xay-post378220.html