Đổi thay ở huyện đảo Tân Phú Đông

Tân Phú Đông là huyện đảo của tỉnh Tiền Giang. Trước đây, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn do sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng yếu… Nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, huyện Tân Phú Đông hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Tân Phú Đông. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)

Huyện Tân Phú Đông được thành lập đầu năm 2008 trên cơ sở chia tách địa giới hành chính 6 xã cù lao thuộc 2 huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây của tỉnh Tiền Giang.

Sau 15 năm thành lập, địa phương đã nỗ lực vươn lên đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Đổi thay lớn nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng lên.

Đổi thay ở huyện đảo

Những ngày này, mọi tuyến đường trên địa bàn huyện Tân Phú Đông đều rợp cờ hoa, người dân tất bật trang hoàng nhà cửa kỷ niệm 15 năm thành lập huyện.

Đang vệ sinh tuyến đường trước cửa nhà, ông Trần Văn Minh, xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông cho biết, bộ mặt nông thôn nơi đây đã thay đổi rất nhanh. Khi mới thành lập, điện, đường, trường, trạm đều thiếu thốn, khó khăn. Qua 15 năm xây dựng và phát triển, cuộc sống người dân đã được nâng lên rõ rệt.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng, ông Minh bộc bạch: “Gia đình trồng 0,4ha dừa Mã-Lai, 0,2ha mãng cầu Xiêm và cho thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/năm. Nhờ sự quan tâm của địa phương, người dân chúng tôi có được những con đường bê-tông, đường nhựa thẳng tắp, nhiều tuyến đường không còn lầy lội vào mùa mưa; những ngôi trường khang trang, sạch đẹp được “mọc” lên, giúp con em học hành đến nơi, đến chốn. So với trước đây, cuộc sống người dân tốt hơn rất nhiều…”.

Tân Thạnh là xã đảo của huyện đảo Tân Phú Đông. Khi mới thành lập, nơi đây cũng gặp không ít khó khăn về điện, đường, trường, trạm. Giờ đây, xã Tân Thạnh như được khoác lên mình chiếc áo mới.

Ông Nguyễn Thanh Bình, ấp Tân Đông, xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông nuôi 2ha tôm cho biết, địa phương có sự thay đổi vượt bậc, trên cả mong đợi của người dân. Nhà nước quan tâm đầu tư cầu, đường; nâng cấp hệ thống điện, cung cấp nước sạch đến từng hộ gia đình đã đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, nâng cao dân trí và chăm sóc, bảo vệ tốt sức khỏe người dân.

Cây sả đã giúp rất nhiều hộ dân ở huyện Tân Phú Đông thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết, từ ngày thành lập huyện đến nay, huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội.

Trên lĩnh vực kinh tế, điểm nhấn quan trọng là huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông-ngư-lâm nghiệp sang ngư-nông-lâm nghiệp một cách có hiệu quả, phù hợp với tiềm năng, điều kiện tự nhiên. Từ đó, giá trị sản xuất ngư-nông-lâm nghiệp năm 2022 của huyện đạt hơn 2.510 tỷ đồng, tăng 1,77 lần năm 2008.

Xác định nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Tân Phú Đông đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển, với con tôm là sản phẩm chủ lực. Nông dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học-kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, từ đó đạt hiệu quả cao. Hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 7.540ha, sản lượng trên 33.000 tấn, tăng 244,49% so với năm 2008.

Nói về điểm nhấn mang tính đột phá qua 15 năm thành lập, đồng chí Bùi Thái Sơn cho rằng: “Đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm vượt sông Cửa Tiểu, Cửa Trung sang địa bàn huyện đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho nhân dân là một trong những điểm nhấn quan trọng. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng cũng được huyện nỗ lực đầu tư. Đến nay, địa phương đã xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường đến trung tâm các xã; xây dựng đường và cầu nông thôn nối liền từ xã đến ấp, liên ấp…”.

Phát triển nhanh, toàn diện

Huyện Tân Phú Đông cũng đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và được cụ thể hóa theo lộ trình từng quý, từng năm.

Nói về mục tiêu trong thời gian tới, đồng chí Bùi Thái Sơn cho biết thêm: “Huyện đang và sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024, hình thành đô thị trung tâm huyện; xây dựng kinh tế nông nghiệp an toàn, hữu cơ; hình thành các Cụm công nghiệp Phú Thạnh, Phú Tân; kêu gọi đầu tư các khu dân cư, cơ sở thương mại, dịch vụ, khu du lịch sinh thái biển (cồn Ngang, cồn Cống)”.

Bên cạnh đó, huyện Tân Phú Đông sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học (đến năm 2025 có 100% trường đạt chuẩn quốc gia), đồng thời, khai thác, sử dụng tốt các thiết chế văn hóa của huyện, xã, ấp. Địa phương sẽ quyết tâm vượt khó vươn lên, tiếp tục huy động mọi nguồn lực để xóa “trắng” hộ nghèo, nâng mức sống của nhân dân lên cao hơn mức trung bình chung của toàn tỉnh…

Mặc khác, huyện tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mình; thúc đẩy phát triển rộng rãi các hình thức sản xuất có hiệu quả, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

15 năm tuy không phải dài nhưng cũng đủ khẳng định việc thành lập huyện Tân Phú Đông là chủ trương đúng đắn của tỉnh Tiền Giang, giúp Tân Phú Đông từ một huyện nghèo bước sang một trang mới, phát triển toàn diện các lĩnh vực.

Theo nhandan.vn

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202304/doi-thay-o-huyen-dao-tan-phu-dong-977021/